“Trên nóng, dưới nóng, ở giữa lạnh”
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng thách thức lớn hiện nay là tương lai bất định không tiên đoán được trong cải cách môi trường kinh doanh vì đã qua bốn Nghị quyết 19 (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) năm 2014, 2015, 2016, 2017 và chuẩn bị có Nghị quyết 19 năm 2018 nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Trong khi đó, các nước lân cận cũng cải cách, họ đặt ra mục tiêu và đã đạt được trong thời hạn yêu cầu. Vì vậy, câu chuyện lúc này là làm thế nào chấm dứt Nghị quyết 19 để sang năm 2019, mọi thứ hoàn toàn mới. “Quan trọng là tổ chức đúng thời gian, đúng yêu cầu và thực thi nghiêm túc. Nếu không, đến khi chị Thảo về hưu mà vẫn thực hiện Nghị quyết 19 mà mục tiêu cải cách vẫn là bằng ASEAN - 4”, ông Hiếu nói.
Đã tròn 20 năm Việt Nam cải cách điều kiện kinh doanh nhưng đến nay vẫn đang loay hoay. Và với những gì đang diễn ra thì sợ rằng, 10 năm nữa, cải cách môi trường kinh
doanh vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu. |
“Chị Thảo” mà ông Hiếu nhắc đến là bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, CIEM, người trước đó vừa chia sẻ những tín hiệu, câu chuyện của cải cách. Theo bà Thảo, chỉ số môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện về điểm tuyệt đối và thứ hạng sau bốn năm thực hiện Nghị quyết 19 - thương hiệu của cải cách. Trong đó, năm 2017 là cao nhất khi Việt Nam xếp hạng 68, tăng 14 bậc so với năm trước.
Nhiều chỉ số như tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư và nộp thuế đã tăng mạnh. Nhưng, ngược lại, có hai chỉ số không có sự thay đổi nào là đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản và giải quyết phá sản khi Việt Nam vẫn đứng cuối bảng xếp hạng.
Nhìn sâu vào từng lĩnh vực, chỉ số thì sẽ thấy sự quyết tâm, tính quyết liệt rất không giống nhau giữa các bộ, ngành có liên quan. Bộ Tài chính thay đổi mạnh mẽ nhưng một số bộ ngành còn chưa động tay. Nhiều bộ, ngành thì thống kê bãi bỏ được hàng trăm điều kiện kinh doanh nhưng thực tế là gộp số bãi bỏ và số sửa đổi (nhiều khi chỉ là viết lại một câu trong quy định cho gọn gàng, rõ nghĩa) hoặc mang tiếng bãi bỏ nhưng thực ra là chuyển sang phương thức thực hiện khác hay một điều kiện nhưng có nhiều điều kiện nhỏ bên trong.
Các bộ ngành cũng có nhiều cách đối phó như chuyển sang quy chuẩn, tiêu chuẩn hay nói rằng sẽ quản lý mặt hàng này bằng pháp luật khác. Cán bộ thực thi ở cấp dưới vẫn tìm nhiều cách để làm khó người thực hiện thủ tục. Các địa phương thì muốn tích cực cắt giảm các bước nhưng trung ương lại chưa có những động thái. Lãnh đạo Chính phủ liên tục chỉ đạo, đi thực tế...
Ông Hiếu gọi tình cảnh này là “trên nóng, dưới nóng nhưng giữa lạnh”, không phải là “trên nóng, dưới lạnh” như nhiều người vẫn nói lâu nay. Các bộ, ngành tham mưu chính sách hiện không theo kịp với thực tế và quyết tâm của cấp trên... Lấy ví dụ như cắt bỏ điều kiện kinh doanh, rất dễ thống nhất với chuyên viên ở cấp dưới nhưng trình lên trên thì mức độ khó khăn, phức tạp càng tăng.
Những lát cắt của cải cách
Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nhận xét tại diễn đàn rằng, hiện đang có phong trào “làm một cửa” nhưng mọi thứ chỉ là hình thức. Bởi lẽ, một cửa nhưng không giảm được các công đoạn, không giảm được thời gian và cũng không giảm được chi phí không chính thức. Hiện còn rất nhiều công đoạn thừa trong bộ máy.
Ví dụ như chuyện mã hóa ngành nghề kinh doanh khi doanh nghiệp đăng ký thành lập. Việc này mất thời gian cho cả hai bên: cơ quan đăng ký kinh doanh cần có một bộ phận để thực hiện, doanh nghiệp phải chờ đợi. Vậy nhưng, việc này không phục vụ cho ai cả, chỉ nhằm mục đích thống kê. Oái ăm thay, số liệu thống kê này sau đó cũng không để làm gì. Bởi lẽ, ví dụ như TPHCM, có 350.000 doanh nghiệp được thống kê có mã ngành nhưng chỉ 200.000 công ty đang thực sự hoạt động. Vì vậy, khi làm kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thì lại phải điều tra lại.
Bên lề diễn đàn, nhiều cán bộ của ngành kiểm nghiệm, thú y chia sẻ với TBKTSG rằng, nói là cải cách thủ tục nhưng tính ra họ phải làm gấp đôi. Vì vừa phải thực hiện thủ tục điện tử vừa phải in giấy vì hàng ngàn lý do, chẳng hạn như quản lý thị trường không chấp nhận giấy tờ đi đường không có dấu mộc đỏ. Ngay như chữ ký số, hình thức tưởng đã phổ biến hàng chục năm nay mà nhiều cán bộ quản lý ở đâu đó vẫn chưa biết và chấp nhận.
Đại diện Sở Y tế TPHCM, người từng có nhiều năm làm ở Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm mô tả về máy quét (scan) ở cơ quan: khi đưa tài liệu vô, máy quay vòng vòng, chờ cả ba chục phút còn chưa xong nên cuối cùng, làm tay còn nhanh hơn trực tuyến. Đó là chưa kể không thể scan những tài liệu cỡ giấy A3 chi chít những chỉ số, số liệu như đăng ký thuốc... Sở dĩ như vậy vì luật đang quy định ngặt nghèo về giá trị, cấu hình của máy tính để bàn, máy scan, máy in... mà một cán bộ ở khâu thực hiện các thủ tục được phép sử dụng. Với giá tiền, cấu hình cho phép đó thì không đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu công việc thực tế. “Vậy thì làm sao mà đòi thủ tục trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4?”, vị này đặt câu hỏi.
Liên quan đến khâu kiểm nghiệm, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thực phẩm minh bạch, nhận xét hiện có rất nhiều cơ quan kiểm nghiệm thuộc các bộ, ngành. Các bộ vẫn ôm mảng này trong khi việc cần làm là xã hội hóa, cho phép các đơn vị độc lập bên ngoài tham gia để đảm bảo bình đẳng và thực hiện kiểm soát bằng chính sách và giám sát. Và vì cứ giữ, có các dịch vụ thu tiền, nên điều kiện kinh doanh vẫn nhiều và doanh nghiệp thì không phát triển được.
Nhìn về việc các bộ, ngành đang có 5.719 điều kiện kinh doanh cho 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (theo Luật Đầu tư sửa đổi 2016), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) lý giải, đây là bệnh nghiện quản lý của hệ thống. Nhiều lúc là thói quen, và cũng là gắn chặt với quyền lợi nhất định được hưởng. Và lý do bao giờ cũng là tăng cường quản lý nhà nước. Nhưng, đó là nhầm lẫn. Bởi lẽ, quản lý nhà nước chỉ là công cụ, không phải mục tiêu. Và có rất nhiều công cụ như đánh thuế (điều chỉnh hành vi); giám sát xã hội, thanh tra kiểm tra để thực hiện mục tiêu về môi trường trong lành, người dân được bảo vệ.
Với tình trạng cấp phép nhiều như hiện nay khiến quản lý nhà nước trở nên đắt đỏ và nhất là tạo ra nguy cơ nền kinh tế ngầm. Trong thực tế đã có một số doanh nghiệp lớn có xu hướng thay vì tập trung cải thiện chất lượng lại chuyển sang vận động chính sách để Nhà nước dựng lên những hàng rào thật cao, chặn những người mới tham gia thị trường để khỏi phải lo cạnh tranh. Không ít doanh nghiệp đang dùng tiền để tìm kiếm sự thỏa thuận từ cơ quan giám sát. Tình trạng doanh nghiệp không tuân thủ phổ biến và có thể trở thành con tin khi cơ quan nhà nước “sờ đến”. Nhưng cuối cùng thì hai bên móc ngoặc, trở thành con tin của nhau và cùng coi thường pháp luật. Lâu dài thì sẽ có tình trạng nhờn luật. “Những hiệu ứng dài như vậy thường không được tính đến. Các cơ quan quản lý ban hành thường chỉ nghĩ đến việc ra chính sách. Nhưng chính sách thì trên trời, cuộc sống ở dưới đất”, ông Tuấn nói.
10 năm sau vẫn còn nói về cải cách nếu...
Ông Hiếu cho rằng, đã tròn 20 năm Việt Nam cải cách điều kiện kinh doanh nhưng đến nay vẫn đang loay hoay. Và với những gì đang diễn ra thì sợ rằng, 10 năm nữa, cải cách môi trường kinh doanh vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu.
Vấn đề là, theo bà Thảo, nhiều nước trong khu vực đã cải cách và họ đi nhanh hơn, thực chất hơn. Indonesia là một ví dụ. Họ từng sang Việt Nam học hỏi kinh nghiệm nhưng đến nay, các chỉ số của họ về năng lực cạnh tranh quốc gia hay môi trường kinh doanh đều đã thăng hạng (tăng 19 bậc trong năm 2017, trước đó đã tăng 15 bậc trong năm 2016 về môi trường kinh doanh). Còn Việt Nam thì vẫn kém hơn rất nhiều so với các nước đứng đầu khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia... Nhưng bà Thảo khẳng định, mục tiêu Việt Nam đặt ra tuy có cao nhưng sẽ hoàn toàn khả thi nếu các bộ ngành, địa phương vào cuộc một cách thực chất.
Ông Tuấn cho rằng, cải cách về điều kiện kinh doanh còn khó khăn vì cơ quan cấp phép đồng thời là cơ quan soạn thảo và đề xuất cắt giảm quy định về giấy phép. Đó là lý do họ tìm cách hoãn binh bằng cách này hay cách khác dù lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Vì vậy, giải pháp là phải tách rời giữa cơ quan cấp phép với cơ quan thực thi. Và để có chuyển biến cải cách thì phải hành động thực chất, quyết liệt bằng việc giám sát, xử lý các bộ, ngành không bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đã yêu cầu; kỷ luật người đứng đầu, người chịu trách nhiệm chính. Đồng thời các cơ quan độc lập còn phải tăng cường rà soát, phản biện...
Chia sẻ với TBKTSG, bà Thảo cho biết, nhìn vào đâu cũng có vấn đề. Vì vậy, phải gỡ từng nút thắt, từng mảng miếng, khó lòng kỳ vọng có thể làm được tất cả cùng lúc.