0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác An toàn thực phẩm

16/11/2016    3.86/5 trong 7 lượt 
Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác An toàn thực phẩm
Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể mặc dù đã được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao

Theo thống kê của chương trình giám sát thực phẩm, hiện nay, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật trên nông sản là nguyên liệu chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao, cụ thể: hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép trên rau, củ, quả vẫn chiếm khoảng 3 - 5%, thậm chí, có thời điểm, tỷ lệ rau tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng lên đến trên 10%, bên cạnh đó còn xuất hiện chất cấm trong chăn nuôi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng có thể liệt kê một số nguyên nhân chủ yếu là: Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta chủ yếu là nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ (cả nước có gần 10 triệu hộ nông dân trồng rau, nuôi gà, thả cá, trồng lúa, sử dụng không hết thì bán ra thị trường; trong gần 500 nghìn cơ sở chế biến thực phẩm thì 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế...) điều kiện vệ sinh tại các cơ sở này thường không bảo đảm, dẫn đến những khó khăn cho các cơ quan quản lý trong kiểm soát chất lượng thực phẩm.

Một nguyên nhân nữa là một bộ phận người dân đời sống kinh tế còn thấp, không có điều kiện để tiếp cận và sử dụng thực phẩm chất lượng cao, mà vẫn phải chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ, mặc dù biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.

Trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), ngoài việc tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra với sự phối hợp chặt chẽ của liên ngành y tế, nông nghiệp, công thương, công an và UBND các cấp, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về thực hành an toàn thực phẩm cũng luôn được chú trọng. Tuy vậy, ở nhiều nơi, người dân vẫn giữ thói quen sử dụng thực phẩm không bảo đảm như: ăn tiết canh, ăn gỏi cá... rất dễ gây ngộ độc.

Một số nguyên nhân khác cũng được nêu ra là ô nhiễm môi trường: nước, không khí... ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, làm cho thực phẩm vì thế cũng bị ô nhiễm; hoặc hệ thống quản lý của chúng ta còn chưa đồng bộ, thiếu các chế tài đủ mạnh nên tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới còn diễn biến phức tạp, thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn âm thầm thẩm lậu, len lỏi vào các chợ, cửa hàng trong nước để rồi vào bếp ăn của mỗi gia đình.

Các nguyên nhân kể trên đã được chỉ ra rất nhiều lần tại các cuộc hội thảo cũng như trên các phương tiện truyền thông, nhưng có một nguyên nhân nữa, ít được nhắc đến hơn nhưng không kém phần quan trọng, đó là sự đầu tư cho công tác quản lý, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Năm 2009, các chi cục ATTP ở các tỉnh mới được thành lập, mỗi tỉnh bình quân có khoảng 15 cán bộ; năm 2010, mới có quy định về ATTP; chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP cũng mới triển khai được hơn 10 năm; lực lượng cán bộ quản lý ATTP còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn; lực lượng thanh tra hiện còn quá mỏng (thanh tra chuyên ngành ATTP trong ngành y tế chỉ có hơn 200 cán bộ).

Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho công tác quản lý ATTP ở nước ta còn rất thấp, giai đoạn 2001 – 2005 là 780 đồng/người/năm (bằng 1/25 của Thái Lan là 1USD/người/năm), giai đoạn 2006 – 2010, kinh phí được tăng lên khoảng 1.600 đồng/người/năm, năm 2014 kinh phí lại bị cắt giảm 60% so với năm 2013, giai đoạn 2011- 2015, bình quân đạt khoảng 2.800 đồng/người/năm, trong khi tại Bắc Kinh, mỗi năm thành phố chi trên 100.000 đồng/người).

Do vậy, với diễn biến như hiện nay, công tác thanh, kiểm tra về ATTP vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức

Việt Hà