15/05/2018
4.67/5 trong 6 lượt Hiện nay, lượng lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang các nước đều ở dạng thô, tươi... nên giá trị thấp, sức cạnh tranh yếu. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp chưa chú trọng tới khâu chế biến bởi kinh phí đầu tư lớn mà lợi nhuận thấp. Ngoài ra, công nghệ chế biến còn lạc hậu dẫn tới tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao...
Theo Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ xuất khẩu nông sản ở dạng thô sơ, thiếu chế biến sâu và các sản phẩm phụ. Phần lớn nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều thu hoạch, chế biến theo phương pháp thủ công, chưa áp dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến, thu hoạch... vì vậy, tổn thất sau thu hoạch ở Việt Nam còn cao hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á: Rau quả 32%, thịt 14%, thủy sản 12%.
Trong khi đó, tỷ lệ áp dụng công nghệ lạnh trong chế biến nông sản, thực phẩm của Việt Nam còn thấp: Sữa đạt 33%; thịt 12%; rau 7%, quả 6%... Điều này cho thấy, các doanh nghiệp chưa chú trọng tới đầu tư công nghệ chế biến tinh mà chỉ xuất khẩu dưới dạng tươi sống. Hệ thống thu thập và cập nhật dữ liệu thông tin về chế biến và bảo quản các ngành hàng nông sản còn khó khăn, chưa hình thành ổn định; công tác thông tin, dự báo còn hạn chế, nhất là thông tin, dự báo đến tận người sản xuất, kinh doanh về sản lượng, kiểm soát cung - cầu, các xu hướng biến động của thị trường...
Thực tế cho thấy, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang một số nước, trong đó có Trung Quốc, với giá trị rất thấp do nông dân chỉ thu hoạch từ đồng ruộng sau đó đưa lên xe và vận chuyển sang nước nhập khẩu. Trong khi đó, doanh nghiệp nhập khẩu về sơ chế, đóng gói, tem nhãn và bán ra thị trường với giá cao hơn gấp 5-6 lần. Nguyên nhân do nông dân chưa tiếp cận với công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, kỹ thuật bảo quản mới dừng lại ở việc đóng gói bao bì và lưu giữ tại cảng bằng các kho mát chuyên dùng, kỹ thuật lạc hậu... nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm...
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Hải Dương) Tăng Xuân Trường chia sẻ: Trung bình, mỗi năm công ty tiêu thụ từ 3.000 đến 4.000 tấn vải, nhãn, chủ yếu ở dạng quả tươi. Công ty nghiên cứu đầu tư dây chuyền để chế biến quả khô xuất sang các nước, nhưng chi phí đầu tư lớn, nguồn cung không ổn định, nhiều nơi nông dân chưa đáp ứng các điều kiện về sản xuất an toàn, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thu mua...
Để nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế, hạn chế việc xuất khẩu thô, chuyển dần sang chế biến tinh, trước hết, cần coi việc bảo quản nông sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng nhất của quy trình sản xuất.
Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, theo dõi tình hình chế biến và bảo quản nông sản để tham mưu, tư vấn cho các đơn vị, ngành hàng về các vấn đề liên quan đến hoạt động chế biến và bảo quản nông sản. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư khoa học công nghệ để giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch; xây dựng những kho chứa nguyên liệu bảo đảm tiêu chuẩn; chú trọng tới xây dựng thương hiệu, logo, tem nhãn nhận diện...
Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nafoods Group: Nếu doanh nghiệp trong nước chú trọng xuất khẩu các mặt hàng hoa quả từ tươi sang dạng cô đặc hoàn toàn chắc chắn sẽ có "chỗ đứng" trên thị trường. Tuy nhiên, để đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu, các doanh nghiệp cần chú trọng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP kết hợp với khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện nhiều doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến hiện đại và xây dựng kho chứa, bởi vậy, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, lãi suất, thuế..., qua đó, sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thuận lợi hơn khi thu mua nông sản cho nông dân, đặc biệt là thời điểm chính vụ nhằm hạn chế những hệ lụy đáng tiếc của những đợt "khủng hoảng thừa" nông sản thời gian qua... Ngọc Quỳnh