0908.326.779 - 0906.362.707
 

Vệ sinh an toàn thực phẩm: Nỗi lo thường trực của mỗi gia đình

28/04/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Nỗi lo thường trực của mỗi gia đình
Lâu nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn nạn thường trực trong mỗi gia đình

Mặc dù đã có nhiều biện pháp quản lý song người tiêu dùng vẫn khó có thể nhận biết được mức độ an toàn của các loại thực phẩm được bày bán tràn lan tại nhiều chợ cóc, chợ tạm…

Lựa chọn bằng niềm tin

Khảo sát qua một số chợ tự phát, chợ cóc tại Hà Nội, hàng hóa thực phẩm tại đây khá đa dạng nhưng không có nguồn gốc rõ ràng, từ thực phẩm thịt, cá, rau quả cho đến các vật dụng sinh hoạt gia đình… Một số khu chợ các sạp hàng bày bán thịt, cá, rau quả thậm trí cả đồ ăn chín được bày bán khá nhiều nhưng không được che đậy. Rau xanh cũng được bày bán trên các tấm ni lông, tấm xốp… Hơn thế nữa, một số mặt hàng được bày bán ngay bên lề đường, nơi lượng xe cộ, người qua lại lớn gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hàng hóa, thực phẩm bày bán tràn lan ngoài chợ. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Dù tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn hàng ngày diễn ra ngay trước mắt nhưng người tiêu dùng vẫn phải lựa chọn mua thực phẩm tại các chợ này với lý do thói quen, tập quán, sự tiện lợi, giá cả phù hợp với túi tiền.

Chị Nguyễn Minh Thu (quận Long Biên, Hà Nội) cho hay, với tiêu chí thuận tiện, chị thường mua thực phẩm ăn uống hàng ngày cho gia đình tại chợ tạm Gia Lâm.

“Chợ ở gần nhà, thiếu gì có thể chạy ra mua không tốn công sức đi xa, thêm nữa giá thịt với rau ở chợ có khi còn rẻ hơn gấp 3 lần so với mua ở siêu thị, nên tôi vẫn ưu tiên mua thực phẩm ở chợ hơn”, chị Thu nói.

Thế nhưng, khi được hỏi liệu thực phẩm mua ở chợ có đảm bảo vệ sinh hay không, chị Thu cũng bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng. Tuy nhiên, vì đã mua quen các hàng rau, hàng thịt tại những chợ này nên chị cũng nhắm mắt cho qua.

Còn cô Phạm An Hòa (Kim Liên, Hà Nội) cho hay với kinh nghiệm đi chợ của mình, cô có thể lựa mua được thực phẩm tươi ngon, thường cô hay mua ở những hàng quen vì tin tưởng, còn nếu mua phải thực phẩm không tốt thì từ sau cô sẽ không mua ở hàng đó nữa.

Trong khi đó, đối với những người bán hàng trong các khu chợ này, họ cho rằng rau, thịt, cá nhập từ các chợ đầu mối là sạch, thế nhưng họ cũng không có giấy tờ chứng minh cũng như việc các mặt hàng này có chắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không.

Chị Nguyễn Thị Bích, một tiểu thương tại chợ tạm Gia Lâm cho biết, chị thường nhập hàng từ đầu mối quen rồi bán lại cho người dân. Về chất lượng, chị Bích cho rằng người tiêu dùng tin mua thực phẩm của chị nhờ đánh giá bằng cảm quan. Còn về giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì cả người bán và người mua đều không mấy quan tâm vì cũng chưa có xảy ra vụ ngộ độc nào cả.

Nhìn chung, người tiêu dùng trong nước từ lâu đã quen với việc đi mua sắm thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ tạm, chợ cóc… nhưng vấn đề chất lượng thực phẩm tại các nơi này lại một dấu hỏi lớn.

Thực phẩm “sạch” hút khách

Khi tình trạng thực phẩm bẩn, mất an toàn đang là nỗi lo của các bà nội trợ, nhiều người có kinh tế đã lựa chọn một cách an toàn hơn cho mâm cơm gia đình là vào mua thực phẩm trong hệ thống các siêu thị, các cửa hàng rau sạch để mong muốn sẽ có nguồn thực phẩm chất lượng tốt hơn ở các chợ cóc, chợ tạm.

Các cửa hàng, siêu thị bán rau an toàn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Tại Hà Nội, không chỉ có các siêu thị lớn như, giờ đây, không khó để tìm một cửa hàng rau sạch ở trên nhiều đường phố trong khu vực các quận nội thành. Ngoài những cửa hàng đã có thương hiệu như Bác Tôm, Sói Biển, CleverFood…, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch nhỏ lẻ cũng xuất hiện nhiều. Không những vậy, trên các trang mạng, địa chỉ cung cấp rau và thực phẩm sạch cũng được mở ra không thiếu, chỉ cần một cú nhấp chuột hay điện thoại, hoa quả rau, thịt sẽ được giao tận tay người tiêu dùng.

Chị Phạm Hồng Oanh (Kim Liên, Hà Nội) cho biết, thị trường thực phẩm ngày nay không thể phân biệt loại tốt hay không, nên chị lựa chọn mua thực phẩm tại các cửa hàng có thương hiệu như Sói Biển, CleverFood bởi sự uy tín, lâu năm của thương hiệu cũng như những giấy chứng nhận, tem mác đảm bảo an toàn trên thực phẩm. Hơn nữa, chị đã được tư vấn và tích lũy thêm một số kinh nghiệm nhận diện thực phẩm sạch.

“Nhận biết thực phẩm an toàn hay không có thể nhận biết phần nào từ cảm quan. Nếu mua thịt, người tiêu dùng nên cảm nhận miếng thịt bằng mắt, nếu thịt màu đỏ tươi, quá nạc, thiếu tính đàn hồi thì có sử dụng thuốc tăng trọng, chất phụ gia… Hay khi chế biến, thịt ra nhiều nước, nổi bọt hoặc đậm mùi kháng sinh thì đây đều là các loại thịt không an toàn”, anh Nguyễn Hữu Trung, chủ một cửa hàng thực phẩm sạch trên phố Ngô Gia Tự, cho hay.

Các loại rau được dán nhãn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng tốt hơn, tạo cho tâm lý người tiêu dùng yên tâm hơn. Cô Lê Hồng Liễu (Long Biên, Hà Nội) nói: “ Mỗi ngày, gia đình chị tiêu hết 30-50 nghìn đồng tiền rau, củ. So với rau bán ngoài, mua rau tại các cửa hàng thực phẩm sạch có cảm giác an toàn hơn nên vẫn chọn mua cho gia đình mặc dù giá cả đắt hơn gấp 3-4 lần”.

“Giá thực phẩm trong cửa hàng có đắt hơn so với chợ truyền thống bởi nhiều yếu tố như năng suất thấp, thời gian từ khi gieo trồng đến thu hoạch kéo dài hơn nhiều so với rau sử dụng phân bón hóa học.... Nhìn chung, người tiêu dùng có thể nhận thấy rằng mua rau của quả hay thực phẩm tươi sống của cửa hàng đều được in nhãn mác đầy đủ bên ngoài”, đại diện Cửa hàng thực phẩm sạch RDS trên phố Nguyễn Văn Cừ nhận định.

Trước thực trạng thực phẩm như hiện nay, khó có thể phân biệt được thực phẩm nào sạch thực phẩm nào kém chất lượng. Người tiêu dùng cần trang bị cho mình kỹ năng nhận biết thực phẩm sạch. Khi lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn, cho dù là thực phẩm tươi sống hay thực phẩm đóng gói, ăn liền, việc đầu tiên người tiêu dùng cần quan tâm là rõ nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu phải uy tín và chất lượng, phải có chứng nhận và các nhãn mác, logo của các đơn vị chứng nhận nếu có