Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, khó nhất khi xử lý thực phẩm bẩn là mẫu giám sát dù chứa dư lượng hóa chất cao, song không có giá trị xử phạt.
Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM Phạm Khánh Phong Lan trả lời VnExpress về 6 năm hoạt động của mô hình kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn đô thị 10 triệu dân.
- Sau 6 năm thành lập, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM đã làm được những gì?
- Trước khi Ban được thành lập, tình hình thực phẩm đối diện rất nhiều khó khăn và người dân mất lòng tin. Vướng mắc lớn nhất khi lĩnh vực này cùng được quản bởi ba ngành: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Y tế nên chồng chéo về trách nhiệm. Vì vậy, thành phố muốn có một cơ quan quản lý chung vấn đề thực phẩm từ đầu đến cuối nên xin Trung ương cho lập Ban trên cơ sở một số phòng, ban của ba ngành này.
Chúng tôi tự đánh giá kết quả 6 năm qua theo 4 chỉ tiêu: ít vụ ngộ độc xảy ra hơn; thanh tra, xử phạt nhiều và hiệu quả hơn; tỷ lệ thực phẩm sạch được sử dụng tăng hàng năm; và công tác kiểm nghiệm, giám sát thực phẩm có chất cấm, độc hại thường xuyên, chuyên nghiệp hơn.
Thực tế thời gian qua cả 4 chỉ tiêu này đều thay đổi tích cực. Trong 6 năm, TP HCM xảy ra 12 vụ ngộ độc, giảm 6 vụ và số người bị ảnh hưởng giảm 8 lần so với giai đoạn 2014-2016, trước khi Ban thành lập. Để xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, mạng lưới 10 đội quản lý an toàn thực phẩm của Ban đã xử phạt 7.225 cơ sở (chiếm 11% tổng số cơ sở thanh kiểm tra), thu 153 tỷ đồng tiền phạt.
Đề án Chuỗi thực phẩm an toàn của Ban đã cấp các chứng nhận như Việt GAP, ISO, GlobalGAP... cho gần 280 trang trại, cơ sở sản xuất, với tổng sản lượng gần 250.000 tấn rau, trái cây; 542.000 tấn thịt; 20.300 tấn thuỷ sản; 1,93 triệu quả trứng gia cầm và hơn 50 triệu lít nước mắm.
Việc giám sát chất lượng thực phẩm thông qua kiểm nghiệm diễn ra thường xuyên hơn, đột xuất hoặc định kỳ, với tất cả thể loại tại chợ, trên thị trường, thức ăn đường phố, các lễ hội, sự kiện... Trong 6 năm, Ban đã giám sát gần 613.000 mẫu, trong đó 0,37% mẫu không đạt. Đây là tỷ lệ rất khả quan.
- Vừa qua, thông tin gần 50% mẫu kiểm nghiệm rau quả, thủy sản tại ba chợ đầu mối - nơi cung cấp 70% thực phẩm cho thành phố tồn dư hóa chất khiến người dân rất lo lắng. Ý kiến của bà về việc này?
- Chúng tôi lấy 1.420 mẫu rau, trái cây, thủy sản, thịt tại ba chợ đầu mối. Với 570 mẫu rau và trái cây được giám sát, có 271 mẫu phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hơn 47,5%). Trong số này, 20 mẫu vượt giới hạn cho phép và 58 mẫu không nằm trong danh mục. Như vậy, tỷ lệ mẫu không đạt chuẩn là hơn 13%.
Trong 100 mẫu thủy sản đánh bắt, có hai mẫu bạch tuộc tồn dư chất cấm. Tuy nhiên, không có mẫu nào tồn dư kim loại nặng vượt chuẩn như báo cáo ban đầu. Đây là nhầm lẫn trong quy định mức giới hạn cho phép khi báo cáo. Mực và bạch tuộc thuộc nhóm nhuyễn thể nên có giới hạn riêng.
Sau khi công bố báo cáo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nhắc nhở. Chiếu theo quy định chuẩn thì không có mẫu nào phát hiện kim loại nặng vượt chuẩn. Còn 95/100 mẫu thủy sản nuôi phát hiện tồn dư kháng sinh cấm sử dụng và 4/650 mẫu thịt tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng cho phép đều đúng.
Các mẫu này được lấy nhiều trong năm 2018-2019 và 6 tháng đầu 2022 vì hai năm đầu ban mới lập nên chưa triển khai, còn hai năm đứt quãng là do đại dịch. Luật cũng không yêu cầu một năm phải kiểm nghiệm bao nhiêu mẫu. Thêm nữa, số tiền để làm kiểm nghiệm rất lớn. Giá trị kiểm nghiệm một mẫu lên đến hàng triệu đồng, bằng cả một lô rau nên khi kiểm nghiệm chúng tôi phải sàng lọc và chỉ chọn mẫu nguy cơ cao.
Kết quả này rất nhỏ bé và con số chưa mang tính thống kê bởi vì với số lượng hàng mỗi đêm về rất nhiều mà chỉ dựa trên vài nghìn mẫu chưa thể rút ra kết luận chung. Quan trọng là kết quả này nhắc nhở chúng ta không chủ quan.
- Trong kết quả giám sát thực phẩm tại ba chợ đầu mối phát hiện những loại thuốc bảo vệ thực vật không thuộc danh mục cho phép (Carbendazim), hay loạt kháng sinh cấm sử dụng. Các chất này ảnh hưởng thế nào đến người tiêu dùng?
- Nếu sử dụng tích tụ hàng năm thì chắc chắn sẽ gây hại. Tuy nhiên, hại thế nào phải có công trình nghiên cứu và tùy vào nhóm hoạt chất. Danh mục thuốc cấm sử dụng do hai Bộ Y tế và Nông nghiệp đưa ra, nhưng lại không thống nhất nên rất khó để xác định vi phạm.
Chúng tôi chỉ liệt kê chung mang tính cảnh báo. Còn vấn đề tồn dư kháng sinh, đặc biệt là chất cấm đã tồn tại từ lâu. Chẳng có kháng sinh nào tốt, nhưng quan trọng hàm lượng sử dụng bao nhiêu. Nếu ăn nhiều thực phẩm tồn dư kháng sinh sẽ có nguy cơ đề kháng kháng sinh. Còn bản chất kháng sinh cũng không đến mức ngộ độc.
- Các mẫu giám sát không đạt tiêu chuẩn được Ban xử lý thế nào?
- Mẫu giám sát không có giá trị xử phạt, bất kể mẫu đó có dư lượng hóa chất cao và đã phân phối về các chợ truyền thống, cơ sở bán lẻ. Khi lấy mẫu kiểm nghiệm, chúng tôi không thể bảo chủ hàng là "đợi lúc có kết quả anh mới được bán". Nếu kết quả kiểm nghiệm đạt chuẩn thì hàng của họ hỏng, Ban phải đền. Còn nếu kết quả không đạt thì mình ngăn được số hàng kém chất lượng đến tay người tiêu dùng, nhưng cũng không phạt được.
Theo Luật An toàn thực phẩm, Ban chỉ có thể dựa trên kết quả giám sát, ra quyết định và lập đoàn thanh tra cơ sở bán hàng không đạt chuẩn. Kết quả mẫu kiểm nghiệm lấy khi thanh tra không đạt chuẩn mới đủ cơ sở để phạt. Việc xử phạt rất khó, dù thấy hàng thối trước mắt, bởi phải có kết quả kiểm nghiệm thì thanh tra mới phạt được.
Danh sách các cơ sở vi phạm, bị xử phạt đều được Ban công khai lên website để đánh vào uy tín của họ. Chúng tôi có hệ thống cảnh báo ngược cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành cung ứng thực phẩm để xử lý. Ban cũng báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cung cấp thông tin về chất lượng nông, lâm, thủy sản như tồn dư hóa chất, kháng sinh gì, để bộ có phương án quản lý.
- Ban sẽ đưa ra những giải pháp gì để giảm số thực phẩm bẩn, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân thành phố?
- Mục tiêu thời gian tới của Ban là giám sát nhiều hơn, nhưng tỷ lệ vi phạm phải được kéo giảm. Chúng tôi cũng sẽ đề xuất kiểm nghiệm theo tỷ lệ thực phẩm về thành phố để giám sát tốt hơn. Hy vọng trong tương lai, tất cả tỉnh, thành đều có những tổng hợp kết quả giám sát như thành phố làm để thống kê toàn diện. Từ đó, có thể thấy nhiều vấn đề, ví dụ thủy sản xuất phát từ vùng nào hay bị nhiễm độc chất đó, để xem lại tận nguồn; cảnh báo người nông dân, ngư dân.
Nếu Việt Nam có Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) như Mỹ thì các quy định về quản lý an toàn thực phẩm sẽ thống nhất hơn. Hiện, Ban phải linh hoạt nhiều quy định để xử lý vi phạm. Ví dụ, Luật An toàn thực phẩm quy định muốn xử phạt phải có kết quả kiểm nghiệm, rất mất thời gian. Do đó, chúng tôi phải áp dụng theo tiêu chuẩn ngành công thương, nếu thực phẩm không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, kém chất lượng sẽ bị tịch thu, tiêu hủy tại chỗ.