0908.326.779 - 0906.362.707
 

Quản lý an toàn thực phẩm - Cần có giải pháp đồng bộ

23/11/2016    4.6/5 trong 5 lượt 
Quản lý an toàn thực phẩm - Cần có giải pháp đồng bộ
Luật An toàn thực phẩm (ATTP) tưởng như rạch ròi, giúp các ngành dễ dàng quản lý, nhưng thực tế cho thấy lĩnh vực ATTP quá rộng và có sự đan xen, chồng lấn nhau. Do các văn bản hướng dẫn thực hiện luật này còn bất cập, chưa đồng bộ, dẫn đến tình trạng một mặt hàng nhưng cả 3 ngành: Y tế, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Công Thương cùng tham gia quản lý.

Chồng chéo, thiếu nguồn lực


Bà Lê Thu Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong quá trình thực hiện Luật ATTP và các văn bản dưới luật chưa có sự đồng bộ. Cụ thể, các sản phẩm thực phẩm như: sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột, bánh, mứt, kẹo… đúng ra nên giao cho ngành Y tế quản lý thì lại giao cho ngành Công Thương. Đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm, nhiều sản phẩm do ngành Y tế hoặc Nông nghiệp cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (theo Thông tư liên tịch số 13). Tuy nhiên, khi cơ sở đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm thuộc ngành Công Thương quản lý thì 2 ngành trên không thực hiện được, do sản phẩm đó không nằm trong nhóm hàng thuộc thẩm quyền quản lý của họ (theo Luật ATTP). Cơ sở phải liên hệ với ngành Công Thương để được xác nhận nội dung quảng cáo, nhưng ngành Công Thương không thực hiện được vì giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP do ngành khác cấp. Việc này đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh.

 

Đoàn kiểm tra liên ngành đang kiểm tra tại Siêu thị Coopmart Nha Trang
Đoàn kiểm tra liên ngành đang kiểm tra tại Siêu thị Coopmart Nha Trang


Ngược lại, có một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sau khi được ngành Công Thương hoặc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP phải thực hiện công bố hợp quy, hoặc công bố phù hợp quy định ATTP cho sản phẩm tại cơ quan y tế. Mặt khác, nhiều cơ sở vừa sản xuất, kinh doanh thực phẩm tổng hợp do ngành Công Thương quản lý, vừa kinh doanh dịch vụ ăn uống do ngành Y tế quản lý. Như vậy, việc quản lý trên không xuyên suốt, thống nhất theo nguyên tắc một cơ sở chỉ chịu sự quản lý của một ngành. Việc phối hợp giữa các sở, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra chưa thống nhất nên trùng lắp về đối tượng thanh tra, kiểm tra, dẫn đến một cơ sở trong một năm phải chịu sự kiểm tra của nhiều ngành về lĩnh vực thực phẩm.


Minh họa cho sự chồng chéo trên, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn chứng, cùng quản lý một chiếc bánh trung thu, vỏ bánh là tinh bột do ngành Công Thương quản lý; nhân bánh là thịt, trứng do ngành Nông nghiệp kiểm soát; còn ngành Y tế thì quản lý phụ gia phẩm màu của bánh. Hoặc nguyên liệu để làm bún là gạo thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Nông nghiệp, khi thành bún là sản phẩm tinh bột lại thuộc về ngành Công Thương, rồi bún có chứa hóa chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp hay không lại liên quan tới ngành Y tế.


Ông Lê Đình Đờn - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: “Hiện nay, các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh quá nhiều, trong khi lực lượng thanh tra, kiểm tra các cấp quá mỏng nên chưa kiểm soát hết được các vấn đề về ATTP ở cơ sở. Lực lượng đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh có 9 người, trong khi số lượng các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm cấp tỉnh quản lý hơn 12.000 cơ sở. Bình quân mỗi ngày, chúng tôi đi kiểm tra 10 cơ sở thì trong một năm chỉ có thể kiểm tra được hơn 3.000 cơ sở. Đội ngũ cán bộ quản lý về ATTP ở tuyến huyện, xã còn thiếu và chưa được đào tạo chuyên môn, chủ yếu còn kiêm nhiệm nên việc phối hợp quản lý về ATTP ở các địa bàn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ và còn buông lỏng ở tuyến xã”.

 

Hiện nay, hơn 70% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn tỉnh là nhỏ lẻ, theo hộ gia đình, cơ sở vật chất chật hẹp nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng theo đúng quy định về ATTP khó thực hiện.

Cùng với những khó khăn trên, chi phí để thực hiện xét nghiệm các mẫu vật thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo ATTP trong quá trình kiểm tra khá cao (nếu xét nghiệm vài chục chỉ tiêu cho một mẫu thực phẩm phải mất vài chục triệu đồng), trong khi kinh phí được cấp để làm các xét nghiệm rất eo hẹp. Vì thế, các đoàn kiểm tra rất hạn chế việc lấy mẫu để xét nghiệm. Ngoài ra, thời gian có kết quả kiểm nghiệm thường dao động từ 7 đến 15 ngày. Do đó, khi có được kết quả, các sản phẩm đó đã được chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tung ra thị trường và gần như người tiêu dùng đã tiêu thụ hết, không còn thời gian để thu hồi, tiêu hủy hay truy xuất nguồn gốc khi xảy ra trường hợp vi phạm Luật ATTP. Điều này cũng gây khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát ATTP hiện nay.


Phòng Kiểm nghiệm thực phẩm thuộc Trung tâm Kiểm nghiệm Khánh Hòa chưa thực hiện kiểm nghiệm được các chỉ tiêu về hóa như: các kim loại nặng, Melamin, dư lượng thuốc trừ sâu, các độc tố… nên phải gửi lên tuyến trên để xét nghiệm. Điều này gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất thực phẩm trong việc gửi mẫu xét nghiệm, cho công tác xử lý vi phạm hành chính... Tại tuyến huyện, việc kiểm nghiệm thực phẩm chủ yếu sử dụng bộ test nhanh, chưa có Labo xét nghiệm ATTP riêng biệt nên chưa xét nghiệm được các chỉ tiêu hóa và vi sinh vật thực phẩm...


Cần có giải pháp đồng bộ

 

Các sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Y tế, như: nước uống đóng chai, thực phẩm chức năng, các vi chất bổ sung vào thực phẩm và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, hương liệu thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm… Ngành Công Thương được phân công quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với những nhóm mặt hàng bao gồm: rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột, bánh, mứt, kẹo và các dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng các thực phẩm trên. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra theo phân cấp ngành xuyên suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị: Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò của chính quyền các cấp đối với công tác bảo đảm ATTP; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP; kiện toàn Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất; tăng cường biên chế cho đội ngũ chuyên trách ATTP của các tuyến (tỉnh, huyện, xã) đủ khả năng quản lý và điều hành các hoạt động bảo đảm ATTP trên phạm vi toàn tỉnh; đẩy mạnh công tác đào tạo, liên kết các viện trong khu vực, các trường đại học để tổ chức đào tạo lại cho cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm ATTP tại các tuyến; tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp bộ phận kiểm nghiệm ATTP tuyến tỉnh, trang thiết bị đo kiểm di động (bộ test nhanh) hoặc cố định tại các trung tâm thương mại, chợ nông sản lớn, nhằm hướng dẫn, giúp đỡ người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn.


Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác ATTP trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, 3 ngành cần triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi về ATTP; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về ATTP; kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, các loại vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm; ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng. Đồng thời, tăng cường giám sát, thanh tra các cơ sở dịch vụ ăn uống, giám sát các mối nguy ATTP; kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP, đặc biệt là những quy định về điều kiện ATTP của các cơ sở bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, lễ hội, thức ăn đường phố, chợ, cảng, trường học, khu công nghiệp và chế xuất; quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị có cơ sở dịch vụ ăn uống, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cung ứng dịch vụ ăn uống; xử lý nghiêm các vi phạm. Cùng với đó, nêu gương các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tốt các quy định về ATTP; công khai tên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm; phối hợp các cơ quan tham mưu triển khai mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP...

Báo Khánh Hoà