0908.326.779 - 0906.362.707
 

Bảo hộ quyền tác giả trên Internet: Vô vàn những thách thức

13/08/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Bảo hộ quyền tác giả trên Internet: Vô vàn những thách thức
Hội thảo về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan vừa được Cục Bản quyền tác giả Việt Nam (COV) phối hợp với Hiệp hội Phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA) phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Chuyên gia bản quyền hai nước đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp đẩy mạnh việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường Internet đã áp dụng trong thời gian qua.

Các chuyên gia khẳng định, xâm phạm bản quyền tác giả trên Internet ngày càng gia tăng với tần suất và mức độ tinh vi, phức tạp. Thực thi bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan trên Internet vì vậy đang là thách thức và khiến nhiều quốc gia đều trở nên lúng túng.

Tạo “vỏ bọc” tinh vi

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), trong những năm qua hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan đã từng bước được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực thi trong nước và quá trình hội nhập quốc tế. Các cam kết tham gia các điều ước quốc tế đang có hiệu lực tại Việt Nam và các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang từng bước được thực hiện, bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ pháp lý quốc tế khi sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng nêu rõ, hoạt động thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn diễn ra với những hình thức và mức độ vi phạm khác nhau. Điều này đã và đang là thách thức đối với hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và hoạt động phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa nói chung của đất nước. Chuyên gia Nhật Bản Masaharu Ina, Trưởng phòng Bảo vệ bản quyền ở nước ngoài, Hiệp hội Phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA) cho biết, tại Nhật, bảo hộ quyền tác giả là một vấn đề rất quan trọng không riêng của một cơ quan nào. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật cũng như có nhiều hành động thiết thực để bảo vệ và thúc đẩy bảo vệ chất xám, sức sáng tạo của con người.

 

 

Trong chuyên đề “Các biện pháp chống vi phạm bản quyền trên Internet tại Nhật Bản”, chuyên gia Shun Takagi, Trưởng phòng Pháp chế và Kinh doanh, Hiệp hội Phần mềm Video Nhật Bản (JVA) cho rằng, hiện có quá nhiều “vỏ bọc” được các đối tượng xâm phạm bản quyền thiết lập tinh vi nhằm ẩn danh hành vi vi phạm, phổ biến là lạm dụng phần mềm chia sẻ tệp. Những “vỏ bọc” đó khiến cho loại hình vi phạm này rất khó khăn để đẩy lùi. “Ở Nhật hiện nay có tới hơn 90 ngàn người sử dụng những đường link chia sẻ vi phạm. Con số đó không những không giảm mà còn có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, những đối tượng vi phạm lại thường ẩn danh nên việc nắm bắt, phòng chống rất khó khăn”, ông Shun Takagi nói.

Nội dung bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất với hình thức chia sẻ tệp tại Nhật hiện nay là những bộ phim, chương trình truyền hình, truyện tranh… Đặc biệt trên Facebook, Youtube…, người dùng thường hay tải lên và chia sẻ các đường link có chứa nội dung vi phạm bản quyền. Những đường link này được một cá nhân hay tổ chức đứng ra chia sẻ và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của mọi người. Người ta có thể thu lại một bộ phim phát sóng trên truyền hình sau đó tải lên và chia sẻ trên internet để nhiều người khác cùng tải về xem… Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền công nghiệp sản xuất, phát hành video của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự bắt tay giữa các cá nhân, tổ chức ở trong nước với các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài nhằm xâm phạm bản quyền, thu tiền từ quảng cáo. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp, tổ chức lại rơi vào tình trạng gián tiếp, vô tình tiếp tay cho hoạt động vi phạm bản quyền vì quảng cáo sản phẩm của họ xuất hiện trên các web lậu.

 

 

 Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ tại hội thảo

Nhiều biện pháp công nghệ lần theo dấu vết

Ông Masaharu Ina cho hay, xâm phạm bản quyền ngày càng gia tăng trên Internet đã khiến cho nền công nghiệp nội dung của Nhật Bản bị ảnh hưởng rất lớn. Hiệp hội Phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA) được thành lập năm 2002 nhằm xúc tiến triển khai ngành công nghiệp nội dung Nhật Bản như âm nhạc, phim truyện, phim hoạt hình, chương trình phát sóng và trò chơi ở nước ngoài, giúp cho các ngành công nghiệp nội dung hợp tác với nhau trong ứng phó với xâm phạm bản quyền ở nước ngoài.

Theo ông Masaharu Ina, vi phạm quyền tác giả ngày càng có môi trường thuận lợi. Một bộ phim có dung lượng 2 giờ chỉ cần khoảng 4,5 giây đã có thể tải xuống. Sự phát triển công nghệ khiến cho bất kỳ ai cũng có thể trở thành người xâm phạm. Do vậy, chuyên gia Nhật Bản nhấn mạnh, mỗi người phải có trách nhiệm về bảo vệ bản quyền sản phẩm của mình, cũng như tôn trọng tác quyền của những sản phẩm khác. Cùng với đó là sự cần thiết phải có hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong bối cảnh xâm phạm bản quyền đang có quy mô mở rộng xuyên biên giới. Một ví dụ điển hình là trang web anitube thu hút đông đảo người sử dụng tại Nhật hiện nay, người vận hành trang web này ở Brazil, địa điểm đặt máy chủ ở Mỹ và đăng ký tên miền ở Thụy Điển. Vì thế, nếu không có sự trao đổi và hợp tác giữa các nước thì khó có thể có giải pháp triệt để.

Ông Shun Takagi, Trưởng phòng Pháp chế và Kinh doanh, Hiệp hội Phần mềm Video Nhật Bản (JVA) chia sẻ, Nhật Bản cũng đã thực hiện nhiều biện pháp công nghệ để đẩy lùi vấn nạn vi phạm bản quyền. Chẳng hạn, đối với các trang web UGC là những web có người quản lý, biện pháp được áp dụng là gửi yêu cầu xóa vi phạm đối với người quản lý. Nếu người quản lý biết web có xâm phạm mà không xóa thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự liên đới. Cụ thể như Youtube, một ngày có cả ngàn video được upload, gồm cả các video vi phạm và không vi phạm. Việc xác nhận video có vi phạm hay không đối với người quản lý Youtube rất khó khăn. Nhưng nếu người dùng feedback (phản hồi) lại về nội dung xâm phạm thì trách nhiệm của họ là phải xóa, ngược lại thì người quản lý Youtube sẽ liên đới bị xử lý.

Tự động tuần tra bằng vân tay, ngăn chặn trang web xâm phạm… cũng là những giải pháp công nghệ quan trọng mà Nhật Bản đang áp dụng. Tuy nhiên, đối phó với các giải pháp này, đối tượng vi phạm cũng tinh vi không kém khi tìm cách thu nhỏ các nội dung xâm phạm để tránh bị truy tìm dấu vết vân tay. CODA còn triển khai dự án nhãn hiệu CJ, theo đó nhãn hiệu chống xâm phạm bản quyền được đính kèm bên trong các gói nội dung và video của Nhật Bản. Ở các quốc gia, khu vực đã được đăng ký nhãn hiệu đoàn thể của CODA có thể đồng loạt thực hiện việc truy tố đối với những người vi phạm bản quyền và vi phạm bằng sáng chế bằng cách thực hiện quyền thương hiệu của CODA.

Thêm một giải pháp mạnh được phía Nhật Bản chia sẻ nhằm ngăn chặn xâm phạm bản quyền là việc kết nối chặt chẽ với cảnh sát để kiểm soát nghiêm ngặt, bắt giữ và công khai các vụ bắt giữ vì xâm phạm bản quyền. Tháng 11.2001, Nhật Bản lần đầu tiên bắt giữ hai người chia sẻ các file xâm phạm bản quyền, đây cũng là vụ bắt giữ người vi phạm bản quyền đầu tiên trên thế giới vì lạm dụng phần mềm chia sẻ tệp. 10 năm qua, ngày càng nhiều hơn số vụ bắt giữ đã tạo thành biện pháp răn đe có sức nặng đối với người dân Nhật Bản. Năm 2018, trong số 514 vụ cảnh sát bắt giữ vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì có tới 428 vụ vi phạm thông qua sử dụng Internet. Cùng giải pháp kiểm soát nghiêm ngặt này, Nhật Bản cũng công khai đưa lên truyền thông các vụ bắt giữ vì xâm phạm bản quyền, qua đó để tuyên truyền, tạo ý thức tiêu dùng tôn trọng bản quyền cho người Nhật. 

 Internet là thời đại mà những xâm phạm bản quyền ngày càng phát triển về số lượng, quy mô, xuyên biên giới. Với các máy móc công nghệ ngày càng hiện đại, sẵn có trong tay, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là đối tượng xâm phạm bản quyền, vi phạm pháp luật. Vì vậy, ngoài các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, đẩy mạnh giải pháp công nghệ, tuyên truyền thì còn cần đến sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để cùng chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm, cùng nhau đẩy lùi vấn nạn xâm phạm bản quyền...

(Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả BÙI NGUYÊN HÙNG)

PHƯƠNG ANH