0908.326.779 - 0906.362.707
 

Cần có quy chuẩn chung cho an toàn nông sản

07/10/2022    4.65/5 trong 18 lượt 
Cần có quy chuẩn chung cho an toàn nông sản
Để quy chuẩn hóa chất lượng nông sản, thực phẩm phục vụ người dân, hiện nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang thực thi theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap... Thực tế, những sản phẩm này hiện có giá bán cao, thường để xuất khẩu hay bán tại các siêu thị. Trong khi đó, tại chợ truyền thống người dân vẫn phải sử dụng nông phẩm không rõ xuất xứ. Trước thực trạng này câu hỏi đặt ra là, bao giờ chúng ta có quy chuẩn chung về nông phẩm cho cả hệ thống siêu thị, chợ dân sinh?

Thực phẩm sạch vẫn còn nhiều rào cản

Kể từ khi được áp dụng và triển khai thực hiện đến nay, không thể phủ nhận nông sản, thực phẩm được sản xuất theo mô hình VietGap hay GlobalGap với các khâu kiểm soát chặt chẽ về chất lượng an toàn vệ sinh, sơ chế, đóng gói… đã được nhiều người tiêu dùng đánh giá là sạch, an toàn cho bữa ăn của gia đình. Tuy nhiên, với giá thành cao, hiện nhóm mặt hàng này dường như vẫn chưa thể “chen chân” vào được các chợ dân sinh, chợ truyền thống, nơi chiếm số đông những bà nội chợ thường lui tới hàng ngày.

Cần có quy chuẩn chung cho an toàn nông sản
Sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGap phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu cây giống, chăm bón, dán nhãn QR Code…

Ghi nhận tại chợ Hà Đông (Hà Nội), một trong những chợ dân sinh lớn nhất trên địa bàn quận Hà Đông, mặc dù xung quanh chợ có nhiều cửa hàng thực phẩm bán, giới thiệu các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn nhưng trong khu vực chợ lại không thấy xuất hiện các sản phẩm, nông sản an toàn có thương hiệu.

Theo chia sẻ của một số tiểu thương ở chợ, sở dĩ các nông phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGap khó có chỗ đứng trong chợ là bởi, sức mua của người dân với mặt hàng này ít, trong khi đó việc bảo quản, bày bán phải có đầu tư lớn.

Chị Hà, một tiểu thương bán rau, quả lâu năm tại chợ, cho biết, chị thường lấy rau quả ở các chợ đầu mối về bán và đây đều là những mặt hàng bình thường, phù hợp với nhu cầu về giá của người dân. Các mặt hàng rau quả này cũng được bày bán tràn lan ở chợ, không đóng gói, không bảo quản… và người dân đến mua họ chấp nhận với thực tế như vậy. Còn với mặt hàng rau an toàn hay rau quả theo tiêu chuẩn VietGap, chị Hà và nhiều tiểu thương khác tại chợ dường như chưa nghĩ tới. Thực tế, nếu nhập về cũng khó bán bởi giá thành sản phẩm thường cao hơn gấp đôi, gấp 3 lần các mặt hàng cùng loại. Trong khi đó, tâm lý ra chợ của người dân vẫn là tươi, ngon và rẻ.

“Tâm lý người mua ra chợ là muốn mua được mặt hàng rẻ, vì thế, chỉ cần 2 sạp rau quả cạnh nhau, nhưng giá bán chênh nhau người tiêu dùng đã so sánh rồi chứ chưa nói đến việc bán sản phẩm an toàn, hay sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap. Ở chợ, trước cũng có người từng lấy mặt hàng VietGap về bán, nhưng được một thời gian ngắn thì ngừng vì ế”, chị Hà chia sẻ.

Không chỉ khó “chen chân” vào các chợ dân sinh, chợ truyền thống, nông sản an toàn hay nông sản sạch thậm chí còn khó xuất hiện ở các chợ đầu mối bởi, với những nhà vườn sản xuất theo mô hình nông sản sạch, họ thường có những ký kết trực tiếp với các đầu mối thu mua và quá trình này được thực hiện theo chuỗi, từ người trồng đến cửa hàng, siêu thị

Chị Thu Phương, tiểu thương chuyên lấy rau quả tại chợ đầu mối nông sản Thanh Hà (Cự Khê, Thanh Oai), cho biết, tại chợ đầu mối chưa từng thấy mặt hàng nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap nào được các thương lái vận chuyển mang về chợ. Các mặt hàng nông sản, rau quả ở chợ thường được thu mua từ các vùng trồng lớn trên địa bàn Thành phố, hoặc các tỉnh, thành lân cận; còn việc mặt hàng an toàn hay sạch như thế nào thì không phải trách nhiệm của tiểu thương, mà là trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

“Chúng tôi chỉ nhập hàng về bán phù hợp với mức thu nhập của người dân, người dân vẫn chấp nhận thì chúng tôi vẫn bán. Còn nếu người mua muốn đảm bảo an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ thì họ sẽ không lựa chọn ra chợ mà sẽ đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị…”, chị Phương nói.

Bao giờ có quy chuẩn chung cho nông sản?

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 454 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 65 chợ hạng 2, 311 chợ hạng 3 và 63 chợ chưa phân hạng. Ngoài ra, có 2 chợ đầu mối là chợ đầu mối ở quận Hoàng Mai và chợ đầu mối Minh Khai (Bắc Từ Liêm); 4 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối là (chợ Long Biên, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ cá Yên Sở, chợ đêm Văn Quán)… Với số lượng lớn các chợ dân sinh, chợ đầu mối như vậy cho thấy, tiềm năng để nông sản, thực phẩm an toàn xuất hiện ở các chợ này là rất lớn. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, nhất là vướng mắc về giá, kho bãi, lưu trữ… đã hạn chế các hợp tác xã, đầu mối thu mua tiếp cận với khu vực tiềm năng này.

Thực tế, để sản xuất nông phẩm theo mô hình VietGap, các hợp tác xã, doanh nghiệp phải thực hiện theo mô hình chăn nuôi, trồng trọt khép kín từ việc chăm sóc, bảo quản, thu mua, tiêu thụ. Do đó, nếu đưa vào các chợ truyền thống, chợ dân sinh việc bảo quản kém sẽ khiến nông phẩm không đảm bảo chất lượng dẫn đến việc giảm thương hiệu, giảm uy tín...

Chia sẻ về quá trình chăm sóc, phân phối sản phẩm rau, quả an toàn, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc hợp tác xã Ba Chữ (huyện Đông Anh) cho biết, sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã chủ yếu được phân phối qua các hình thức như: Thương lái thu mua tại đầu bờ, hợp đồng với các công ty, cửa hàng, chuỗi siêu thị để cung ứng cho người tiêu dùng.

“Để cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, hợp tác xã đặc biệt coi trọng từng khâu trong quá trình sản xuất. Từ cây giống, chăm bón, đến việc thu hoạch, sơ chế, đóng gói, dán nhãn QR Code, bảo quản… đều phải đảm bảo tuyệt đối về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và tránh việc hàng hóa bị làm giả”, bà Nguyễn Thị Huyền cho hay.

Có thể thấy, để có được sản phẩm nông phẩm được sản xuất theo mô hình an toàn, người trồng phải đảm bảo quy trình sản xuất khép kín, sự kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn chặt chẽ. Do đó, giá thành chắc chắn sẽ phải cao hơn so với các sản phẩm thông thường. Vì thế, khi giá thành cao, chất lượng được khẳng định, việc bị làm giả hoặc trà trộn sản phẩm là điều khó tránh khỏi.

Đề cập đến vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho rằng: Vấn nạn hàng chợ “đội lốt” rau an toàn, rau đạt chuẩn VietGAP không phải bây giờ mới xuất hiện và nó không chỉ diễn ra với mặt hàng rau, mà còn diễn ra với rất nhiều thực phẩm khác. Do đó, dù ở chợ hay siêu thị cũng rất khó để người tiêu dùng có thể phân biệt, lựa chọn được rau, quả sạch theo đúng nghĩa. Thậm chí, ngay cả các chuyên gia cũng phải chấp nhận “khuất mắt trông coi” và lựa chọn theo niềm tin, cảm tính của chính mình.

Từ chia sẻ của chuyên gia Vũ Vinh Phú có thể thấy, mục tiêu đưa hàng hóa, nông sản chất lượng từ trang trại đến bàn ăn người dân thông qua chợ truyền thống, chợ dân sinh vẫn cần sự nỗ lực lớn từ các đơn vị chức năng và chính các đơn vị sản xuất. Trong đó, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ giá trị của sản phẩm an toàn, hướng đến bảo vệ sức khỏe; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm… thì cần có một quy chuẩn chung cho nông sản, thực phẩm cả ở chợ dân sinh và hệ thống siêu thị.

Để giải quyết vấn đề này, tại cuộc họp về công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị, các cơ quan chức năng thuộc Bộ rà soát lại tất cả các tiêu chuẩn, quy định, chế tài, xem còn phù hợp hay không, cần sửa cái gì? Mục đích là phải làm minh bạch, tử tế, không chỉ để phục vụ thị trường xuất khẩu, mà là phục vụ thị trường gần 100 triệu dân trong nước. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp từ nay đến cuối năm, đó là chuẩn hóa nông sản tại thị trường trong nước và việc này sẽ được bắt đầu từ các chợ cóc, chợ truyền thống./.

Đỗ Đạt