Tôi sống ở một khu đô thị mới, phía tây Hà Nội. Nơi tôi ở không có bất cứ một cái chợ cóc nào, toàn bộ thực phẩm hàng ngày được bán trong các ki-ốt ghi biển “thực phẩm sạch - hữu cơ”
Tất nhiên, không có cách nào để biết những rau, thịt, gạo mà tôi mua hàng ngày có phải hữu cơ hay không, chỉ thấy những mớ rau ở đây có giá đắt hơn nhiều tại các chợ cóc. Chúng trông rất xấu, thường dính nhiều đất, lá bị thủng lỗ chỗ và đôi khi còn có cả sâu, như để minh họa cho tính chất "hữu cơ".
Nhưng những cửa hàng “thực phẩm hữu cơ” ở khu tôi bán rất chạy. Bởi có lẽ bây giờ chúng đang mốt. Trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội đang có quá nhiều thông điệp về thực phẩm bẩn, về dư lượng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Tất cả những thông tin đó gần như đều gắn với nỗi sợ hãi ung thư.
Đó là cảm quan của một người tiêu dùng. Còn là người làm báo, tôi cho rằng người tiêu dùng đang phải chịu một nỗi sợ hãi cảm tính. Nỗi sợ hãi đó dẫn đến xu hướng tiêu dùng cho những thứ được gắn mác "thực phẩm hữu cơ" dù không ai kiểm chứng được chúng liệu an toàn đến mức nào.
Nỗi sợ đã mở đường cho một khái niệm mờ mịt mang tên "thực phẩm hữu cơ". Và sự mờ mịt ấy, không chỉ đi ra siêu thị, lên bàn ăn của các bà các mẹ, mà còn đi thẳng đến diễn đàn Quốc hội.
Mới đây, khi bàn về tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam, có rất nhiều đại biểu bày tỏ sự lo lắng về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều người nhấn mạnh: Việt Nam phải tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, phải hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu để đưa đất nước thoát khỏi nỗi sợ hãi ung thư.
Tôi thực sự tin vào ý tốt của họ, nhưng tôi cũng khá chắc chắn rằng với điều kiện của Việt Nam hiện nay, điều đó vẫn là một giấc mơ.
Bởi thực phẩm hữu cơ, ngay cả ở những nước tiên tiến nhất thì sản lượng vẫn thấp hơn thông thường khoảng 20% - 30%. Sản xuất hữu cơ đòi hỏi phải có đất và nguồn nước sạch, tốn kém nhiều chi phí chăm sóc. Tất cả những điều đó sẽ khiến cho thực phẩm đắt hơn khả năng chi trả của đa số người dân. Mặt khác, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ cũng gần như đồng nghĩa: chúng ta sẽ phải quy hoạch lại nền công nghiệp để giữ đất sạch hoàn toàn cho nông dân.
Một viễn cảnh như thế rõ ràng là chưa có ở bất cứ đâu trên thế giới. Ngay tại Nhật Bản, một đất nước nổi tiếng về nông nghiệp sạch thì năm 2015 nông sản hữu cơ cũng chỉ chiếm tỷ trọng 0,24% của nền nông nghiệp.
Theo tôi, điều mà chúng ta cần hướng tới là sản xuất thực phẩm an toàn. Paracelsus, cha đẻ của ngành độc chất học từng viết: “Trong mọi thứ đều có chất độc. Chỉ có liều lượng là làm cho một thứ không phải là một chất độc". Điều đó có nghĩa là với những nông sản được gọi là hữu cơ và không hề bị giám sát hiện nay, dù giả sử chúng không tồn dư thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học, thì cũng không có gì đảm bảo chúng không “độc” theo một cách nào đó.
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành nỗi lo của mọi nhà. Tất nhiên ở đó có nguyên nhân do một số nông dân đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, có nguyên nhân từ những cơ sở chế biến làm ăn gian dối, đánh mất lòng tin của nhân dân.
Nhưng từ nỗi lo thực phẩm bẩn để tiến tới kêu gọi cả nước chuyển sang làm nông nghiệp hữu cơ thì có vẻ như chúng ta đang hoảng sợ một cách đầy cảm tính. Sự khiếp đảm có thể khiến chúng ta quay lưng lại với những nông sản vô cơ sử dụng thuốc đúng liều lượng, cách ly đủ thời gian. Như thế chúng ta sẽ quay lưng lại với hàng triệu nông dân. Chúng ta đang bấu víu niềm tin vào một vài doanh nghiệp biết cách đặt lên quầy hàng của mình những tấm biển ghi chữ “nông sản hữu cơ”.
Một cán bộ ở chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội mới đây cho tôi biết: Việt Nam hiện chưa ban hành bộ tiêu chuẩn nào cho thực phẩm hữu cơ. Nghĩa là những cán bộ kiểm dịch như ông có thể xử phạt một cửa hàng rau an toàn khi cửa hàng đó không có giấy chứng nhận VietGap (hoặc Global Gap) nhưng lại không thể làm gì một cửa hàng thực phẩm hữu cơ vì đây là loại thực phẩm không có ai cấp phép và không bị ai quản lý.
Những cuộc tuyên chiến với thực phẩm bẩn đã diễn ra, dù cho thế nào là "bẩn" thì chưa được định nghĩa bằng quy chuẩn nhất quán. Các hành động cảm tính cực đoan ấy, có thể xuất phát từ người tiêu dùng, nhưng lên đến bàn nghị sự - liên quan đến cả một nền nông nghiệp, lại là chuyện khác.
Bởi chính sách không thể làm bằng cảm tính