0908.326.779 - 0906.362.707
 

Cần cơ chế mới trong quản lý an toàn thực phẩm

24/10/2022    4.65/5 trong 18 lượt 
Cần cơ chế mới trong quản lý an toàn thực phẩm
Vấn đề an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả, thịt đang rất bức thiết tại thành phố Hồ Chí Minh sau khi một số kẽ hở tại các đơn vị phân phối bị vạch trần. Để không xảy ra những trường hợp tương tự, thành phố đang xây dựng cơ chế mới, tiến tới thống nhất một đầu mối quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiệu quả hơn
Anh Ngô Mạnh Hải (phường Tân Thuận Đông, quận 7) cho biết, mấy ngày trước, anh mua một bó rau đắng tại một cửa hàng tiện lợi gần nhà có nhãn mác đầy đủ, nhưng lại là “tác nhân” khiến anh phải nghỉ làm do vấn đề sức khỏe. “Tôi chủ quan vì mua ở cửa hàng tiện lợi, lại có nhãn mác rõ ràng nên chỉ luộc sơ, không chế biến kỹ, do đó đường tiêu hóa của tôi gặp vấn đề”, anh Hải chia sẻ.
 
Cùng cảnh ngộ, chị Lâm Thị Hoài (ở phường 1, quận 8) mua một túi cải bẹ xanh tại siêu thị mi ni gần nhà, vì chủ quan trong khâu sơ chế, gia đình chị cũng phải tìm đến bác sĩ. “Do mua ở siêu thị nên tôi tin tưởng, chỉ rửa sạch bằng nước rồi ăn sống. Nào ngờ cả nhà đều bị đau bụng”, chị Hoài than thở.
 
Dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt (đoạn qua địa bàn quận 5), tại các địa điểm buôn bán lấn chiếm vỉa hè, không khó để bắt gặp nhiều người bán gà, vịt sống. Người bán giết mổ gia cầm ngay trên vỉa hè và hầu hết số gia cầm này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có chứng nhận an toàn chăn nuôi.
 
Ông Nguyễn Ngọc Quang (phường 7, quận 5) cho biết, tâm lý của người tiêu dùng thích mua gà, vịt sống vì nghĩ là tươi ngon. “Tuy nhiên, gia cầm bán tại các tuyến đường, chợ tự phát thường không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát quy trình chăn nuôi nên khó bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Quang nhìn nhận.
 
Với dân số thực tế trên 13 triệu người, thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối sản xuất, giao thương và tiêu thụ các mặt hàng lương thực, thực phẩm lớn. Tuy vậy, theo đại diện Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn các cơ sở nuôi trồng, sản xuất, chế biến thực phẩm tại thành phố còn nhỏ lẻ, manh mún. Quy trình kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều bất cập, khó quản lý. Trong khi đó, khâu phân phối trong chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu thụ thực phẩm được xem là khâu phức tạp khi những năm gần đây “bùng nổ” hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi ni…
 
Theo Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 6 sản phẩm đạt 3 sao và 21 sản phẩm đạt 4 sao. Trong năm 2022, ngành Nông nghiệp thành phố tổ chức đánh giá, công nhận 41 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên. Từ nay đến năm 2025, chương trình OCOP sẽ mở rộng trên toàn địa bàn thành phố (hiện triển khai ở 5 huyện). Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ dân có đăng ký sản xuất kinh doanh cũng được thành phố khuyến khích lựa chọn sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP, được hỗ trợ xây dựng quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Đây là một trong những giải pháp nhằm đưa các sản phẩm của ngành Nông nghiệp thành phố tham gia chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ an toàn.
 
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã tăng cường thanh tra, xử phạt theo thẩm quyền các vi phạm trong an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố cũng tăng cường giám sát chất lượng thực phẩm thông qua việc kiểm nghiệm, đột xuất hoặc định kỳ với tần suất nhiều hơn ở tất cả các loại hình phân phối từ truyền thống đến hiện đại và cả chợ tự phát. Nhờ đó, tỷ lệ thực phẩm sạch tăng lên, ít xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm hơn.
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh là một siêu đô thị với dân số đông nên vấn đề an toàn thực phẩm hết sức quan trọng. Thành phố sẽ đề xuất cơ chế đặc thù để thống nhất một đầu mối trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, một trong những cơ chế đó là xây dựng đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở nâng cấp Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố
TRỌNG NGÔN