Một trong những giải pháp quan trọng là cần sớm xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương tới địa phương và phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Còn nhiều thách thức
Chia sẻ tại Hội nghị “Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 15/11/2023, TS.BS. Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, an ninh, an toàn thực phẩm giữ vai trò đặc biệt quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, về lâu dài còn ảnh hưởng đến nòi giống của dân tộc. Bảo đảm tốt an ninh, an toàn thực phẩm sẽ góp phần làm tăng nguồn lực con người, làm phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Đồng thời, bảo đảm được mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận được với an toàn thực phẩm từ những thực phẩm sẵn có.
Tuy nhiên, TS.BS. Cao Văn Trung thẳng thắn nhìn nhận, thực tế tại Việt Nam hiện nay, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, các bệnh viện, các trường học còn diễn biến hết sức phức tạp. Tình trạng nhập lậu, thực phẩm không bảo đảm còn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh tối thiểu như điều kiện về cơ sở vật chất, về trang thiết bị, về người trực tiếp sản xuất chế biến thực phẩm chưa đủ kiến thức dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất, cụ thể là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, các chất kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng trong các nông sản và thịt gia súc, gia cầm làm nguyên liệu để chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những vi phạm về đạo đức sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm chưa bảo đảm vẫn bị lén lút đưa ra thị trường; quảng cáo sai sự thật về sản phẩm… sự đa dạng của các hình thức kinh doanh như kinh doanh online, đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới hiện nay rất khó quản lý.
Thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Theo TS.BS. Cao Văn Trung, để đảm bảo hoạt động quản lý an toàn thực phẩm thực sự hiệu quả, cần quán triệt triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Hướng dẫn số 82-HD/BTGTTW ngày 2/12/2022 Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng (Khóa XIII) “về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 2/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Đáng chú ý, một trong những giải pháp quan trọng được đại diện Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh là cần sớm xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương tới địa phương và phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, hoàn thiện về thể chế pháp luật phù hợp với tình hình thực tế như kinh doanh online, văn phòng ảo, quảng cáo xuyên biên giới. Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển nhưng phải bảo đảm an toàn sức khỏe người dân là trên hết, phù hợp với thông lệ quốc tế. Sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật như Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng cho rằng, hoạt động quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi. Bên cạnh việc phê phán những tồn tại, yếu kém cần dành thời lượng thích hợp để biểu dương các điển hình tiên tiến.
Đồng thời, đẩy mạnh và mở rộng các vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm an toàn, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm có thế mạnh ở Việt Nam.
Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích giết mổ tập trung, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe.
Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, kêu gọi hỗ trợ về kinh phí cũng như kỹ thuật cho công tác an toàn thực phẩm. Tăng cường năng lực, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm.
Nâng cao đời sống nông dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đồng bào tiếp cận thực phẩm an toàn