Thực phẩm không an toàn là vấn đề nhức nhối ở VN. Ngay tại TP.HCM, nơi có hẳn một cơ quan chuyên trách về vấn đề an toàn thực phẩm thì tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều.
“Thả nổi” thực phẩm
TP.HCM có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát
an toàn thực phẩm (ATTP) như thành lập Ban Quản lý
ATTP hay trước đây có chương trình truy xuất nguồn gốc
thịt heo… nhưng đến nay thì thực phẩm mất an toàn vẫn là vấn đề gây lo lắng trong cộng đồng. Ghi nhận tại nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM, các loại thực phẩm như rau củ, thịt cá được bày bán la liệt trên lối đi, lề đường, vỉa hè vẫn là phổ biến. Chị Thu Hường, bán rau cải ở một chợ truyền thống tại Q.11, cho biết chị bán rau cả chục năm nay rồi, cứ sáng sớm 3 - 4 giờ thì chạy ra chợ đầu mối Thủ Đức, ghé vào các vựa quen, thấy chỗ nào rẻ thì mua mang về bán. Còn vựa thì họ lấy từ các nhà vườn ở tỉnh, giấy tờ như thế nào mình cũng không nắm được. Nhưng họ bán trong chợ là có đăng ký với ban quản lý chợ, mình ở đây cũng vậy. Còn chuẩn VietGAP gì đó thì phải hàng
siêu thị mới có, giá cao lắm, không có hàng mà cũng chẳng biết chất lượng thật giả thế nào.
Trên các con đường xung quanh một chợ truyền thống ở Q.10, các tiểu thương nhỏ lẻ vẫn bày la liệt rau, chanh, ớt… và vài ba con gà ta thả vườn làm sẵn. Một người bán rau tại đây nói: “Chúng tôi quê ở Long An, giáp Bình Chánh. Mỗi sáng mang ít rau củ, gà, vịt lên đây bán kiếm lời, sống qua ngày. Chiều về lại đi thu gom hàng của bà con làng xã xung quanh để hôm sau tiếp tục mang ra chợ bán. Thay vì ngồi một chỗ, nhiều người chạy xe đẩy bán dạo khắp nơi. Khách hàng của họ cũng chủ yếu là người lao động nghèo, quan tâm giá rẻ là chính và chẳng ai còn quan tâm đến chất lượng”.
Đối với thịt bò, anh Trần Văn Minh, chủ một trang trại chăn nuôi bò tại Bình Dương, cho biết: “Các xe chở gia súc trước khi vận chuyển đều phải được cân và cơ quan thú y kiểm tra, đóng dấu vào giấy thông hành mới được qua trạm kiểm dịch để di chuyển đến điểm giết mổ. Quy trình vận chuyển có sự kiểm soát nhưng chủ yếu về mặt số lượng, trọng lượng và kiểm tra cảm quan, chứ không có xét nghiệm gì, họ chỉ kiểm tra trên giấy”.
Chị N.T.B, chủ một
cửa hàng phân phối sỉ thịt bò tại chợ Phạm Văn Hai (TP.HCM), thừa nhận: “Tôi thường đặt thịt bò từ các lò giết mổ ở Long An. Bò thì do thương lái thu gom các nơi rồi vận chuyển về lò mổ. Ngay tại lò mổ tập trung, có lực lượng thú y kiểm tra. Sau khi giết mổ thì có xe lạnh vận chuyển về chợ và phân lẻ ra để bán. Quy trình hằng ngày đều như vậy. Riêng ở chợ thì không có cơ quan nào kiểm định chất lượng thịt, tôi phân lẻ cho các khách hàng là xong”.
Đối với mặt hàng thịt heo, theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai: “Quy trình kiểm soát chất lượng từ trang trại đến bàn ăn mặc dù đã được triển khai nhưng đến nay cơ quan chức năng mới chỉ kiểm soát ở 3 khâu: thống kê số lượng nhập về lò giết mổ, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, và kiểm soát trên đường vận chuyển. Có một thời gian đề xuất thực hiện heo đạt chuẩn VietGAP mới được vào chợ, nhưng thực hiện được điều này là vô cùng khó khăn”.
Thấy hàng thối trước mặt cũng không thể xử phạt
Theo Ban Quản lý ATTP TP.HCM, trong tháng 8.2022, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra xử phạt 33 đơn vị vi phạm, trong đó phổ biến là các cơ sở kinh doanh
dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận đủ điều kiện. Đặc biệt có một vụ kinh doanh thịt heo bị ôi thiu ở Hóc Môn và một vụ khác vận chuyển thịt heo từ Long An về chợ đầu mối Bình Điền nhưng không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định.
Trước đó, Ban Quản lý ATTP TP.HCM công bố kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy một số mẫu rau, củ,
thủy sản, thịt... có chứa chất cấm, kháng sinh, kim loại nặng... Cụ thể, đã lấy tổng số 1.420 mẫu (năm 2018 - 2019 và 6 tháng đầu năm 2022) các loại rau, trái cây, thủy sản, thịt tại 3 chợ đầu mối. Với 570 mẫu rau và trái cây được giám sát, có 271 mẫu phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chiếm hơn 47,5%. Trong số này, 20 mẫu vượt giới hạn cho phép và 58 mẫu không nằm trong danh mục. Tỷ lệ mẫu không đạt chuẩn là hơn 13%. Còn 95/100 mẫu thủy sản nuôi phát hiện tồn dư kháng sinh cấm sử dụng và 4/650 mẫu thịt tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, cho biết xác định mẫu vi phạm nhưng lại không có giá trị xử phạt dù mẫu đó có dư lượng hóa chất cao và đã phân phối về các chợ truyền thống, cơ sở bán lẻ. Vì khi lấy mẫu kiểm nghiệm, chúng tôi không thể bảo chủ hàng là "đợi lúc có kết quả anh mới được bán". Bởi nếu đợi
kết quả kiểm nghiệm đạt chuẩn, hàng có thể bị hỏng thì Ban phải đền bù thiệt hại. Ngược lại, kết quả không đạt thì cũng không phạt được vì theo luật ATTP, Ban chỉ có thể dựa trên kết quả giám sát, ra quyết định và lập đoàn thanh tra cơ sở bán hàng không đạt chuẩn. Kết quả mẫu kiểm nghiệm lấy khi thanh tra không đạt chuẩn mới đủ cơ sở để phạt. Việc xử phạt vì thế rất khó, dù thấy hàng thối trước mắt.
Có 2 nguyên nhân chính là sản xuất của VN manh mún tự phát nên rất khó quản lý. Ngược lại, thủ tục quy trình quản lý kiểm tra xử phạt của VN rất chồng chéo, phức tạp giữa Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT. Luật ATTP quy định muốn xử phạt phải có kết quả kiểm nghiệm, giá thành thực hiện một mẫu lên đến khoảng 1 triệu đồng lại rất mất nhiều thời gian. Vì vậy, lực lượng chức năng thường phải áp dụng theo tiêu chuẩn hành chính của ngành công thương như kiểm tra giấy tờ chứng minh nguồn gốc, kém chất lượng sẽ bị tịch thu, tiêu hủy tại chỗ. Chính vì vậy, muốn quản lý được thực phẩm phải đi từ khâu tổ chức sản xuất và sản xuất quy mô lớn.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ATTP
Trong thời gian tới, Ban sẽ giám sát nhiều hơn để kéo giảm tỷ lệ vi phạm. Chúng tôi cũng sẽ đề xuất kiểm nghiệm theo tỷ lệ thực phẩm về thành phố để giám sát tốt hơn. Mặt khác, việc bảo đảm ATTP của thành phố cần có sự phối hợp của tất cả tỉnh, thành để quản lý từ khâu sản xuất.
Đại diện chợ đầu mối Hóc Môn thông tin, hiện chợ có 278 sạp rau củ, trái cây và 100 sạp thịt heo. Đơn vị cố gắng tăng mạnh việc liên kết với địa phương, tăng truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, với lượng hàng lớn và nguồn cung đa dạng, việc truy xuất hầu như chỉ dừng ở khu vực, vùng trồng, chứ không cụ thể đơn vị sản xuất. Đối với việc lấy mẫu thực phẩm kiểm tra, hiện cơ quan chức năng chỉ "mạnh tay" theo chuyên đề, các tháng hành động vệ sinh ATTP. Đơn vị từng có kế hoạch hỗ trợ Nhà nước lấy mẫu xét nghiệm, nhưng hiện không thể làm được do chuyên môn và nguồn kinh phí chưa có. Trong khi đó, ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, lý giải: “Đơn vị chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê ô vựa, không có chuyên môn và trách nhiệm trong việc kiểm định chất lượng hàng hóa thực phẩm, truy xuất. Chợ có 1.800 quầy sạp với lượng hàng nhập vào 2.500 tấn hàng/đêm, thương nhân lại không cho biết thông tin mua bán cụ thể vì yếu tố cạnh canh... thì chúng tôi chỉ quản lý chung, chứ không thể làm xuể. Nhà nước phải có trách nhiệm liên kết, 63 tỉnh thành phải có phương án liên kết, kiểm soát chất lượng sản xuất từ gốc, chứ ra chợ đầu mối thì chịu”.
Chỗ nào cũng khó nên
an toàn vệ sinh thực phẩm về cơ bản vẫn bị bỏ trống. Chỉ có người tiêu dùng vừa mất tiền mà không biết mình đang sử dụng hàng chất lượng ra sao.