Đòi hỏi cấp thiết hiện nay là cần công khai thông tin về nguồn gốc thực phẩm, mức độ vi phạm và xử phạt thật nghiêm.
Rất nhiều bà nội trợ sẵn sàng chờ đợi, đi xa hơn, sẵn sàng chấp nhận giá cao hơn để có thể mua thực phẩm của người quen, họ cố bám víu một chút nào đó gọi là “niềm tin” rằng sản phẩm ấy sạch và an toàn, dù khi mua hàng họ luôn miệng hỏi có thật sạch hay không, có nguồn gốc rõ ràng như công bố hay không?
Hỏi các bà nội trợ vì sao lại sẵn sàng đi xa và chấp nhận mua giá cao như vậy? Họ cho biết thích mua ở chỗ quen vì tin tưởng nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Từng có lúc họ cũng thất vọng vì hàng nhận được không như ý, nhưng sau đó họ vẫn không đủ can đảm để mua thực phẩm ở chợ theo cách
thông thường.
Trong khi đó từ tháng 12 tới, Hà Nội sẽ đưa ba xe kiểm tra an toàn thực phẩm lưu động vào hoạt động.
Ba xe này có nhiệm vụ như ba đội kiểm tra thực phẩm lưu động, trước mắt có thể kiểm tra nhanh trên 10 chỉ tiêu về hàn the, tồn dư tinh bột trên chén ăn, chỉ số ôi khét của dầu mỡ, dư lượng một số hóa chất bảo vệ thực vật...
Sang năm 2017, sẽ có thêm hai xe tương tự được đưa vào hoạt động. Tại TP.HCM, cũng trong tháng 12, chương trình nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng công nghệ thông tin sẽ bắt đầu được vận hành, đề án chuỗi thực phẩm an toàn đã được triển khai.
Nhiều hoạt động cộng đồng khác cũng đang thu hút các bà nội trợ tại TP.HCM, Hà Nội như phiên chợ xanh, sạch.
Trên phạm vi cả nước, đã có gần 100 địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố và số lượng địa chỉ đang tiếp tục được mở rộng.
Một chủ doanh nghiệp cung cấp rau an toàn cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận đánh giá rau sản xuất theo mô hình an toàn chiếm khoảng 50% sản lượng, số còn lại cần kiểm nghiệm để xác định, tỉ lệ rau còn dư lượng hóa chất có nhưng không đến mức như người tiêu dùng lo lắng.
Tuy nhiên do thiếu thông tin, người tiêu dùng luôn bối rối trước mê hồn trận vệ sinh thực phẩm, không biết mua gì và mua ở đâu là an toàn.
So với nhiều nước trong khu vực, ngân sách chi cho an toàn thực phẩm ở VN thấp hơn, chỉ bằng 1/8, thậm chí còn kém hơn nữa.
Nhưng không phải là không có cách làm phù hợp với điều kiện của chúng ta mà đơn giản nhất là công khai thông tin thực phẩm nào sạch, bẩn, vi phạm cụ thể như thế nào...
Vì thiếu thông tin, người tiêu dùng buộc phải lựa chọn cách khó hơn khi tìm mua thực phẩm cho gia đình.
Do đó nếu kết quả kiểm tra nhanh được công bố tại chợ, nguồn gốc và chất lượng thực phẩm cung ứng được công khai thì chắc chắn thực phẩm nào sạch - bẩn sẽ rõ ràng, đó sẽ là cơ sở để người tiêu dùng lựa chọn.
Chính quyền và người dân các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang cùng nỗ lực bằng cách của riêng mình để có thực phẩm sạch hơn.
Đòi hỏi cấp thiết hiện nay là cần công khai thông tin về nguồn gốc thực phẩm, mức độ vi phạm và xử phạt thật nghiêm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người làm thực phẩm sạch để giảm bớt khó khăn và lo lắng cho người tiêu dùng.
Người dân đang đặt niềm tin và chờ đợi những tín hiệu tốt lành từ hai đề án của Hà Nội và TP.HCM...