0908.326.779 - 0906.362.707
 

Vi phạm bản quyền, chiếm đoạt ý tưởng

15/05/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Vi phạm bản quyền, chiếm đoạt ý tưởng
Cách nay mấy hôm, tổng giám đốc Đài Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) lên tivi thông báo vừa bị EUFA (Liên đoàn Bóng đá châu Âu) cắt hợp đồng, cắt sóng vì những vi phạm bản quyền truyền hình, do một số đài địa phương và các trang mạng trong nước vô tư tiếp sóng của VTVCab

Vậy là trước mắt các “tín đồ túc cầu giáo” Việt Nam không được xem truyền hình trực tiếp các trận bán kết, chung kết Champions League và Europa League. Sau đó chưa biết sẽ ra sao. Trước khi cắt sóng đối với VTVCab, EUFA đã nhiều lần nhắc nhở và cảnh cáo. Rồi VTVCab cũng nhắc nhở các đơn vị vi phạm liên quan nhưng như “nước đổ lá khoai”. Đó là chuyện vi phạm bản quyền ở tầm quốc tế đối với một môn thể thao vua nên nó đình đám vậy. Chuyện vi phạm bản quyền ở lĩnh vực văn học, âm nhạc đã được dư luận nói nhiều nhưng đâu lại vào đó.

Chuyện vi phạm sở hữu trí tuệ, chiếm đoạt ý tưởng thì rất tinh vi. Một nhà khoa học Việt kiều tâm huyết tôi quen từ Mỹ về với mong muốn giới thiệu và chuyển giao những ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ chế biến và nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng chỉ một năm sau anh quay về Mỹ. Hôm chia tay, anh tâm sự: Bao nhiêu kiến thức chuyên môn về nuôi trồng và chế biến nông thủy sản anh đem về chào hàng đã bị khách hàng là các đại gia trong ngành mượn tham khảo, sau đó họ trả lời không mua nhượng quyền. Nhưng ít lâu sau, không biết bằng cách nào, những kỹ thuật công nghệ mà anh đã trao đổi được đưa vào sản xuất và chế biến!!! Rõ ràng họ đã ăn cắp sở hữu trí tuệ của anh nhưng anh vốn cả tin chẳng đề phòng, đành ngậm đắng nuốt cay. Điều này làm tôi nhớ lại cách nay hơn 10 năm, một ông bạn nhà văn kể với tôi rằng thông qua một người bạn trong giới điện ảnh, anh nhờ bán một kịch bản phim truyền hình mà anh thai nghén viết cả năm trời. Bạn anh mang tập bản thảo kịch bản văn học của anh đi chào hàng, tuần sau trả lại, nói rằng kịch bản của anh trùng ý tưởng của ai đó. Anh buồn rầu, thế là công cốc. Nhưng một thời gian sau anh phát hiện đài truyền hình X chiếu bộ phim dài 24 tập y chang kịch bản của anh, chỉ sửa tên nhân vật và mấy cảnh phụ, nhân vật phụ. Anh biết chắc họ ăn cắp kịch bản của mình nhưng anh chưa đăng ký quyền tác giả nên cũng chỉ biết ấm ức trong lòng thôi!

Việc vi phạm bản quyền văn học kể sao cho xiết. Có kẻ vô liêm sỉ lấy tác phẩm người khác “xào nấu lại” thành “tác phẩm” của mình đem đi bán mà tôi đã có lần vạch trần khi còn làm công tác tổ chức bản thảo cho một công ty sách. Hoặc chuyện “dịch từ tiếng Việt sang tiếng Việt” tôi đã viết gần đây trong Câu chuyện văn hóa... 

PHẠM CHU SA