0908.326.779 - 0906.362.707
 

Quyết liệt xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

27/07/2022    4.65/5 trong 18 lượt 
Quyết liệt xử lý vi phạm an toàn thực phẩm
Với gần 11 triệu dân cư trú thường xuyên, an toàn thực phẩm là vấn đề được ngành nông nghiệp Hà Nội đặc biệt quan tâm, chú trọng quản lý, giám sát
Thời gian qua, rất nhiều trường hợp vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đã bị lực lượng thanh tra của Sở NN&PTNT Hà Nội phát hiện, xử lý nghiêm.
 
Tỷ lệ xử lý vi phạm đạt 68%
 
Có địa chỉ tại xã Kim Lũ (huyện Sóc Sơn), hộ ông Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những cơ sở giết mổ, sơ chế các sản phẩm từ thịt lợn lớn. Mặc dù vậy, qua kiểm tra, lực lượng chức năng ngành nông nghiệp Hà Nội phát hiện cơ sở này vi phạm một số quy định về sử dụng trang thiết bị, dụng cụ và nguồn nước không bảo đảm vệ sinh. Quá trình giám sát, lực lượng chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội đã lập biên bản, phối hợp cùng chính quyền địa phương ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ ông Vĩnh, với số tiền 1,5 triệu đồng.
 
Mới đây, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Ngân, có địa chỉ tại xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) cũng bị lực lượng chức năng thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra đột xuất. Qua giám sát, cơ quan thuộc Sở đã phát hiện đơn vị này kinh doanh nông sản, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, phối hợp với chính quyền sở tại lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính cơ sở với số tiền 12 triệu đồng.
 
Đây chỉ là hai trong tổng số 21 tổ chức, cá nhân bị lực lượng thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội xử phạt do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm từ đầu năm 2022 đến nay. Thống kê tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước từ các trường hợp vi phạm là hơn 346 triệu đồng.
 
Đáng chú ý, tỷ lệ xử phạt vi phạm của lực lượng chức năng thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đạt rất cao. Cụ thể, giai đoạn từ đầu năm đến nay, thanh tra ngành nông nghiệp Hà Nội thực hiện giám sát đối với 31 cơ sở nhưng đã xử phạt đến 21 trường hợp (chiếm tỷ lệ gần 68% tổng số đơn vị được giám sát). Điều này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng ngành nông nghiệp Hà Nội.
 
Tránh chồng chéo trong giám sát
 
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, qua thanh tra, kiểm tra cho thấy tình hình chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản đã có những chuyển biến tích cực.
 
Dù vậy, vì mục tiêu lợi nhuận nên vẫn còn không ít chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật, chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc - xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh trong quá trình thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến nông sản hoặc kinh doanh thực phẩm đã hết hạn sử dụng…
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, lực lượng thanh tra tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là ở những công đoạn có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cao. Trong đó, chú trọng thanh kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các vi phạm.
 
“Ngành nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ tăng cường trao đổi công tác nghiệp vụ, thanh tra chuyên ngành với Sở NN&PTNT các tỉnh, TP phía Bắc theo chương trình phối hợp đã được ký kết. Đồng thời, rà soát điều chỉnh, thực hiện tốt cơ chế phối hợp để tránh chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm theo đúng Thông tư số 01/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh” - ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
 
"Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm nhiệm vụ quản lý, giám sát an toàn thực phẩm cũng sẽ được ngành nông nghiệp Hà Nội quan tâm, thực hiện thường xuyên; gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm." - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ
Kinhtedothi