Theo tính toán của Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương, có khoảng hơn 95% sản phẩm thực phẩm không cần phải tiến hành các thủ tục về mặt hành chính
Ngày 2/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn thực phẩm (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP), quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Nghị định số 15 đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, sản xuất nhưng không buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, các đơn vị vẫn gặp một số vướng mắc, phát sinh sau một thời gian thực hiện. Trước thực tế này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã trao đổi với Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong về vấn đề này.
* Phóng viên: Sau hơn một tháng 1 tháng thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn thực phẩm, đến nay chúng đã đạt được những kết quả nào?
* Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong: Sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị định 15, nhiều doanh nghiệp ghi nhận những điểm mới trong Nghị định đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp.
Cụ thể doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm, thay vì gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận như trước đây. Riêng một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế như: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới sẽ đăng ký bản công bố tại Cục An toàn thực phẩm; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi phải đăng ký bản công bố tại sở y tế địa phương; các sản phẩm còn lại doanh nghiệp tự công bố theo hướng dẫn.
Sau đó, căn cứ công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm; trong đó sẽ mở rộng phạm vi, nâng cao mức xử phạt theo quy định pháp luật; đặc biệt, có một số mặt hàng sẽ được miễn công bố.
Điểm thuận lợi mà doanh nghiệp được hưởng khi thực hiện Nghị định 15 là việc mở rộng diện các doanh nghiệp không cần phải có giấy xác nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cũng như mở rộng đối tượng, các cơ sở được miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Khi thực hiện Nghị định 15, các cơ sở được miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo đó, các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, các cơ sở sơ chế sản phẩm ban đầu, các nhà hàng, cửa hàng ăn uống… sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà được quyền tự công bố và chịu trách nhiệm.
Với quy định trên, theo tính toán của Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương, có khoảng hơn 95% sản phẩm thực phẩm không cần phải tiến hành các thủ tục về mặt hành chính. Nếu làm được theo đúng tinh thần này thì có thể tiết kiệm được 1,8 triệu ngày công và hơn 600 tỷ đồng.
* Phóng viên: Ngoài những thuận lợi trên, các doanh nghiệp có gặp phải những vướng mắc gì không, thưa ông?
* Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong: Bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp và các đơn vị còn gặp một số vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai Nghị định 15. Đó là hiện nay, một số địa phương UBND tỉnh, thành phố chưa có văn bản yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp nhận hồ sơ tự công bố của doanh nghiệp.
Ví dụ như: Một số địa phương việc tiếp nhận hồ sơ tự công bố của doanh nhiệp vẫn do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành, song nhiệm vụ này vẫn chưa chính thức, sau này nếu UBND tỉnh lại giao cho cơ quan khác tiếp nhận sẽ gây khó cho doanh nghiệp.
Đồng thời, qua thời gian triển khai, nhiều doanh nghiệp thắc mắc khi nộp hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan quản lý Nhà nước có cần phải có xác nhận đã tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp hay không?
Về vấn đề này, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý được phân công và ngay sau đó có thể tự tiến hành sản xuất kinh doanh. Việc tiếp nhận hồ sơ là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Doanh nghiệp chỉ cần giữ lại hồ sơ và có thông tin ngày, giờ chuyển hồ sơ để làm căn cứ cho công tác hậu kiểm sau này.
Tuy nhiên, việc công bố các chỉ tiêu, hàm lượng dinh dưỡng phải căn cứ vào các quy chuẩn mà Bộ Y tế đã công bố trước đó. Nếu vi phạm, công bố quá thấp hoặc quá cao, doanh nghiệp sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, bị xử lý theo quy định, bị thu hồi sản phẩm, ngừng sản xuất, bồi thường thiệt hại nếu có...
* Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, việc chuyển phương thức từ tiền kiểm cùng với hậu kiểm như trước sang chỉ tập trung vào hậu kiểm sẽ tạo kẽ hở trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm. Vậy Bộ Y tế có giải pháp gì để ngăn chặn, không để phát sinh những kẽ hở này, thưa ông?
* Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong: Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch kiểm tra sản phẩm nhập khẩu được bán ra thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Y tế kiến nghị việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm để tạo tính răn đe, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật.
Ngoài ra, Bộ kiến nghị các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm Điều 317 của Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có mức xử phạt cao nhất lên đến 20 năm tù để tránh tối đa việc kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Đặc biệt, điều 13 của Nghị định 15 đã mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, chỉ trừ các trường hợp có cảnh báo về an toàn thực phẩm. Hiện sản phẩm được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (trước đây là Giấy Chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và có thời hạn) không có thời hạn, lưu hành trong suốt vòng đời của sản phẩm.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định miễn kiểm tra đối với sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp không được quyền bán nguyên liệu ra thị trường.
Như vậy, hiện nay để kiểm tra an toàn thực phẩm, cơ quan hải quan có thể lấy ngẫu nhiên bất kỳ hồ sơ nào của doanh nghiệp nhưng tỷ lệ không vượt quá 5% (có thể 1%) tùy theo điều kiện. Việc chỉ kiểm tra không quá 5% hồ sơ của doanh nghiệp là tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; điều đó cũng đồng nghĩa là cơ quan quản lý Nhà nước vẫn phải chấp nhận một tỷ lệ rủi ro nhất định.
Trước đây, việc lấy mẫu kiểm tra mất khá nhiều thời gian thì nay việc lấy mẫu và công bố kết quả được thực hiện nhanh chóng, giảm tối đa chi phí. Vì vậy, vấn đề mấu chốt là tăng cường công tác hậu kiểm để xử lý vi phạm nếu có…
* Phóng viên: Trân trọng cám ơn Cục trưởng!