0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nói nhiều, làm được bao nhiêu?

15/05/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Nói nhiều, làm được bao nhiêu?
Mùa hè đã đến, với đặc thù riêng, vấn đề giết mổ gia súc, gia cầm càng "nóng" với những tồn tại từ nhiều năm cùng sự gia tăng ô nhiễm môi trường... Ngoài ra, công tác này luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp rất khó kiểm soát dẫn tới các điểm giết mổ tập trung, quy mô công nghiệp bị lấn át bởi các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ do tư thương quản lý. Vấn đề là quyết tâm trong câu chuyện này có thừa nhưng việc triển khai trên thực tế lại rất khiêm tốn..
Cơ sở giết mổ công nghiệp còn quá ít

Theo Chi cục Thú y Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với 1.048 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công; 15 cơ sở giết mổ bán công nghiệp; 7 cơ sở giết mổ công nghiệp. Trong khi đó chỉ có 168 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh và 128 cơ sở giết mổ được kiểm soát. 

Mặc dù thành phố đã quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm đến năm 2020 với mục tiêu có 11 điểm quy hoạch giết mổ công nghiệp được triển khai, tiến tới giết mổ công nghiệp sẽ chiếm 60-65% sản lượng thịt xuất ra trên địa bàn thành phố, nhưng đến cuối năm 2017, trong 7 cơ sở giết mổ công nghiệp thì chỉ có 4 cơ sở đang hoạt động và 3 cơ sở dừng hoạt động.
 

 

Dây chuyền giết mổ lợn tại Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền (huyện Thanh Oai). Ảnh: Linh Ngọc

Trên thực tế, cơ sở giết mổ công nghiệp không chỉ ít về số lượng mà hoạt động kém hiệu quả. Tổng sản lượng giết mổ chỉ đạt 17% so với công suất thiết kế, khoảng 8% so với mục tiêu quy hoạch đến năm 2020. Đối với quy hoạch giết mổ thủ công tập trung đến năm 2020 là 45 điểm, vậy nhưng đến cuối năm 2017, mới triển khai xây dựng được 10 điểm, 35 điểm chưa tìm được nhà đầu tư...

Trong khi hoạt động của các điểm giết mổ công nghiệp và bán công nghiệp tập trung gặp nhiều khó khăn thì hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công tự phát rất đa dạng, không có địa điểm cố định. Những cơ sở này nằm rải rác trong khu dân cư của các huyện, thị xã và hoạt động theo mùa vụ, không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát...

Hiện nay, Chương Mỹ là huyện có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất thành phố (chiếm khoảng 10% tổng đàn) và có 67 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, trên địa bàn chưa có điểm giết mổ tập trung; còn các điểm giết mổ tự phát rất nhiều, điển hình như cơ sở giết mổ gia súc tại khu Lỗ Thổ (xã Phụng Châu) hoạt động từ năm 2014 với quy mô giết mổ lên tới 600 con lợn/ngày. Cơ sở này đã vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, huyện Chương Mỹ phải tiến hành cưỡng chế...

Còn với Thanh Trì là huyện đầu tiên trên địa bàn thành phố dẹp được tình trạng giết mổ nhỏ lẻ tại khu dân cư và tập hợp được các điểm giết mổ nhỏ lẻ về một khu. Tuy nhiên, gần đây, nước thải từ lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của huyện (ở xã Vạn Phúc) do quá tải, xử lý không triệt để đã chảy ra khu vực mương, cống thoát nước dân sinh của địa phương, gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng...

Cần đồng bộ các giải pháp

Đánh giá việc quản lý, kiểm soát giết mổ trên địa bàn thành phố, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền (huyện Thanh Oai) cho rằng, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm chưa đồng bộ, chưa hiệu quả. Không chỉ thế, việc nhận thức chưa đầy đủ cùng thói quen của người tiêu dùng dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đã trực tiếp "nuôi dưỡng" sự tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, đối với động vật, sản phẩm động vật lưu thông trong thành phố, đề nghị Cục Thú y xây dựng hướng dẫn căn cứ xác minh thông tin nguồn gốc động vật đưa về giết mổ và sản phẩm động vật đưa về các cơ sở sơ chế khi ghi vào sổ theo dõi, lưu tại cơ sở.

Bên cạnh đó, các sở, ngành cần tiếp tục tham mưu cho thành phố xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp với cơ sở giết mổ động vật tập trung, nhỏ lẻ (đã được quản lý) trong việc cải tạo hệ thống xử lý chất thải, nước thải; chi phí giết mổ; hạ tầng, trang thiết bị hoạt động giết mổ; xe chuyên dụng vận chuyển sản phẩm sau giết mổ… 

Ngoài ra, các sở, ngành liên quan cùng chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý tại các chợ, siêu thị, nhà hàng… theo phân cấp quản lý; đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn thành phố; hướng dẫn kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm có nguồn gốc, có kiểm soát, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Mặt khác, các cơ quan quản lý nên xem xét hỗ trợ xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư giết mổ công nghiệp, như ưu đãi về đất đai, vay vốn và lãi suất; các chính sách xây dựng chuỗi, liên kết chuỗi, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu tư công nghệ, phương tiện chuyên dùng... tiến tới đưa công tác giết mổ gia súc, gia cầm hoạt động chuyên nghiệp và ổn định hơn
Sơn Tùng