0908.326.779 - 0906.362.707
 

An toàn vệ sinh thực phẩm: Nỗi lo không của riêng ai

24/04/2018    4.08/5 trong 6 lượt 
An toàn vệ sinh thực phẩm: Nỗi lo không của riêng ai
Gần đây, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Các sở, ngành chức năng đã rất nỗ lực kiểm tra kiểm soát, ngăn ngừa các khả năng gây mất ATTP. Tuy nhiên, ý thức của người sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều nỗi lo về chất lượng thực phẩm, về việc sử dụng các chất độc hại, chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm vẫn khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng…

Nỗ lực kiểm soát ATTP

Theo Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, thời gian qua, các đơn vị thành viên ban chỉ đạo, đặc biệt là ngành Y tế, Nông nghiệp, Công thương đã tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát những sản phẩm có nguy cơ cao về ATTP.

Các đơn vị cũng tăng cường nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo quản, chế biến thực phẩm. Tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến như đường hóa học, hàn the, phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế trong sản xuất, chế biến thực phẩm cũng được kiểm soát và hạn chế.

Cụ thể, trong năm 2017, ngành Y tế tổ chức 168 đoàn, kiểm tra 13.786 cơ sở, phát hiện 1.343 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 214,8 triệu đồng. Lực lượng chức năng cũng nhắc nhở 1.268 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo các điều kiện về ATTP. Ngành Nông nghiệp kiểm tra 395 cơ sở, phát hiện 30 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 350 triệu đồng. Ngành Công thương kiểm tra 604 cơ sở, xử phạt 447 cơ sở vi phạm với số tiền 385,7 triệu đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường xử lý 11 vụ, xử phạt hành chính 121,7 triệu đồng.

Riêng trong quý I/2018, toàn tỉnh kiểm tra 1.538 cơ sở, phát hiện 288 cơ sở vi phạm ATTP, xử phạt hành chính 130 cơ sở và tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc trị giá 56,4 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, thời gian qua, các ngành, các cấp luôn nỗ lực kiểm soát về ATTP trên địa bàn. Nhiều vụ việc vi phạm về ATTP đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATTP được triển khai mạnh mẽ, nhận thức của cán bộ, nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được nâng lên đáng kể, góp phần tích cực đảm bảo chất lượng ATTP trên địa bàn tỉnh. Ngộ độc thực phẩm được kiểm soát, không có vụ ngộ độc tập thể trên 30 người mắc. Số ca ngộ độc thực phẩm được ghi nhận 1,3 ca/100.000 dân, giảm 4,7 ca/100.000 dân so với năm 2016.

Còn nhiều mối lo

Theo Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, mặc dù các ngành, các cấp đã có nhiều nỗ lực, nhưng công tác này vẫn còn nhiều mối lo. Toàn tỉnh vẫn chưa có nhiều nguồn nguyên liệu rau quả an toàn. Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn tồn tại. Phần nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô hộ gia đình, tự phát theo phương thức truyền thống, thời vụ, không ổn định.

Nhiều cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận ATTP nhưng vẫn hoạt động. Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền, nhưng việc thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm chưa được cải thiện, nhất là trong chế biến nông, lâm, thủy sản.

Vì lợi nhuận, một số cơ sở sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh vẫn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy hải sản và các chất độc hại vào thực phẩm... bất chấp khả năng gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng.

Thêm vào đó, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu vực có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn còn nhiều lo ngại. Hiện vẫn tồn tại một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hoạt động mặc dù tỉnh đã có quy hoạch khu giết mổ tập trung.

Những cơ sở này nằm trong khu dân cư, hệ thống thu gom chất thải không đảm bảo, người tham gia giết mổ không khám sức khỏe định kỳ, không mang bảo hộ lao động nên việc đảm bảo các điều kiện ATTP rất hạn chế. Bên cạnh đó, gần đây dịch vụ thuê nấu ăn cho lễ cưới hỏi, lễ cúng... khá phổ biến. Những người đứng ra tổ chức dịch vụ này không đăng ký với chính quyền địa phương nên rất khó giám sát về ATTP; nguy cơ gây ngộ độc tập thể rất cao.

Trong khi đó, một số địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ để ngăn chặn và xử lý các cơ sở vi phạm. Ông Nguyễn Văn Tâm cho biết thêm: Mặc dù thời gian qua, tình trạng ngộ độc thực phẩm giảm nhưng vẫn còn xảy ra, tập trung ở các hộ gia đình. Mới đây, tại huyện Tuy An đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm, do người dân tự đào củ lạ về ngâm rượu uống khiến 4 người nhập viện. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng kiểm tra thì gia đình này đã đổ hết số rượu trên nên không thể xác định nguyên nhân đối tượng gây ngộ độc.

Đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá: Việc đảm bảo chất lượng ATTP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nơi vẫn tồn tại tình trạng “trồng rau 2 luống, nuôi lợn 2 chuồng”. Nhiều người không dám sử dụng thực phẩm do mình trực tiếp làm ra vì lạm dụng quá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và chất bảo quản trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Do vậy, tôi đề nghị các đơn vị thành viên của ban chỉ đạo cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm các quy định về ATTP, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần nhân rộng các mô hình trồng rau an toàn, chăn nuôi sạch; truyền thông thay đổi phong tục tập quán trong ăn uống của người dân; tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

NGÔ XUÂN