Vụ một cơ sở chế biến, kinh doanh nông sản ở tỉnh Đắk Nông sử dụng pin Con Ó đập vụn hòa với nước để nhuộm đen hàng tấn cà phê thải loại, phế phẩm vừa bị phát hiện đã khiến cho người dân cả nước không khỏi phẫn nộ và bức xúc
Người dân càng lo lắng hơn khi hình dung ra hàng trăm, hàng ngàn cơ sở kinh doanh khác, vì lợi nhuận, vẫn đang đầu độc người tiêu dùng bằng những sản phẩm giả, kém chất lượng còn ẩn nấp đâu đó chưa bị phanh phui.
Nhìn đâu cũng thấy bẩn
Cả nước đang bước vào “Tháng hành động vì
an toàn thực phẩm” (từ ngày 15-4 đến 15-5-2018) nhưng thực tế tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn nhức nhối và phức tạp. Liên tiếp nhiều cơ sở sản xuất,
chế biến thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại bị phát hiện gây hoang mang và lo lắng về nguy cơ ngộ độc, dịch bệnh lây truyền qua mỗi bữa ăn. Chưa bao giờ việc đi chợ lại trở nên khó khăn với người nội trợ như hiện nay, khi mà người tiêu dùng nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn:
thịt có chất tạo nạc,
thủy sản có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ủ ướp phân urê, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, trái cây ngâm trong hóa chất độc hại,… còn mới đây là thực phẩm chức năng độn than tre.
Ghi nhận tại các chợ tạm, chợ cóc trên địa bàn TPHCM - nơi cung cấp lượng thực phẩm không nhỏ cho người dân - cho thấy việc xác định nguồn gốc và độ an toàn thực phẩm vẫn là một bài toán khó. Chợ Hòa Hưng (nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10) bày bán nhiều mặt hàng, nhưng ở phía đối diện, chợ tự phát trong hẻm 430 Cách Mạng Tháng Tám (thuộc phường 11, quận 3) mới là điểm đến của đông đảo người lao động. Nói là chợ nhưng thực chất chỉ là những gánh hàng hoặc tấm bạt nhỏ bày bán các loại thực phẩm từ rau củ quả xen lẫn là các hàng cá, tôm. Hỏi thêm người bán thì cũng chỉ là những gánh hàng trung gian, không rõ nuôi trồng ở đâu, chất lượng thế nào. Tương tự, chợ Căn Cứ 26 (quận Gò Vấp) cũng có 3 điểm bán gà, vịt sống kèm dịch vụ giết mổ tại chỗ. Chủ hàng không rõ gia cầm đã qua kiểm dịch hay chưa, nhưng cho biết hàng ngày vẫn nhận giết mổ hàng trăm con gà ác, gà tre cung cấp cho các quán gà tiềm thuốc bắc trên địa bàn.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, trên toàn quốc đã xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 216 người phải nhập viện và 3 người tử vong. Phần lớn các vụ ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật gây ra, chiếm tới hơn 40%; tiếp đó là các độc tố sinh học, hóa học và không xác định được nguyên nhân. Tại TPHCM, thông tin từ Ban Quản lý
ATTP, trong tháng 3-2018 đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật ATTP đối với các cơ sở chế biến thực phẩm. Kết quả kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đều có vi phạm, công tác vệ sinh ATTP chưa thực sự được coi trọng. Ban đã tiến hành xử lý 3 trường hợp vi phạm ATTP đặc biệt nghiêm trọng với mức phạt cao nhất gần 300 triệu đồng.
Cần quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm
Ban Quản lý ATTP TPHCM cho biết, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018, đơn vị này đã ban hành kế hoạch giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Theo đó, kế hoạch sẽ thực hiện giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trên toàn TP đối với các nhóm sản phẩm thực phẩm có các chỉ tiêu có nguy cơ cao. Trong đợt giám sát này, các cơ quan chức năng sẽ lấy (mua) 432 mẫu thuộc 8 nhóm thực phẩm và kiểm nghiệm đánh giá chất lượng 1.272 chỉ tiêu. Công việc này vẫn đang trong quá trình triển khai. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP, với số lượng cơ sở sản xuất, chế biến,
kinh doanh thực phẩm rất lớn, TPHCM sẽ vẫn là địa bàn “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP.
Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục ATTP, cho biết chủ đề “Tháng hành động vì ATTP” năm 2018 là “tăng cường trách nhiệm người sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn” cho thấy vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đối với vấn đề ATTP. Để bảo đảm ATTP, ngăn chặn được tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn, đòi hỏi cần sự phối hợp đồng bộ để kiểm tra, kiểm soát ATTP từ khâu nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm. Hoàn thiện cơ chế, chính
sách pháp luật về ATTP, trong đó cần phải tăng nặng mức xử phạt, truy cứu, xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, chế biến thực phẩm độc hại gây nguy hiểm tới sức khỏe người dân. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục nhằm chuyển đổi hành vi ATTP trong sản xuất kinh doanh thực phẩm bền vững; nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Thủy hải sản chế biến nhiễm hóa chất độc hại vượt mức cho phép
Cuối năm 2017, lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện một số mẫu hải sản khô tại thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) bị nhiễm trichlorfon (hóa chất dùng sản xuất thuốc trừ sâu và diệt côn trùng ruồi, kiến) gấp 588 lần cho phép, khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng. Điều đáng nói là trong số 56 hộ chế biến cá khô trong thị trấn, chỉ có 9 hộ có
giấy phép kinh doanh, còn lại đa số hộ sản xuất, chế biến nhỏ lẻ, làm theo tập quán làng nghề, chưa áp dụng kỹ thuật bảo đảm an toàn thực phẩm vào sản xuất, chế biến.
Còn tại TP Vũng Tàu, từ đầu tháng 4-2018 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành về
an toàn vệ sinh thực phẩm đã kiểm tra đối với các mặt hàng hải sản tươi sống và nhiều điểm bán thịt gia súc, gia cầm tại các chợ trên địa bàn. Kết quả ban đầu cho thấy, hầu hết các cơ sở bảo quản thực phẩm chưa đúng quy định, khu vực chế biến, bày bán hải sản tươi sống còn tù đọng nước. Với các cơ sở bán thịt gia súc, gia cầm, đa số đều kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có chứng nhận an toàn thực phẩm, điều kiện buôn bán hết sức sơ sài. Đặc biệt các quầy thịt đều chưa xuất trình được giấy tờ kiểm dịch thú y.
Đưa tạp chất vào tôm ngày càng tinh vi
Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm và giá trị xuất khẩu đứng đầu cả nước. Ngoài ra, tỉnh cũng là địa bàn “nóng” về nạn đưa tạp chất vào tôm.
Sau hai năm (2017 và 2018) thực hiện đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất,
kinh doanh sản phẩm tôm trên địa bàn Cà Mau, bước đầu đã có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, vẫn chưa trị dứt điểm, tận gốc tình trạng này. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, qua thanh tra, kiểm tra thường xuyên chỉ phát hiện 2 vụ vi phạm với số lượng hơn 1.150kg, xử phạt hành chính với số tiền là 25 triệu đồng. Còn qua thanh kiểm tra đột xuất, liên ngành thì phát hiện và xử lý 35 vụ vi phạm, xử phạt với số tiền trên 1 tỷ đồng, tang vật vi phạm trên 6.450kg tôm có chứa tạp chất.
Việc bơm chích tạp chất vào tôm diễn ra chủ yếu tập trung ở những vùng sâu, hẻo lánh với phương thức hoạt động ngày càng tinh vi; các điểm bơm chích tạp chất vào tôm có người chốt chặn, canh giữ nhiều tầng nấc.