Trong năm học qua, tại các nhà trường không để xảy ra sự cố nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Nói "không" với thực phẩm bẩn trong trường học là quyết tâm của ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện.
Tăng cường giám sát
Theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), năm học 2017-2018, Hà Nội có 1.685 trường có tổ chức cho học sinh ăn bán trú, chiếm 64% tổng số trường của toàn thành phố. Trong số này, số trường mầm non và tiểu học chiếm tỷ lệ lớn, với 1.530 trường, chiếm 91%. Điều này cho thấy những thách thức không nhỏ trong công tác giữ gìn vệ sinh,
an toàn thực phẩm, bảo đảm chất lượng dinh dưỡng tại trường học, bởi phần lớn học sinh ăn bán trú đều ở lứa tuổi rất nhỏ, sức đề kháng còn yếu.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT) cho biết: Hằng ngày các nhà trường phục vụ trung bình cho gần 800.000 học sinh ăn bán trú với số lượng từ 1 đến 4 bữa/ngày, tùy theo đặc thù từng trường. Các nhà trường đã tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng học sinh, không để xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Để có được kết quả này, các cơ quan quản lý đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Năm học 2017-2018, hơn 600 đoàn kiểm tra liên ngành các cấp đã được thành lập và trực tiếp đi kiểm tra công tác quản lý an toàn thực phẩm và tổ chức
bếp ăn bán trú tại các trường học. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 97% số bếp ăn đã ký cam kết an toàn thực phẩm và cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm; 99% số người trực tiếp tham gia đến thực phẩm được khám sức khỏe theo quy định; 100% số thiết bị,
dụng cụ chế biến bảo đảm hợp vệ sinh. Các nhà trường đã có ý thức hơn trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, 93% số trường đã thực hiện kiểm thực 3 bước hằng ngày và lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Kết quả kiểm tra trực tiếp tại 19 trường học của Đoàn kiểm tra liên ngành cấp thành phố cho thấy, còn 1 đơn vị chưa bố trí riêng khu vực chế biến thực phẩm sống và chín; 1 đơn vị chưa có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh... Đáng chú ý, còn một số trường không có cơ sở vật chất, nấu ở nơi khác rồi vận chuyển suất ăn đến trường nên khó kiểm soát quá trình vận chuyển; một số nhân viên tham gia chế biến thực phẩm chưa tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm.
Thi đua giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm
Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các thành viên trong nhà trường đối với việc giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm khi tổ chức bếp ăn bán trú, năm học 2017-2018, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phát động phong trào thi đua an toàn thực phẩm trong toàn ngành. Ngoài các nội dung về tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh và phụ huynh trong việc phối hợp, thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường tuân thủ đúng các nguyên tắc quản lý nuôi dưỡng: Bảo đảm chất lượng, khẩu phần ăn của học sinh, công khai thực đơn, đơn giá hằng ngày, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho biết: Thực hiện phong trào này, Phòng GD-ĐT quận đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc việc ký hợp đồng, có thỏa thuận chặt chẽ về việc mua thực phẩm, suất ăn bán trú cho học sinh ở những cơ sở được phép sản xuất,
kinh doanh thực phẩm có Giấy chứng nhận "Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm" và cơ sở này phải có địa điểm không quá xa với trường học. "Chúng tôi đặc biệt lưu ý các nhà trường duy trì thường xuyên việc kiểm tra chất lượng, nguồn gốc thực phẩm của cơ sở cung ứng thực phẩm, suất ăn; kiên quyết không để các đơn vị cung cấp thực phẩm, chế biến suất ăn không bảo đảm các quy định an toàn thực phẩm cung cấp
dịch vụ ăn uống cho nhà trường" - ông Nguyễn Đắc Hùng nhấn mạnh.
Còn tại quận Tây Hồ, sau sự cố rau bẩn vào trường học cách đây 2 năm, đơn vị này đã có nhiều giải pháp quản lý chặt chẽ việc cung ứng thực phẩm tại trường học. Theo ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận, Tây Hồ đặc biệt chú trọng việc kiểm soát đầu mối đưa thực phẩm vào các trường học. UBND quận đã thành lập Ban Chỉ đạo về An toàn thực phẩm, trực tiếp duyệt danh
sách từng đơn vị cung ứng thực phẩm về hồ sơ, năng lực và trực tiếp khảo sát chất lượng thực phẩm tại cơ sở. Việc này được thực hiện thường xuyên để chính các đơn vị phải cạnh tranh lẫn nhau, những đơn vị không đáp ứng đủ tiêu chuẩn hoặc kinh doanh nhỏ lẻ sẽ bị loại. Đây là khâu vô cùng quan trọng để "lọc" những đơn vị không bảo đảm an toàn, giúp các nhà trường thực hiện tốt công tác chăm sóc học sinh. Dựa trên danh sách này, các nhà trường chủ động lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm phù hợp với điều kiện thực tế và sự thỏa thuận với phụ huynh, tuyệt đối không có sự chỉ định.
Cũng theo ông Phạm Xuân Tài, hiệu trưởng phải có trách nhiệm kiểm soát kỹ càng quy trình cung ứng thực phẩm, nếu đơn vị nào để xảy ra sự cố liên quan đến chất lượng bữa ăn của học sinh tại trường, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm cao nhất. Đơn cử, chỉ riêng khâu vận chuyển suất ăn bán trú từ nơi chế biến đến trường, hiệu trưởng nhà trường phải khẳng định được việc đơn vị cung ứng chỉ vận chuyển suất ăn bằng xe chuyên dụng, trong trường hợp vận chuyển bằng xe máy thì phải được bảo quản trong thùng bảo ôn. Nếu phát hiện có sự lơ là, chủ quan trong khâu này, hiệu trưởng sẽ bị xử lý nghiêm khắc.