Saigon Co.op chỉ kinh doanh những sản phẩm do các nhà sản xuất uy tín, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Y tế và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp
Thông tin Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM công bố tại hội nghị tổng kết 6 năm thành lập ban mới đây khiến nhiều người tiêu dùng thành phố lo lắng. Số liệu thống kê của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP cho thấy gần 50% số mẫu rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối xét nghiệm có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản phát hiện kim loại nặng, trong đó có nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép, cá biệt có sản phẩm phát hiện dư lượng của 7 hoạt chất.
Bất an với thực phẩm bẩn
Những con số "biết nói" đó ngay lập tức gây choáng váng cho người tiêu dùng, một bộ phận không nhỏ người dân bất an vì tỉ lệ thực phẩm "có vấn đề" quá cao trên thị trường và nhìn đâu cũng thấy thực phẩm không an toàn.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, cho biết việc quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau quả đặc biệt tại các tỉnh tuy có nhiều chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao, việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân chưa được kiểm soát.
Thực tế hiện nay, khoảng 70% nguồn cung thực phẩm hằng ngày cho TP HCM là từ các chợ, trong đó chủ yếu là 3 chợ đầu mối trên địa bàn. Để kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, giải pháp được các cơ quan chức năng đề xuất thực hiện là tăng giám sát, nâng mức phạt. Cùng với đó là đẩy mạnh việc phối hợp kiểm soát từ tỉnh. Ngoài ra, cần có quy định hướng dẫn chung từ các bộ chuyên ngành, theo đó, nông sản, thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ phải được kiểm tra và chứng nhận từ gốc.
Người tiêu dùng an tâm khi mua thực phẩm tại Co.opmart
Không lơ là công tác kiểm tra, kiểm soát
Trong khi các chợ truyền thống còn gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm thì các hệ thống bán lẻ hiện đại đã và đang siết chặt các quy định về chọn lựa hàng hóa đầu vào, trong đó tiêu chí an toàn luôn được đặt lên hàng đầu.
Điển hình nhất, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) - đơn vị chủ quản hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… ý thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng hàng hóa cung ứng trên thị trường. Riêng về những mặt hàng rau củ quả, Saigon Co.op ưu tiên chọn hàng của những hợp tác xã có chứng nhận an toàn, VietGAP, GlobalGAP về quy trình sản xuất rau an toàn, ký hợp đồng bao tiêu để bảo đảm tính ổn định, đồng nhất về chất lượng cho sản phẩm.
Khách hàng quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bằng cách chọn địa chỉ cung cấp thực phẩm uy tín
Trong quá trình kinh doanh, Saigon Co.op thường xuyên thực hiện khảo sát, đánh giá trực tiếp quy trình sản xuất và các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất cung cấp hàng hóa kinh doanh trong hệ thống. Ngay tại trung tâm phân phối, sản phẩm trước khi được đưa vào kinh doanh sẽ qua bước kiểm tra đầu vào đối với một số chỉ tiêu kháng sinh trong thủy hải sản, test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các chỉ tiêu vi sinh, chất tăng trọng và chất tẩy trắng. Phòng Thí nghiệm của Saigon Co.op đảm nhiệm công tác này, công suất tối thiểu 24.000 mẫu/năm. Tại các điểm bán lẻ như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food cũng có trang bị các thiết bị chuyên dụng cho các nhân viên kiểm soát chất lượng (QA) để kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa đầu vào như kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, kiểm tra nhanh hàn the, formol trong thực phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart, cho biết với quy trình kiểm soát chặt chẽ và định hướng không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, Saigon Co.op luôn tạo động lực cho các nhà cung cấp liên tục đổi mới, cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất nhằm cung cấp các sản phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng đến tay người tiêu dùng. "Chúng tôi đã và đang từng bước chuẩn hóa lại quy trình kiểm soát chất lượng hàng hóa thông qua việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng dòng sản phẩm và chuẩn hóa các quy trình kiểm soát chất lượng từ nhà cung cấp đến trung tâm phân phối và đến các điểm bán lẻ trong hệ thống. Ngoài việc kiểm soát tại nhà cung cấp, Saigon Co.op cũng thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên hàng hóa đang kinh doanh tại các điểm bán (bao gồm siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food...) để kiểm định, phân tích chất lượng tại trung tâm kiểm nghiệm được cơ quan nhà nước chỉ định. Tất cả những sản phẩm không đạt yêu cầu sẽ bị loại ra khỏi quầy kệ kinh doanh ngay lập tức" - ông Thắng thông tin.
Tại Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food…, quy trình kiểm soát cơ bản chia thành 3 giai đoạn gồm kiểm tra đầu vào, khảo sát nhà cung cấp và kiểm soát trong quá trình kinh doanh. Mỗi giai đoạn đều có quy định riêng phù hợp và chặt chẽ cho từng ngành hàng, từng mặt hàng.
Sức khỏe người tiêu dùng là quan trọng nhất
Thời gian tới, Saigon Co.op tiếp tục triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chất lượng. Cụ thể, tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng dòng sản phẩm đang kinh doanh tại Saigon Co.op; xây dựng vùng nguyên liệu nhằm chủ động kiểm soát nguồn cung hàng hóa: chất lượng, ổn định và giá hợp lý và hướng dẫn nhà cung cấp thực hiện sản xuất bền vững nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh hoạt động xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động nhằm kịp thời kiểm soát chất lượng thực phẩm ngay tại vùng nguyên liệu; tăng cường công tác đào tạo, cập nhật kiến thức cho nhân viên kiểm soát chất lượng. Đặc biệt là sẽ phối hợp trung tâm kiểm nghiệm, cơ quan quản lý nhà nước tìm hiểu và phát triển nhiều phương pháp test nhanh, tập trung kiểm soát tại nguồn để ngăn ngừa rủi ro, nguy cơ từ gốc.