0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tăng cường quản lý về an toàn thực phẩm trong tình hình mới

21/12/2022    4.65/5 trong 18 lượt 
Tăng cường quản lý về an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Bộ NN-PTNT triển khai Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn; Tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.
 
Để triển khai sâu rộng Chỉ thị 17, Bộ NN-PTNT đã ban hành và tổ chức thực hiện 2 Đề án định hướng đảm bảo ATTP, nâng cáo chất lượng, giá trị nông lâm thủy sản trong trung hạn với các giải pháp toàn diện, căn cơ. Bộ cũng ban hành 6 Quyết định, Kế hoạch: Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022; và ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp.
 
Theo đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn:
 
+ Chỉ đạo tổ chức triển khai các nội dung Đề án, Chương trình về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi giá trị cung ứng nông sản thực phẩm, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu: tính đến nay, cả nước đã có 463 nghìn ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng 33 nghìn ha so với cùng kỳ năm 2021); 85.996ha diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021); 955 trang trại và 2.413 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (tăng so với cùng kỳ năm 2021, 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi). Chỉ đạo triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn” từ năm 2013.
 
Kết quả đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi; có 1.702 chuỗi giá trị cung ứng nông sản thực phẩm được thiết lập (tăng 58 chuỗi so với năm 2021 (1.644 chuỗi) với sự tham gia của một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà...).
 
+ Bộ đã chỉ đạo các địa phương xây dựng nông thôn thịnh vượng, văn minh, hỗ trợ bảo tồn và phát triển các làng nghề; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 71,3% (cùng kỳ năm 2021 là 68,2%) và đều đảm bảo tiêu chí tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ đúng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; có 8.565 sản phẩm đạt chuẩn “OCOP 3 sao” trở lên (tăng 31,7% so với năm 2021 có 6.500 sản phẩm).
 
- Tăng cường quản lý chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi.
 
Bộ tiếp tục chỉ đạo tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật cơ bản đầy đủ, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (Rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP; bổ sung, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định; ban hành 7 Thông tư liên quan ATTP; thẩm định và cấp số hiệu cho 64 tiêu chuẩn và 1 quy chuẩn về quản lý chất lượngvật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm).
 
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Bộ đã chỉ đạo tăng cường thực thi pháp luật, cụ thể: (1) Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh VTNN: việc thực hiện các quy định về sử dụng thuốc BVTV và thời gian cách ly trước khi thu hoạch rau quả, ý thức của người sản xuất ngày càng được nâng cao nên tồn dư hóa chất, thuốc BVTV trong rau, quả tươi đã có chuyển biến tích cực, nhiều sản phẩm đã được dán tem, nhãn mác, truy xuất được nguồn gốc và được chứng nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao; (2) Quản lý chặt chẽ chất lượng VTNN, đặc biệt tại khâu đăng ký vào danh mục, nhập khẩu, buôn bán, lưu thông, sử dụng sản phẩm VTNN trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đồng thời, tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học.; (3) Tăng cường đào tạo, tập huấn, về sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN đúng quy định cho từng đối tượng (người nông dân, cán bộ quản lý các cấp…); (4) Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, trong đó chuyển mạnh sang thanh tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
 
- Tăng cường quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.
 
Ở nước ta hiện nay, sản xuất, kinh doanh thực phẩm phần lớn vẫn là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, vì vậy việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) gặp nhiều khó khăn. Hiện nay cả nước có 456 cơ sở giết mổ (CSGM) động vật tập trung và gần 23.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (trong đó gần 35% số cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chỉ có hơn 15% số cơ sở đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y theo quy định). So với năm 2015, số lượng CSGM nhỏ lẻ trên cả nước đã giảm khoảng 6.300 cơ sở (năm 2015 cả nước có trên 29.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ). Hiện có 38 địa phương (chiếm 60,32%) đã ban hành Quyết định phê duyệt mạng lưới CSGM tập trung (trong đó vùng I: 8/12; vùng II: 6/13; vùng III 6/6; vùng IV 5/6; vùng V: 1/5; vùng VI: 7/11; vùng VII: 5/10 địa phương ban hành và triển khai Kế hoạch xây dựng mạng lưới CSGM động vật tập trung.
 
- Phối hợp UBND TP Hà Nội, Cần Thơ ký các Chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội/ Cần Thơ và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021- 2025; phối hợp với Sở NN- PTNT Hà Nội, Sở NN-PTNT TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, Dự án Canada ký và khởi động triển khai các Kế hoạch hỗ trợ Hà Nội / TP Hồ Chí Minh xây dựng và phát triển một số chuỗi giá trị nông lâm thủy sản bền vững; phối hợp UBND TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị ký Chương trình phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2022 - 2025...
 
- Phối hợp với Văn phòng nông thôn mới trung ương ký kết Kế hoạch Phối hợp triển khai hoạt động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
 
- Chủ động, phối hợp thực hiện rà soát, hệ thống hóa thường xuyên cũng như theo chuyên đề, lĩnh vực các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, đúng tiến độ góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
 
- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện thường xuyên, liên tục; công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn được tăng cường đã góp phần nâng cao nhận thức, hành động của các tổ chức, cá nhân đảm bảo an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nông lâm thủy sản;
 
- Các chương trình giám sát ATTP nông lâm thủy sản được duy trì, mở rộng kiểm tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất đã giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo, áp dụng các biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm túc các vi phạm ATTP.
 
- Giải quyết hiệu quả, kịp thời rào cản kỹ thuật ATTP của thị trường xuất khẩu, duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản tại các thị trường truyền thống; giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường trong nước...
Hải Nam - Nguyễn Thủy