Việc nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, làm tốt công tác thị trường để liên tiếp trúng các gói thầu xuất khẩu đã và đang mở rộng đường đi cho gạo Việt. Tuy nhiên, tính ổn định và bền vững của mặt hàng này vẫn đang gặp phải rất nhiều khó khăn.
Giá gạo tăng là điều đáng mừng nhưng phải tìm cách giảm giá thành để hạt gạo Việt Nam không những tăng về chất, mà còn tăng tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Thực tế này cũng cho thấy sự hiệu quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu trong sản xuất lúa gạo, chú trọng về chất hơn là đẩy về số lượng. Ngoài sự định hướng của cơ quan quản lý, của Hiệp hội, phải đặc biệt ghi nhận những nỗ lực của chính các doanh nghiệp.
Theo Bộ NN&PTNT, nhờ cải thiện tốt chất lượng sản phẩm, tận dụng những thuận lợi của thị trường nên đến đầu tháng 5/2018, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 2,2 triệu tấn, với giá trị khoảng 1,1 tỉ USD, tăng gần 60% về giá trị và sản lượng so với cùng kỳ năm 2017. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục trong vòng 5 năm qua.
Trung Quốc tiếp tục là nước nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều nhất. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đã cao hơn gạo Thái Lan cùng chủng loại. Tình hình xuất khẩu gạo đang tốt lên, nhờ các hợp đồng xuất khẩu tập trung sang Indonesia (500 nghìn tấn), Philippines (130 nghìn tấn).
Sau khi giành được hai hợp đồng bán gạo cho Indonesia và Philippines, tình hình xuất khẩu của Việt Nam được dự báo còn nhiều triển vọng gia tăng khi doanh nghiệp trong nước đang tham gia đấu thầu bán gạo cho Hàn Quốc và chuẩn bị một hợp đồng mới cho Philippines với gói thầu mới mua 250 nghìn tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch gạo của Việt Nam khoảng 2,4 triệu tấn; năm nay có khả năng tăng lên 2,7 triệu tấn.
Ngoài ra, năm nay, châu Phi dự kiến sẽ nhập khoảng 1 triệu tấn gạo cấp cao và gạo trung bình; Philippines và Indonesia mỗi nước cũng cần nhập khoảng 800 nghìn tấn gạo các loại. Dự báo, xuất khẩu gạo năm 2018 của Việt Nam có thể đạt 6,5 triệu tấn, tăng so với mức gần 6 triệu tấn của năm ngoái.
|
Áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam không chỉ là vấn đề giá, chất lượng, mà là duy trì uy tín, lòng tin của thị trường thế giới. Ảnh minh hoạ - nguồn intenet |
Đây cũng là lực đẩy, giúp giá lúa gạo ổn định có lợi cho nông dân. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có nhiều tín hiệu thuận lợi về thị trường, giá cả. Tuy nhiên, do thiếu tiềm lực tài chính để mở rộng vùng nguyên liệu nên nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo ngại trước thị trường lúa gạo vẫn thiếu bền vững, nguy cơ DN sẽ tranh mua, tranh bán để quay vòng vốn, gây nhiễu thị trường.
Việc xuất khẩu gạo ổn định và bền vững ra thế giới được cho là cấp bách và được đề cập từ nhiều năm trước. Báo chí cũng như dư luận đề cập nhiều việc gạo Campuchia đang được thế giới ưa chuộng, đã qua mặt Việt Nam trong việc xuất khẩu gạo thơm cạnh tranh với Thái Lan. Và tiếp theo đó, gạo thơm của Myanmar cũng đang được nổi tiếng. Nhiều người lo lắng cho mệnh hệ gạo Việt Nam sẽ ra sao trong tình thế này.
Từ năm 2015 đến nay, nhiều câu hỏi đã được giới chuyên gia đặt ra là: Tại sao gạo Việt Nam không được khách hàng ưa chuộng? Tại sao có những lô hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bị trả về vì không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Những lô hàng này không có tông tích vì không ai có thể truy nguyên nguồn gốc lấy từ ruộng lúa nào.
Tại sao trước năm 1968, chúng ta có “Gạo Sài Gòn” nổi tiếng khắp thế giới, mà sau khi đất nước được hòa bình thống nhất thì gạo Việt Nam bị tụt hạng như thế? Gạo thơm ngon của Việt Nam đâu mất rồi?
Các nhà khoa học Việt Nam ở đâu mà để cho tình trạng gạo Việt Nam xuống cấp như thế? Đây là những câu hỏi cứ được lặp đi lặp lại mãi mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời Trước đây, loại giống gạo chất lượng trung bình như IR50404 bị ế, giá thấp nên Việt Nam đã chuyển sang các giống chất lượng cao.
Theo giới chuyên gia, xây dựng lại thương hiệu gạo Việt Nam trong bối cảnh thị trường bát nháo hiện nay với quá nhiều giống lúa cho nông dân tự chọn và do hàng ngàn thương lái mua bán, quả thật là một thách thức lớn, càng khó hơn nữa nếu thực hiện theo lộ trình nêu trong QĐ 706/TTg. Xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn chưa mang tính ổn định, bền vững.
Lý do là các DN Việt Nam không đủ tiềm lực tài chính đầu tư, mở rộng vùng liên kết, từ đó không chủ động được nguyên liệu, thời điểm bán hàng. Trong vấn đề liên kết với nông dân, DN xuất khẩu của Việt Nam không đủ nguồn tài chính để đầu tư cho vùng liên kết.
Một thực tế hiện nay là hình thức liên kết giữa DN và nông dân còn lỏng lẻo vì chưa có chế tài. DN làm việc với HTX thì dễ, nhưng làm việc với hàng trăm, nghìn hộ nông dân hay là tổ của nông dân, đặc biệt là trong bối cảnh giá gạo lên xuống thất thường thì rất khó.
Lúc giá gạo xuống, DN phải mua, còn lúc lên có thể nông dân bán ra ngoài hết, rồi trả lại tiền cho DN, khiến DN bị động nên việc mở rộng diện tích liên kết gặp rất nhiều khó khăn