Bộ Nông nghiệp- PTNT vừa ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018.
Kế hoạch nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả việc quản lý ATTP; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
|
Sơ chế rau an toàn bằng máy sục khí Ozone khử độc cho rau. |
Lương thực, thực phẩm là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Vì vậy, chất lượng thực phẩm nói chung và chất lượng vệ sinh ATTP nói riêng không những có ảnh hưởng trực tiếp đối với sức khỏe của con người, nguồn động lực quyết định sự phát triển của toàn nhân loại mà còn có liên quan mật thiết đối với sự phồn vinh của nền kinh tế và sự hưng thịnh của các hoạt động thương mại, văn hóa, đối với nền an ninh chính trị xã hội và đối với sự trường tồn của giống nòi, của một dân tộc, của một quốc gia.
Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm còn gặp rất nhiều khó khăn và chỉ mới dừng lại ở “phần ngọn”.
Thông thường, các cơ quan chức năng chỉ phát hiện và xử lý vi phạm khi đã xảy ra ngộ độc thực phẩm mà chưa thể ngăn chặn hoặc xử lý hết được các trường hợp có nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm từ các giai đoạn sản xuất hoặc chế biến các dạng nông sản thực phẩm.
Nguyên nhân là do hiện nay sản xuất nông nghiệp của ta còn nhỏ lẻ, nông dân chạy theo lợi nhuận trước mắt và cũng chưa có những quy định ràng buộc về tiêu chuẩn hệ thống mã vạch để truy nguyên nguồn gốc và xử lý trách nhiệm khi đưa những nông sản thực phẩm chưa an toàn vào thị trường tiêu thụ.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát thực phẩm nguy hại cho là còn thiếu cơ chế, thiếu nhân sự và phương tiện. Đặc biệt hiện nay công tác xác định mối nguy và cảnh báo còn rất yếu, trong khi vai trò của chính quyền địa phương chưa được đề cao và xử lý chưa cương quyết, còn người tiêu dùng thì vẫn còn thói quen sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, ưa dùng thực phẩm giá rẻ... đã vô tình tạo ra cơ chế thông thoáng cho nhiều hàng hóa sản xuất và chế biến từ nông sản chưa đảm bảo chất lượng đưa vào thị trường tiêu thụ.
Chỉ tính riêng trong đợt ra quân kiểm tra vấn đề ATTP trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các đoàn kiểm tra liên ngành nông nghiệp, công thương, y tế và Phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an tỉnh cùng với đoàn thanh tra chuyên ngành của Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành kiểm tra 34 cơ sở chế biến hàng nông sản, 50 lượt cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật, các bãi thu mua, trung chuyển động vật, sản phẩm động vật và một số cơ sở kinh doanh rau, củ, quả, sản phẩm muối chua, sản phẩm thủy sản, sản phẩm động vật trên địa bàn của tỉnh.
Qua đó, đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP bị hết hạn; điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa đảm bảo; giết mổ tại địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y;
kinh doanh sản phẩm động vật nhập tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật xuất tỉnh; và 8/36 mẫu chế biến sản phẩm nông nghiệp không đạt chất lượng bao gồm: 2 mẫu cá xay, 1 mẫu chả quế có dư lượng hàn the; 1 mẫu cải bẹ xanh, 2 mẫu hành lá, 1 mẫu củ cải trắng và 1 mẫu khổ qua có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng ATTP trên lĩnh vực chế biến các mặt hàng nông sản thì giải pháp chung vẫn là phải không ngừng nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa của ATTP đối với sức khỏe con người.
Các cấp có thẩm quyền cũng cần ban hành các chế tài pháp lý để xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp sản xuất, vận chuyển, buôn bán, chế biến các mặt hàng nông sản thực phẩm vi phạm các quy định về ATTP tùy theo mức độ cụ thể nhằm bảo vệ được sức khỏe con người.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng như y tế, quản lý thị trường, cảnh sát môi trường và của ngành nông nghiệp như thú y, bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng nông- lâm sản và thủy sản cần tăng cường kiểm tra và xử lý triệt để hơn những trường hợp vi phạm.
Nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như sản xuất theo hướng GAP, HACCP, ISO 22000... nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, trong công tác quản lý nhà nước, ngành nông nghiệp phải đảm bảo công tác quản lý các mặt hàng nông sản trong suốt quá trình sản xuất gieo trồng các loại rau- củ- quả, chăn muôi gia súc- gia cầm và chăn nuôi thủy sản; thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh mua bán các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, sữa,...
Yêu cầu người sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản thực phẩm phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm về ATTP do mình sản xuất, kinh doanh.
Do đó, ngoài việc kiểm tra, giám sát việc quản lý sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản thực phẩm thì cần kết hợp với UBND các cấp để tuyên truyền quản lý an toàn nông sản thực phẩm trên địa bàn; quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, ATTP tại các chợ trên địa bàn của tỉnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng rà soát, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn khỏi danh mục thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón được phép sản xuất, kinh doanh.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông- lâm- thủy sản theo hướng xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho từng nhóm sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, phân loại, xử lý cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông- lâm- thủy sản theo quy định; tăng cường kiểm soát ATTP tại các chợ đầu mối, các cơ sở chuyên kinh doanh nông- lâm- thủy sản.
Tổ chức giám sát ATTP, tập trung vào thực phẩm rủi ro cao, tiêu thụ nhiều (rau, củ, quả, thịt, thủy sản...) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp nông sản thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Như vậy, để đảm bảo chất lượng, ATTP trong sản xuất, chế biến và kinh doanh các mặt hàng nông sản thì ngoài những giải pháp về mặt quản lý, cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý còn rất cần đến sự tuân thủ pháp luật, trung thực, hợp tác chặt chẽ của các cơ sở sản xuất và sự ủng hộ của người tiêu dùng nhằm khắc phục phần nào vấn đề mất vệ sinh ATTP trong sản xuất và chế biến hàng nông sản và phải đẩy mạnh quản lý đồng bộ trên tất cả các khâu sản xuất về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi thú y và chăn nuôi thủy sản.