Tại buổi làm việc với Cục Bản quyền tác giả chiều qua 6.5, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã đánh giá cao những nỗ lực, chủ động của Cục Bản quyền tác giả nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt ở các mảng trọng tâm là bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Thứ trưởng nhấn mạnh, khối lượng công việc ngày một lớn, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, càng đòi hỏi sự nỗ lực nhằm đảm bảo khối lượng, chất lượng công việc được giao.
Báo cáo Thứ trưởng về kết quả thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2021, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trịnh Tuấn Thành cho biết, Cục đã tập trung thực hiện nhiều nội dung công việc trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện dự thảo nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trình các cấp theo tiến độ được phê duyệt; Xây dựng, dự thảo Quy chế phối hợp giữa Bộ VHTTDL với Bộ TT&TT trong công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng; trình lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; trình lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Trong quý I, Cục Bản quyền tác giả đã cấp 3.005 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Công tác tiếp nhận hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện trong điều kiện an toàn nhất để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. Cục cũng đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam và Kế hoạch của ngành thực hiện Chiến lược, trong đó trọng tâm là truyền thông nâng cao nhận thức; đề xuất cơ chế, chính sách; tổ chức xây dựng và quảng bá thương hiệu; xây dựng cơ sở dữ liệu...
Đánh giá cao tinh thần nỗ lực, chủ động của Cục Bản quyền tác giả nhằm hoàn thành khối lượng lớn công việc được giao, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định, trong thời gian qua, Cục đã tập trung triển khai nhiều nội dung công việc quan trọng, đáng chú ý là việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Xây dựng, dự thảo Quy chế phối hợp giữa Bộ VHTTDL với Bộ TT&TT trong công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Cục đã thực hiện nhiều công việc quan trọng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan...
“Để thực hiện hiệu quả khối lượng công việc lớn trong năm 2021, Cục Bản quyền tác giả cần tiếp tục nỗ lực, chủ động, trong đó cần tập trung vào các mảng nội dung trọng tâm về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”, Thứ trưởng lưu ý.
Cũng theo Thứ trưởng, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan với vai trò là một bộ phận cấu thành của Luật Sở hữu trí tuệ ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Trong thời gian qua, Cục Bản quyền tác giả với chức năng, nhiệm vụ được giao đã có nhiều cố gắng nhằm nâng cao nhận thức xã hội cũng như thực thi bảo hộ bản quyền tác giả trong nhiều lĩnh vực. Thứ trưởng đánh giá cao Cục Bản quyền tác giả đã tham mưu hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo công cụ quản lý hiệu quả trong bối cảnh tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng gia tăng, nhất là trên không gian mạng.
Tuy nhiên, với khối lượng công việc ngày càng nhiều, nhu cầu xã hội về bảo hộ bản quyền ngày càng lớn, Thứ trưởng lưu ý, Cục Bản quyền tác giả cần lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, vừa tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, vừa rà soát, điều chỉnh và cân đối một số công việc cụ thể nhằm đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công việc được giao. Đối với những công việc chịu tác động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Cục cần chủ động sắp xếp, điều chỉnh kế hoạch và báo cáo lãnh đạo Bộ khi cần thiết.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thứ trưởng yêu cầu Cục tiếp tục chủ động, phối hợp với các đơn vị liên quan để có giải pháp khai thác, đưa tiềm năng thành thế mạnh. Trong thời gian tới cần xây dựng và có những sản phẩm cụ thể, tạo thước đo hiệu quả của việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. “Cần lựa chọn một số sản phẩm tiêu biểu để nhân rộng, từ đó khẳng định hiệu quả thực tế của việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”, Thứ trưởng nêu rõ.