Hiện hệ thống tổ chức và quản lý an toàn thực phẩm tại các địa phương không thống nhất: TP.HCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh thí điểm mô hình "ban quản lý an toàn thực phẩm", các địa phương khác nơi là "chi cục", nơi nằm trong trung tâm kiểm soát bệnh tật.
Trao đổi về lộ trình kiện toàn mô hình quản lý
an toàn thực phẩm từ 2023-2025, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong kỳ vọng: "Mô hình này sẽ giải quyết được những vấn đề còn tồn tại và phát huy được những cái đã có".
Tại sao cần thống nhất?
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, hiện nay hệ thống cơ cấu tổ chức về an toàn thực phẩm chưa thống nhất.
Ở trung ương có Cục An toàn thực phẩm, còn ở tỉnh thành thì một số địa phương thí điểm ban quản lý an toàn thực phẩm (gồm TP.HCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh).
Trong khi đó, một số tỉnh là chi cục an toàn thực phẩm, còn có tỉnh là một phòng thuộc sở y tế... Do vậy, vấn đề chỉ đạo từ trung ương đến địa phương sẽ gặp khó khăn.
Mỗi nơi mỗi kiểu cũng gặp khó khăn trong quản lý ngay tại địa phương.
Ví dụ như mô hình "ban quản lý an toàn thực phẩm" hiện không có trong danh
sách các cơ quan quản lý nhà nước, không thể ra quyết định xử phạt hành chính với cơ sở vi phạm về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Hậu kiểm mà không phạt được, vai trò vì thế cũng giảm.
Ông Nguyễn Thanh Phong - cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - cho hay nội dung của chỉ thị 17-CT/TW về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới gồm sáu nội dung cơ bản, trong đó có nội dung đặc biệt quan trọng là xây dựng một đầu mối thống nhất về an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương.
Lộ trình kiện toàn mô hình tổ chức là từ 2023-2025. Cơ quan tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm sẽ phải tập trung đủ cả ba lực lượng y tế, nông nghiệp, công thương, thay cho việc ba "lực lượng" này thuộc ba bộ (ở cấp trung ương), ba sở (ở địa phương) và mỗi bộ/sở lại quản lý một số nhóm thức ăn, ngành hàng thực phẩm khác nhau!
Với quy định chia nhỏ từng nhóm hàng cho các bộ ngành liên quan quản lý (Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng, Bộ Công Thương quản lý 8 nhóm ngành hàng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 19 nhóm ngành hàng) hiện nay, đại diện Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cho rằng còn gặp một số khó khăn như ngành hàng có sự đan xen thì không rõ nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước.
Thực tế, chi cục an toàn thực phẩm chỉ đảm nhiệm kiểm tra khâu cuối cùng là "lên bàn ăn" và chỉ có chức năng kiểm tra, xử phạt các đơn vị cung cấp sản phẩm ăn uống vi phạm quy định an toàn thực phẩm. Trước đó, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cũng nhận định việc quy định chia ra cho mỗi ngành quản lý một loại thực phẩm nhất định nhưng có những sản phẩm không biết thuộc quyền quản lý của ai.
Đến lúc ngừng mô hình "1 món ăn, 3 bộ quản"?
Tại TP.HCM, sau sáu năm thí điểm mô hình ban quản lý an toàn thực phẩm với nhiều kết quả tích cực, TP đề xuất muốn lập Sở An toàn thực phẩm trực thuộc UBND TP để bảo đảm an toàn thực phẩm tại một đô thị lớn.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình thí điểm ban quản lý an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Hùng Long - phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho hay mô hình đã tập trung được một đầu mối quản lý nhà nước về quản lý an toàn thực phẩm, giúp phản ứng nhanh hơn trước, khắc phục sớm các mối nguy về an toàn thực phẩm.
Đồng thời, việc tập trung một đầu mối tập trung nguồn lực cho phép giải quyết triệt để, chủ động, hiệu quả các vấn đề cấp bách về an toàn thực phẩm.
Đặc biệt giúp giải quyết hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và đầu mối chịu trách về công tác quản lý an toàn thực phẩm, tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, ông Long cũng nhận định do đang ở giai đoạn thí điểm nên mô hình ban quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn những bất cập, gặp nhiều hạn chế trong quyền hạn dẫn đến quá trình hoạt động chưa đạt được hiệu quả tối đa.
Nguyên nhân là do chưa phải là một mô hình chính thức, một số quy định pháp luật chưa thể áp dụng. Hiện chưa có cơ quan đầu mối ở trung ương, chưa có bộ chủ quản, việc nhận chỉ đạo điều hành có lúc còn chưa thông suốt.
Bên cạnh đó, do mô hình thí điểm nên bị hạn chế một số thẩm quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đặc biệt trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định việc một đầu mối quản lý an toàn thực phẩm sẽ giúp nâng cao chất lượng
vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng tránh các nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Trước năm 2013 (trước Luật An toàn thực phẩm hiện hành), đã có lúc quản lý an toàn thực phẩm thực hiện theo mô hình "một món ăn, ba bộ quản", sau đó thống nhất đầu mối về Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhưng Luật An toàn thực phẩm hiện hành lại chia theo nhóm ngành hàng như trước.
Đến nay lại có lộ trình "quy về một mối". Mô hình quản lý thực phẩm theo kiểu chia nhỏ đã bộc lộ những hạn chế và đã đến lúc nên ngưng.
Nhưng mô hình mới nào phù hợp, có hiệu quả, để quản lý được chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm ở Việt Nam? Người dân đã rất mong mỏi, chờ đợi cơ quan chức năng.
Còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng bên cạnh những kết quả đáng khích lệ trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm thì việc có nhiều mô hình quản lý vừa qua còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Điển hình như hệ thống cơ cấu tổ chức còn chưa thống nhất và đồng bộ. Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các
bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao.
Việc kinh doanh trực tuyến,
quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu quả cao...