Phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây được biết đến với đặc sản
bánh tẻ Phú Nhi. Dù sản phẩm đã có
nhãn hiệu tập thể và hiện được tiêu thụ khá tốt, tuy nhiên, nỗi lo
ATTP tại làng nghề này đang khiến nhiều người âu lo.
Vừa qua, đoàn liên ngành của TP về triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2018 đã kiểm tra cơ sở sản xuất bánh tẻ Thanh Bình. Đây là đơn vị được lãnh đạo phường Phú Thịnh giới thiệu là có truyền thống lâu đời và bảo đảm tốt nhất điều kiện ATTP. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành vẫn ghi nhận điều kiện sản xuất của cơ sở chưa bảo đảm, trong đó, nghiêm trọng nhất là nguyên liệu để làm bánh (gạo,
thịt, mộc nhĩ…) không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Theo Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh, trên địa bàn phường Phú Thịnh hiện có khoảng 45 hộ sản xuất bánh tẻ. Nhưng đến nay, mới chỉ có… 2/45 cơ sở được cấp giấy
chứng nhận ATTP. Việc sản xuất tại làng nghề vẫn chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ.
Với sản lượng hàng tấn mỗi ngày, làng nghề Cổ Hoàng (xã Hoàng Long, huyện Thường Tín) được biết đến là một trong những điểm cung cấp
bánh kẹo thủ công lớn nhất của TP. Qua khảo sát, điều kiện sản xuất của nhiều hộ dân hết sức sơ sài, chưa bảo đảm một số tiêu chí về ATTP. Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Long Vũ Tuấn Anh cho biết, làng nghề hiện có 35 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay chưa có bất cứ cơ sở nào được cấp giấy chứng nhận ATTP!
Hai ví dụ điển hình trên cho thấy thực trạng đáng lo ngại về ATTP ở hầu khắp các làng nghề
chế biến nông sản, thực phẩm. Một trong những nguyên nhân chủ yếu được cho là đến từ phương thức sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát còn rất phổ biến hiện nay. Điều này không chỉ tác động tới sản xuất, kinh doanh của các làng nghề về lâu dài trong bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày một lớn, mà nghiêm trọng hơn là những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn sức khỏe đối với người dân.
Cải thiện điều kiện sản xuất
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế lớn, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững các làng nghề, công tác bảo đảm ATTP rất cần được chú trọng. Tuy nhiên, để có thể cải thiện được điều kiện sản xuất, kinh doanh lại cần tới kinh phí. Và đối với hầu hết các địa phương có hoạt động làng nghề, đây thực sự là một khó khăn lớn.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, ngân
sách TP hiện rất hạn chế, do đó, các địa phương cần tập trung nghiên cứu phương thức đầu tư, hỗ trợ phù hợp nhằm giúp các cơ sở từng bước cải thiện điều kiện sản xuất, kinh doanh. Lồng ghép các đề án phát triển làng nghề với các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để nâng cao hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ATTP tại các làng nghề, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, gắn với hậu kiểm, đặc biệt là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm dù là nhỏ nhất, bởi chỉ có như vậy mới tạo nên sức răn đe, chế tài đủ nặng, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất,
kinh doanh thực phẩm không an toàn. Cùng với đó là đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở thực hiện hồ sơ tự công bố
chất lượng sản phẩm theo Nghị định số 15 của Chính phủ.