0908.326.779 - 0906.362.707
 

Sản phẩm yến sào sẽ được giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm

16/11/2022    4.65/5 trong 18 lượt 
Sản phẩm yến sào sẽ được giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm
Trước đây, nghề nuôi chim yến phát triển tự phát do chính sách quản lý chưa theo kịp. Việc cấp phép xây dựng nhà nuôi chim yến cũng chưa có quy định cụ thể. Nhưng hiện nay, hoạt động đầu tư và chăn nuôi loài chim trời này dần được quản lý chặt chẽ.

Bộ NN-PTNT vừa ban hành Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Thông tư có hiệu lực từ ngày 31-10-2022. Trong đó, bổ sung sản phẩm tổ yến là đối tượng giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

* Quản lý được cơ sở nuôi

Trước đây, nghề nuôi chim yến phát triển tự phát, việc cấp phép xây dựng nhà nuôi chim yến chưa có quy định cụ thể nên xảy ra tình trạng nuôi yến trong nhà ở, nhà yến làm gần khu dân cư, trường học... Việc các nhà nuôi yến sử dụng âm thanh dẫn dụ chim yến suốt ngày đêm gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng.

Hiện nay, hoạt động đầu tư và chăn nuôi loài chim trời này dần được quản lý chặt chẽ. Cụ thể, Luật Chăn nuôi năm 2018 đã có hiệu lực. Trong đó, điều 64 quy định về quản lý nuôi chim yến với các quy định cụ thể như: không được nuôi chim yến trong vùng dân cư; tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi chim yến trong vùng nuôi chim yến phải bảo đảm môi trường, tiếng ồn, phòng ngừa dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật…

Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21-1-2022 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Chăn nuôi có nêu cụ thể các quy định về vùng nuôi chim yến như: UBND tỉnh phải quy định vùng chăn nuôi chim yến. Vùng nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến. Cơ sở chăn nuôi phải có hồ sơ ghi chép và lưu trữ thông tin về hoạt động nuôi chim yến, sơ chế, bảo quản tổ yến bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm chim yến. Tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến phải thực hiện ban hành và tuân thủ quy trình kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến...

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang cho biết, ở cấp tỉnh, Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 30-7-2021 của HĐND tỉnh đã quy định rõ khu vực không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai.

Riêng về lĩnh vực chăn nuôi và dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai thường xuyên kiểm tra về vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh của các cơ sở nuôi yến. Ngành thú y sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu về ô nhiễm vi sinh vật và phân tích các chất tồn dư độc hại trong sản phẩm tổ yến tại các cơ sở nuôi yến theo quy định mới của Bộ NN-PTNT.

* Phát triển theo hướng bền vững

Trước đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra thực tế nhà nhà đua nhau đầu tư làm nhà yến và khi quá nhiều nhà yến được xây dựng không theo quy hoạch thì xảy ra tình trạng nhiều nhà yến xây lên, qua nhiều năm vẫn chưa có nguồn thu vì không có yến về làm tổ. Vì vậy, việc quản lý cơ sở chăn nuôi chim yến và thực hiện giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm với sản phẩm tổ yến giúp người dân yên tâm đầu tư cơ sở nuôi yến và đảm bảo công tác quản lý nhà nước về an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường… Qua đó, góp phần phát triển nghề nuôi chim yến một cách bền vững, đồng thời đảm bảo về uy tín chất lượng của sản phẩm này.

Theo nhiều hộ nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, sau khi có quy hoạch vùng nuôi, hoạt động đầu tư nhà yến và cơ sở nuôi yến được quản lý chặt chẽ hơn, hoạt động đầu tư chăn nuôi yến trên địa bàn tỉnh không còn quá ồ ạt như vài năm trước đó. Các cơ sở chăn nuôi yến dần theo hướng chuyên nghiệp, bài bản chứ không còn theo hướng tự phát như trước. Việc đầu tư và chăn nuôi yến được quản lý chặt chẽ mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi.

Chủ Cơ sở yến sào Hải Triều (ở xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) Nguyễn Thị Ánh Trang chia sẻ, sau một thời gian các cơ sở nuôi chim yến được đầu tư ồ ạt trên địa bàn tỉnh, hiện việc đầu tư nhà yến tại Đồng Nai đã bão hòa. Đa số các cơ sở chăn nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đang mở rộng đầu tư ở những vùng đất mới và họ đều ưu tiên ở những vùng còn hoang sơ, không tập trung đông dân cư. Trong đó có nguyên nhân việc đầu tư cơ sở nuôi yến mới đã được siết chặt quản lý.

Theo bà Trang: “Quy định mới của Bộ NN-PTNT về giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại cơ sở chăn nuôi yến có lợi cho người chăn nuôi. Vì thực tế, ngành chức năng đã tổ chức lấy mẫu tổ yến của cơ sở đi xét nghiệm các chỉ tiêu về ô nhiễm vi sinh vật và phân tích các chất tồn dư độc hại, sản phẩm của cơ sở đều đạt chuẩn. Cơ sở rất chú trọng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh trong chăn nuôi để đàn yến phát triển tốt”.

Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 933 hộ nuôi chim yến với 1.002 nhà yến; tập trung nhiều ở các huyện: Trảng Bom, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán và TP.Long Khánh. Số hộ và nhà yến trên hầu như không tăng thêm so với năm 2020.
Bình Nguyên