0908.326.779 - 0906.362.707
 

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm: Bổ sung quy chuẩn, chế tài

19/10/2022    4.65/5 trong 18 lượt 
Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm: Bổ sung quy chuẩn, chế tài
Ngày 18-10, tại TPHCM, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam”, với sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của đại diện lãnh đạo các ngành công thương, y tế, các địa phương trên cả nước. Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, chủ trì hội nghị.
 
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ NN-PTNT), đánh giá, chuỗi thực phẩm đã từng bước cải thiện, nâng cấp từ thiếu lương thực, đến nâng cao chất lượng, cho đến hiện nay là an toàn minh bạch.
 
Trong 9 tháng đầu năm 2022, cả nước có 99,5% cơ sở sản xuất được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP); 89% cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ cam kết tuân thủ quy định ATTP; 97,6% mẫu giám sát đạt yêu cầu ATTP; 12.582 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương; 86.384ha diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương. 
Phân tích vì sao nông sản Việt Nam vẫn chưa đạt tiêu chuẩn an toàn, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định, chuỗi thực phẩm từ sản xuất đến chế biến đều nghĩ đến lợi nhuận hơn ATTP. Nếu mỗi người có ý thức về ATTP thì sẽ không còn hàng bị chất lượng kém. Đặc thù nền nông nghiệp với diện tích manh mún, cơ sở sản xuất nhỏ và vừa rất nhiều nên việc áp dụng công nghệ còn hạn chế. Khắc phục vấn đề này, trước tiên, Nhà nước cần kiểm soát từ đầu vào, gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ngành nông nghiệp cần giám sát chặt chẽ khâu sản xuất để thay đổi tư duy nông dân.
Nhận định sản xuất sạch đang đối mặt với nhiều thách thức, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, phân tích, hiện nay sản xuất nông nghiệp kêu gọi nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tốn nhiều chi phí hơn nhưng thị trường tiêu thụ rất ít. Bên cạnh đó, sản xuất theo kiểu truyền thống thì ít chi phí nhưng được chấp nhận tại nhiều thị trường. Từ đó, sẽ dẫn đến câu chuyện “gian dối” nhãn mác để lừa người tiêu dùng.
 
Điều cần thiết là, Nhà nước sớm ban hành quy định bắt buộc thời hạn áp dụng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh với các cơ sở trồng trọt chăn nuôi. Đó là quy định thống nhất bộ nhận diện áp dụng chung cho doanh nghiệp được chứng nhận an toàn; bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử, thể hiện rõ quá trình canh tác, sản xuất đến thu hoạch và ra thị trường. 
Trà trộn sản phẩm kém chất lượng 
 
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý ATTP TPHCM, cho biết, hiện nay ban khuyến khích những doanh nghiệp thực hiện tiêu chuẩn cao hơn quy định của pháp luật. Các trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng, siêu thị… yêu cầu xây dựng kỹ thuật cao đối với nhà sản xuất, nếu không đạt tiêu chuẩn có thể trả hàng. “Vấn đề lớn nhất hiện nay là chợ truyền thống không thể thực hiện được như vậy”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói. 
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, thực phẩm mất an toàn tồn tại rất nhiều tại các chợ tự phát. Thậm chí, các chuỗi liên kết vẫn có thể bị “trà trộn” sản phẩm kém chất lượng, nhưng các doanh nghiệp lại e ngại khi nhờ cơ quan chức năng can thiệp. Đơn cử, nhiều hợp đồng ký với số lượng nhập nông sản rất nhiều, nhưng thực tế chỉ lấy số lượng ít, chủ yếu mua trôi nổi bên ngoài.
 
Các siêu thị cũng có nhân viên vì lợi nhuận nên “gian lận” hàng hóa đưa vào… Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, quản lý ATTP là một vấn đề rất khó, bởi Ban Quản lý ATTP TPHCM chỉ kiểm tra khi đã thành thực phẩm. Còn từ khâu sản xuất ban đầu là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, ngộ độc thì trách nhiệm thuộc sở y tế, hàng gian hàng giả là trách nhiệm của ngành quản lý thị trường…
 
- Phó Chủ tịch UBND TPHCM VÕ VĂN HOAN:
An toàn thực phẩm phải theo chuỗi giá trị
Hiện ATTP là yêu cầu, là đòi hỏi cấp thiết từ cuộc sống. Với cách sản xuất đơn giản, doanh nghiệp không thể nâng cao tiêu chuẩn để hướng đến xuất khẩu, dẫn đến quốc gia khó phát triển vượt bậc. ATTP phải thực hiện các khâu từ sản xuất, chế biến và tiêu dùng, nếu một khâu không đạt chuẩn thì thực phẩm sẽ không còn an toàn.
 
Điều đó đồng nghĩa, ATTP phải theo chuỗi giá trị, xuất phát từ giống, vật tư nông nghiệp, quá trình chăm sóc mới thành công. Chuỗi giá trị phải bắt đầu từ tín hiệu người tiêu dùng để từ đó các doanh nghiệp dẫn dắt, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật… cho nông dân sản xuất theo yêu cầu. Đặc biệt, thực phẩm an toàn là phải tăng cường giám sát từ người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà nước, hiệp hội, ban, ngành; từ đó đưa ra ý kiến cho Nhà nước tiếp thu để thay đổi. 
 - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT LÊ MINH HOAN:
Sẽ chế tài để chuyển sản xuất ATTP từ khuyến khích sang bắt buộc
ATTP là trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ riêng cơ quan nhà nước. Do đó, sản xuất minh bạch, truy xuất nguồn gốc, ATTP trở thành ý thức của người tiêu dùng, người sản xuất, doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải nâng cao tiêu chuẩn ATTP để xây dựng thương hiệu chứ không đơn giản chỉ là kinh doanh.
 
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xem nông dân là đối tác trong chuỗi giá trị, chứ không phải người làm thuê. Bộ NN-PTNT sẽ hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, chế tài để chuyển sản xuất ATTP từ khuyến khích sang bắt buộc, hướng tới tiêu chuẩn xuất khẩu, và kiến nghị Chính phủ sửa đổi một quy chuẩn riêng phù hợp với quốc gia.
THANH HẢI