Đó là yêu cầu của Thanh tra Bộ Y tế đối với Sở Y tế Hải Phòng qua thanh tra công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) tại Sở Y tế Hải Phòng.
Theo Sở Y tế Hải Phòng, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP tại Hải Phòng hiện nay chủ yếu do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện.
Kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ Y tế cho thấy, công tác thẩm định, cấp các loại giấy liên quan ATTP và việc xử lý vi phạm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều tồn tại.
Trong phiếu kiểm nghiệm tại hồ sơ công bố các sản phẩm nước mắm, chả cá, bánh dẻo, bánh mỳ tươi, ô mai không có chỉ tiêu kim loại nặng (hồ sơ số 06, 08, 16, 36 và 60/2016). Theo báo cáo của Chi cục, do chưa có quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm này nên không quy định chỉ tiêu bắt buộc. Sau khi có ý kiến của đoàn thanh tra, Chi cục đã rà soát và yêu cầu các đơn vị thực hiện kiểm nghiệm đầy đủ.
Bên cạnh đó, hồ sơ công bố đã được duyệt còn thiếu nhãn của sản phẩm. Chi cục đã nhận thấy đây là thiếu sót trong việc kiểm soát thủ tục sau công bố. Hiện tại, Chi cục đã có văn bản gửi tất cả các đơn vị thực hiện nộp nhãn chính theo quy định và đã có một số đơn vị khắc phục, nộp nhãn chính sản phẩm về Chi cục.
Dù có triển khai thanh tra, kiểm tra song việc lấy mẫu kiểm nghiệm tại labo để đánh giá các chỉ tiêu ATTP Chi cục thực hiện còn ít (năm 2015 có 6 mẫu được lấy để kiểm nghiệm phục vụ thanh tra, 8 tháng đầu năm chỉ có 2 mẫu). Theo báo cáo của Chi cục, do không có nguồn kinh phí để lấy mẫu, kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm thực phẩm nên Chi cục đã phải tự cân đối để thực hiện lấy một số ít mẫu trong quá trình thanh tra, kiểm tra.
Ngoài ra, khi xử phạt chỉ áp dụng đối với một số hành vi vi phạm đã được ghi nhận tại biên bản kiểm tra, thanh tra. Một số hành vi vi phạm còn lại không bị xử phạt.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT/BYT-BNNPTNT-BCT việc cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATTP đã được loại bỏ, thay vào đó là việc cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP và tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP không có quy định hành vi vi phạm, hình thức và mức phạt đối với cơ sở không có giấy xác nhận kiến thức ATTP. Tuy nhiên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đang xử phạt với hành vi không có giấy xác nhận kiến thức ATTP bằng mức phạt đối với hành vi không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP được quy định tại Nghị định số 178/NĐ-CP. Ngay sau khi phát hiện, Chi cục đã dừng việc xử phạt đối với hành vi không có giấy xác nhận kiến thức ATTP chờ đến khi Chính phủ có quy định mới.
Kết quả kiểm tra tại Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng cho thấy, công tác kiểm tra Nhà nước về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu, kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý Nhà nước về ATTP còn một số thiếu sót trong hoạt động chuyên môn và việc quản lý hóa chất. Một số biên bản lấy mẫu chưa thể hiện được địa điểm lấy mẫu chỉ ghi địa chỉ là kho công ty.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng phiếu đánh giá cảm quan ghi không thống nhất về tên gọi của sản phẩm. Đã thực hiện thu phí theo đúng mức quy định nhưng không thể hiện chi tiết giá tiền của từng chỉ tiêu kiểm nghiệm trên phiếu báo thu…
Theo đoàn thanh tra, mặc dù Sở Y tế Hải Phòng và các đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý ATTP song tình trạng vi phạm các quy định về ATTP còn chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, số cơ sở có vi phạm bị xử phạt còn ít. Đặc biệt, hiện tại có một số sản phẩm đặc sản của địa phương chưa có quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn cụ thể để áp dụng, các chỉ tiêu vệ sinh ATTP chủ yếu dựa vào Quyết định 46/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế nên có một số chỉ tiêu chưa thực sự phù hợp.
Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hải Phòng nhanh chóng khắc phục những tồn tại được chỉ ra trong quá trình thanh tra. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP. Thanh tra Bộ Y tế cũng lưu ý việc tăng cường lấy mẫu, kiểm nghiệm đánh giá các chỉ tiêu ATTP, kịp thời cảnh báo mối nguy mất ATTP, nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATTP