0908.326.779 - 0906.362.707
 

Bộ trưởng Nội Vụ: Đủ căn cứ lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM

01/06/2023    4.65/5 trong 18 lượt 
Bộ trưởng Nội Vụ: Đủ căn cứ lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ nếu Sở An toàn thực phẩm TP.HCM hoạt động hiệu quả, hợp lý, khi cần thiết bộ sẽ tham mưu nghiên cứu lập sở ở các đô thị lớn khác
Theo tờ trình của Chính phủ, Sở An toàn thực phẩm TP HCM có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
 
Bộ trưởng Nội vụ cho rằng đề xuất thành lập Sở có cơ sở chính trị bởi tháng 11/2022, Ban Bí thư giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo tổng kết Luật An toàn thực phẩm và nghiên cứu kiện toàn bộ máy quản lý theo hướng thống nhất một đầu mối. Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP HCM cũng cho phép phân cấp, phân quyền cho thành phố một số lĩnh vực, trong đó có tổ chức bộ máy.
 
Về pháp lý, Luật An toàn thực phẩm và các luật liên quan đã có quy định. Về thực tiễn, Chính phủ cho phép TP HCM thí điểm lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm và cho thấy có hiệu quả. Như vậy, cơ sở lập Sở An toàn thực phẩm TP HCM đã có đầy đủ, có thể thí điểm trong 5 năm, sau đó đánh giá hiệu quả.
 
"Nếu Sở An toàn thực phẩm TP HCM hoạt động hiệu quả và hợp lý, khi cần thiết, chúng tôi sẽ tham mưu nghiên cứu lập Sở An toàn thực phẩm ở các đô thị lớn", Bộ trưởng Trà nói, khẳng định lập thêm cơ quan đầu mối nhưng tổng số lượng cơ cấu tổ chức không thay đổi.
 
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cũng cho rằng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất bức xúc ở các đô thị lớn. Việc thành lập sở có chức năng, nhiệm vụ này là cần thiết. Tuy nhiên, bà Thủy đề nghị không quy định cứng về chức năng, nhiệm vụ trong nghị quyết mà nên phân quyền cho TP HCM quyết định.
 
"Không nên giới hạn chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Sở An toàn thực phẩm để tạo sự chủ động, linh hoạt trong quyết định bộ máy", bà Thủy nói.
 
Tại tổ TP HCM, đại biểu Nguyễn Thanh Sang, Phó viện trưởng VKSND TP HCM, cũng cho rằng thành phố hơn 13 triệu dân, rất cần cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Việc lập sở mới không làm tăng biên chế vì sử dụng biên chế của Ban Quản lý an toàn thực phẩm và chuyển một số chức năng quản lý nhà nước của Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương.
 
Ngày 26/5, thẩm tra tờ trình dự thảo nghị quyết của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết đa số ý kiến cho rằng cần thuyết minh về sự cần thiết và hợp lý khi lập Sở An toàn thực phẩm TP HCM, đảm bảo không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các sở. Nghị quyết 18 Trung ương 6 nêu, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế; trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị. Do đó, nếu việc thành lập Sở An toàn thực phẩm làm tăng đầu mối thì phải có ý kiến của Bộ Chính trị.
 
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM ra đời năm 2016, có nhiệm vụ giúp thành phố thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đơn vị này quản lý quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, kinh doanh với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng.
 
Ban cũng quản lý sản xuất, thu gom, giết mổ, chế biến ngũ cốc, thịt, thủy sản, rau, củ, quả, trứng, sữa; cấp, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận, xác nhận lĩnh vực an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân. Đầu tháng 4, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM được kéo dài thời gian thí điểm đến khi Thủ tướng quyết định mô hình hoạt động chính thức
An Na