Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho biết, thông tin Bộ Y tế đề xuất “siết chặt” hay đưa ra những quy định ngặt nghèo hơn về điều kiện kinh doanh ăn uống đường phố trong một dự thảo Nghị định mới đang xây dựng là không hoàn toàn chính xác
Mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ này. Dự thảo có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đối với cơ sở kinh doanh
dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Cụ thể, tại chương V quy định về lĩnh vực
ATTP trong dự thảo Nghị định, Bộ Y tế đề xuất quy định 10 điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 5 điều kiện đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải đảm bảo đầy đủ 5 điều kiện sau: Dụng cụ
chế biến, ăn uống, chứa đựng, bao gói thức ăn không được thôi nhiễm vào thực phẩm; Thức ăn phải được bày bán trên giá kệ cao cách mặt đất ít nhất 60 cm và được che đậy để ngăn chặn bụi bẩn, côn trùng xâm nhập; Nước phục vụ kinh doanh thức ăn đường phố phải đáp ứng quy định về chất lượng nước ăn uống;
Cùng đó, người kinh doanh phải sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực kinh doanh; Người đang mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phối, tiêu chảy cấp không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.
Trước một số thông tin cho rằng, việc bổ sung các điều kiện kinh doanh trên đối với cơ sở thức ăn đường phố là khá ngặt nghèo, là siết chặt quản lý kinh doanh loại hình này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP nêu rõ, đây là thông tin không hoàn toàn chính xác.
Theo ông Phong, việc điều chỉnh quy định về điều kiện đảm bảo ATTP đối với các cơ sở thức ăn đường phố là nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đây là yêu cầu cần thiết đặt ra bởi trên thực tế, tình trạng vi phạm quy định về ATTP tại các cơ sở thức ăn đường phố vẫn khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, quy định về kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố tại dự thảo Nghị định nói trên của Bộ Y tế không hề đưa ra các điều kiện ngặt nghèo hơn, “làm khó” hơn cho các cơ sở kinh doanh. Ngược lại, trong dự thảo nghị định mới này là đã cắt giảm nhiều điều kiện, thủ tục hành chính bắt buộc đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, tạo thuận lợi hơn cho người kinh doanh nhưng trên cơ sở không buông lỏng quản lý và phải đảm bảo ATTP.
Ông Phong nhấn mạnh, việc quy định chi tiết các tiêu chí bảo đảm an toàn trong kinh doanh thức ăn đường phố chỉ đưa ra những yêu cầu tối thiểu, cơ bản nhằm giúp người kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện trách nhiệm công khai - minh bạch trong hoạt động kinh doanh của mình.
Hiện tại, điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được quy định tại Thông tư 30/2012/TT-BYT năm 2012 của Bộ Y tế, trong đó quy định rõ các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải đảm bảo đầy đủ 11 điều kiện. Như vậy, so với quy định hiện nay, tại dự thảo Nghị định mới mà Bộ Y tế đang xây dựng, quy định về đảm bảo ATTP với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đã cắt giảm, bỏ bớt đến 6 điều kiện.
Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức
an toàn thực phẩm theo quy định; phải được khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định… nhưng tại dự thảo Thông tư mới nói trên, các điều kiện này đã không còn.
Cũng theo Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong, với
Nghị định 15/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 2-2018 vừa qua, công tác quản lý nhà nước về ATTP đã có sự thay đổi đột phá theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, song không có nghĩa là buông lỏng quản lý. Trong đó, hàng loạt thủ tục, điều kiện cấp phép, kinh doanh về ATTP được cắt bỏ, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và xử phạt nặng các vi phạm