Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn nhức nhối, nguy cơ thường trực, nỗi lo, sự đe dọa tương lai của toàn xã hội. Song, dường như “đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, “đẩy lùi thực phẩm bẩn” vẫn chỉ là hô khẩu hiệu, làm theo phong trào… Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia Vũ Vinh Phú.
Chúng ta đã có những tiến bộ về sản xuất sạch, phân phối hàng hóa an toàn trong
siêu thị cũng có mặt được, nhưng so với yêu cầu thì không thấm vào đâu, không đáng là bao so với cái mất. Chúng ta mới chỉ làm theo kiểu phong trào, không sâu và không khoa học. Điều này dẫn đến một thực tế đó là
ATVSTP đáng báo động!
Có tới 85% hàng tươi sống bán ở chợ, hầu như không được quản lý, không được kiểm soát. Hà Nội có rất ít lò mổ đạt tiêu chuẩn ATVSTP. Trong khi đó, do chi phí cao, khiến hàng trăm lò mổ không đạt chuẩn thoải mái hoạt động. Thậm chí, siêu thị - nơi người tiêu dùng (NTD) đặt niềm tin nhiều nhất, chấp nhận mua với giá cao hơn, vẫn xuất hiện rau VietGAP rởm…
Theo tôi, với điều kiện lưu thông và công tác quản lý như hiện nay, thì vấn đề ATVSTP còn rất nan giải. Tình trạng mua bán,
chế biến không được kiểm soát và vẫn có không ít vụ ngộ độc xảy ra ở các bữa ăn tập thể (gần đây xảy ra với các cháu học sinh một trường học tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), xảy ra ở một số nơi - là vấn đề nhức nhối.
Ai cũng nơm nớp với thực phẩm bẩn, trăn trở, canh cánh nỗi lo khi mỗi ngày con em chúng ta - những mầm non tương lai của đất nước, bán trú ở trường, có được bữa ăn thực sự an toàn?
Thực phẩm bẩn vẫn đang âm thầm hủy hoại sức khỏe con người. Thực phẩm bẩn, không an toàn, gây đau bụng ngấm ngầm, 5 - 7 năm hay hàng chục năm sau, có thể mới phát bệnh hiểm nghèo. Có trường hợp, ăn xong mà bị ngộ độc ngay, thông tin lan truyền thì mới “sôi” lên, nhưng rồi một thời gian lại lắng xuống.
Nghĩa là, chúng ta làm theo kiểu phong trào - “bắt cóc bỏ đĩa” - đi kiểm tra, quay phim, chụp ảnh… rồi đâu lại vào đó!
Tôi muốn nói rằng, hệ thống phân phối của chúng ta có vấn đề: Mua đứt bán đoạn và không ai chịu trách nhiệm; trong khi ở các nước, họ chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm, với NTD.
Chế tài xử phạt còn nhẹ nên người ta không sợ vi phạm, ví như phạt 5 triệu, người ta lãi 50 triệu, hầu như không bị xử lý hình sự?
Trong các siêu thị, màng bọc thức ăn, thức ăn chín có dán tem, chỉ soi QR code (mới chỉ là điều kiện cần) là xong, có ai được bóc ra mà xem, mà ngửi để biết có thiu không; về đến nhà mới biết, đi kiện thì rơi vào tình trạng “được vạ má sưng”(?!). Quy trình sản xuất, tiền kiểm mới là quan trọng. Một khi quy trình hỏng, thì việc soi QR code chỉ là hợp thức hóa cho việc vi phạm.
Từ những chi tiết li ti, từ cách quản lý cắt khúc, từ mua đứt bán đoạn, từ chế tài… dẫn đến vấn đề ATVSTP tại Việt Nam còn rất nan giải.
Có những văn bản đưa ra, cá nhân tôi không đồng tình. Ví dụ, Bộ Y tế quy định các hàng hóa sản xuất ra hậu kiểm, trong khi “chờ” hậu kiểm thì sản phẩm đã “chui” vào bụng con người rồi! Đơn cử, vụ pate Minh Chay ở Hà Nội, 12.000 người ăn bị ngộ độc, khi sản phẩm đã đưa ra hàng nghìn
cửa hàng bánh mỳ, thì làm sao quản được? Vì vậy, quan điểm của tôi: Phải tiền kiểm theo từng lô (đương nhiên, chúng ta phải kiểm nhanh để giải phóng cho doanh nghiệp, không phiền hà, ít chi phí).
Không ít câu chuyện đắng lòng, khi làm thực phẩm sạch, lại bị siêu thị “lắc đầu”.
HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) có hàng nghìn tấn rau cải, nhưng chỉ gửi được khoảng 1 tấn vào siêu thị (với lý do siêu thị không có chỗ để, rồi chiết khấu cao không chịu nổi…). Thế nên, HTX đành ngậm ngùi bóc bao bì, tem nhãn để giảm chi phí, rồi bán ra ngoài chợ cùng với rau không an toàn! Từ đây, chí tiến thủ làm rau an toàn bị “thui chột” - vì họ không có giá trị tăng thêm.
Hay như câu chuyện cá sạch của HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (Thanh Trì, Hà Nội), đã xảy ra vài năm, nhưng chưa cũ:
Đi thực tế mô hình cá sạch trong ao, đại diện một siêu thị bảo “tốt lắm rồi” - hẹn Chủ nhiệm HTX Đại Áng tuần sau đến ký. Nhưng sau đó, nhà sản xuất lại nhận được 3 điều kiện: Chiết khấu 30%; 3 tháng sau mới được thanh toán; giá cá sạch bằng giá cá không sạch (?!).
Vậy theo ông, đâu là giải pháp cho thực trạng này?
Vấn đề
ATTP rất nan giải, cần phải có cuộc cách mạng để thay đổi. Giải pháp: Chúng ta đi tìm những mặt hàng thức phẩm thiết yếu nhất, ăn nhiều nhất, vi phạm nhiều nhất (rau, gạo,
thịt…) để làm trước, làm kỹ, nhất là phải nhân rộng ra.
Chúng ta cần phải làm từ gốc và làm thường xuyên, liên tục. Không thể để tình trạng thỉnh thoảng có pate thì làm, có mắm tôm thì làm, có
bún thì làm; đến những dịp lễ, Tết, lại có đoàn kiểm tra, rồi quay phim, xong lại… “tắt”!
Chúng ta cần học hỏi cách làm bài bản như kinh nghiệm các nước. Kinh nghiệm của Hàn Quốc, gom vào để quản lý với toàn bộ hệ thống chợ đầu mối; Thái Lan, quy trình sản xuất đã quản chặt rồi, nhưng vào chợ đầu mối phải kiểm tra một lần nữa, rồi mới lưu thông bán lẻ.
Chúng ta phải làm trong sạch đội ngũ quản lý, nâng cao trách nhiệm người quản lý, mục tiêu cuối cùng là đảm bảo quyền lợi NTD. Làm sao để có tiếng nói mạnh mẽ và trên hết là sự quan tâm của Nhà nước; giấy chứng nhận VietGAP không thể cấp tràn lan, nguồn hàng
nhập khẩu cần quản lý chặt chẽ...
Chúng ta cần quản lý có địa chỉ, làm nghiêm từ biên giới đến sản xuất nội địa, chuỗi cung ứng. Tại nhiều quốc gia, uống hộp
sữa này là biết của con bò số bao nhiêu và chuỗi đều phải chịu trách nhiệm: Từ người vận chuyển, vắt sữa, nuôi con bò,
chế biến sữa, đóng gói đều có tên. Làm như vậy, để khi xảy ra vấn đề, sẽ có địa chỉ chịu trách nhiệm.
Và chúng ta cần phải đi đến tận cùng của vấn đề, ví như đất sạch, nước sạch, không khí sạch… thì mới có rau an toàn.