10/09/2022
4.65/5 trong 18 lượt Bếp ăn tập thể trong trường học, doanh nghiệp đang hoạt động không cần giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). Quy định này gây khó cho công tác quản lý, tiềm ẩn nguy hại và là nỗi lo của nhiều người.
Quy định chưa hợp lý
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vừa khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát cho thấy một bất cập về việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các bếp ăn tập thể. Theo điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Theo đó, trường hợp bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm như bếp ăn tại các trường học, doanh nghiệp không kinh doanh thực phẩm thì không phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Trên thực tế, việc quản lý ATTP đối với các cơ sở này chỉ dựa trên việc cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP; một số địa phương yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cam kết bảo đảm ATTP. Do không cần xin giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP nên cơ quan chức năng khó nắm được đơn vị nào đang tổ chức ăn bán trú cho học sinh, người lao động. Theo Sở Y tế, hiện có 2.803 cơ sở thuộc diện không phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP của ngành y tế quản lý. Tuy nhiên, đây chỉ là con số sở nắm được, còn trên thực tế có thể cao hơn nhiều lần.
Không cần xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đồng nghĩa việc không có công tác tiền kiểm của cơ quan quản lý trước khi bếp ăn tập thể đi vào hoạt động. Hiện nay, bếp ăn tại các trường học, doanh nghiệp không đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm được hoạt động mà không cần Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Dương kiểm tra các tiêu chuẩn, điều kiện. Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Dương, quy định này dẫn đến tình trạng nhiều bếp ăn hoạt động được một thời gian thì cơ quan chức năng mới tiến hành thanh, kiểm tra hoặc kiểm tra đột xuất khi có sự việc phát sinh như ngộ độc thực phẩm... Nhiều cơ sở chưa từng được kiểm tra, thanh tra do cơ quan chức năng không nắm được có bếp ăn tập thể đang hoạt động. Một số cơ sở có quy mô nhỏ lẻ và thường xuyên biến động số lượng gây khó khăn trong công tác rà soát, quản lý.
Bên cạnh đó, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP không phân định rõ sự quản lý cho các đơn vị tuyến huyện và tuyến xã nên các bếp ăn tập thể cung cấp từ 200 suất ăn trở lên không thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP vẫn do tuyến tỉnh quản lý; từ 50 suất ăn/lần phục vụ đến dưới 200 suất ăn/lần phục vụ do tuyến huyện quản lý; các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh lưu động do tuyến xã quản lý.
Khó đôi đường
Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hiện là thứ nhiều cơ sở muốn xin không được mà cơ quan chức năng muốn cấp chẳng xong. Mặc dù Nghị định 15/2018/NĐ-CP có nêu các cơ sở thuộc diện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP tương ứng nhưng lại chưa quy định rõ.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Dương, trong thời gian triển khai thực hiện Luật ATTP đã có rất nhiều doanh nghiệp không đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm mong muốn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho bếp ăn tập thể khi đã bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định nhưng cơ quan này không thể cấp do quy định của luật. Không ít doanh nghiệp đã gặp khó với đơn hàng khi nhiều thị trường nhập khẩu khó tính yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho bếp ăn công nhân mới được ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa.
Nhiều phụ huynh học sinh và người lao động lo lắng khi ngày ngày đang sử dụng những suất ăn chưa rõ có bảo đảm vệ sinh ATTP hay không. Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) hiện có 1.380 học sinh, phục vụ hơn 1.000 suất ăn/ngày cho học sinh. Như nhiều trường học khác trong tỉnh, Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng chưa thuê đơn vị chuyên nghiệp cung cấp suất ăn cho học sinh mà nhà trường đang phải tự quản lý việc bảo đảm ATTP và chất lượng suất ăn.
"Do không có chuyên môn về dinh dưỡng, công nghệ thực phẩm và cũng không có chuyên gia hỗ trợ, trường gặp khó trong việc vừa bảo đảm công tác dạy học, vừa bảo đảm vệ sinh ATTP, hàm lượng dinh dưỡng trong số lượng lớn suất ăn mỗi ngày. Xác định chất lượng bữa ăn của trẻ là quan trọng nhưng nhà trường vẫn loay hoay khi số lượng suất ăn tăng cùng với số lượng học sinh mỗi dịp năm học mới đến", cô Nguyễn Thị Thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng chia sẻ. PHONG TUYẾT