0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nhiều liveshow vi phạm bản quyền tác giả: Nói mãi, sao vẫn khó quản?

17/07/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Nhiều liveshow vi phạm bản quyền tác giả: Nói mãi, sao vẫn khó quản?
Bộ phận Pháp chế Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) ngày 15-7 thông tin tới các cơ quan báo chí về tình trạng vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc thời gian qua.

Nhập nhèm về tác quyền

Theo VCPMC, thời gian qua, số lượng chương trình biểu diễn vi phạm quyền tác giả lên tới hàng trăm chương trình. Có thể kể tên những chương trình nổi cộm là: Liveconcert Quang Hà "Trăm năm không quên" của Công ty cổ phần Truyền thông Show Thăng Long Việt Nam tại Hà Nội vào tháng 10-2017; Lễ hội Ẩm thực và giải trí quốc tế Foodfest 2017 của Công ty cổ phần Giải pháp thông minh IZZI châu Á vào tháng 12-2017 tại TP Hồ Chí Minh; Bán kết và Chung kết Hoa hậu Hoàn vũ của Công ty cổ phần Hoàn vũ Sài Gòn tổ chức tại Khánh Hòa vào tháng 1-2018…

Chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ vào tháng 1-2018 cũng bị cho là vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc.

Trước đó, năm 2016, nhiều chương trình ca nhạc lớn vi phạm bản quyền tác giả gây xôn xao dư luận, như: “Đà Nẵng - Thành phố tôi yêu” do Công ty TNHH Cổng Ý tưởng tổ chức; "Lễ Hội âm nhạc điện tử - Đà Nẵng 2016" của Công ty TNHH MTV Phong Việt; liveshow “Giọng ca vàng hải ngoại Chế Linh - Ai cho tôi tình yêu" của Công ty cổ phần sự kiện Sao Hải Ngoại tổ chức tại Đồng Nai và An Giang…

Bộ phận Pháp chế của VCPMC cho biết, nhiều đơn vị tổ chức khá tinh vi trong việc tránh né nghĩa vụ thực hiện trả tiền tác quyền âm nhạc. Không ít đơn vị dùng “chiêu” xóa tên công ty và thành lập công ty mới sau khi tổ chức xong chương trình.

Nhiều đơn vị còn có những hành vi đối phó với cơ quan quản lý nhà nước. Điển hình như có hiện tượng một số tác giả khi ký giấy tờ để cho phép ca sĩ được độc quyền bài hát với mục đích biểu diễn, nhưng nhiều ca sĩ/người biểu diễn lại hiểu chưa đúng, hoặc đơn vị tổ chức biểu diễn cố ý lợi dụng các giấy tờ này để né tránh việc xin phép, trả tiền nhuận bút cho tác giả và tìm cách đối phó với thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước.

Khởi kiện có phải là giải pháp?

Hiện nay, VCPMC đã khởi kiện 8 vụ việc xâm phạm quyền tác giả ở lĩnh vực biểu diễn ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Các vụ vi phạm này chủ yếu xảy ra trong năm 2018, trong đó có: Chương trình Khánh Ly “Như một lời chia tay”, ngày 1-9-2018, tại Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng); liveshow “Câu chuyện Bằng Kiều”, ngày 18 và 19-8-2018 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội); liveshow Ưng Hoàng Phúc, ngày 10-3-2018 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội); liveshow “Nhạc tình muôn thuở 6”, ngày 17-6-2018, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội)...

Liveshow của ca sĩ Ưng Hoàng Phúc cũng vi phạm bản quyền âm nhạc.

Các vụ việc đã được khởi kiện một thời gian nhưng đến nay, chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử. Phía VCPMC thừa nhận, “cực chẳng đã” mới phải khởi kiện các công ty, đơn vị tổ chức, bởi thực tế, các vụ kiện đến nay chỉ kéo dài thời gian và gây tốn kém chi phí.

Trước đó, trong một hội thảo về quyền tác giả diễn ra tại Hà Nội, liên quan đến việc bảo vệ bản quyền tác giả, luật sư Quách Minh Trí đưa ra lời khuyên, các chủ thể sáng tạo cần tuyên bố sở hữu đối với những sản phẩm của mình, tức là đi đăng ký bản quyền tác giả ngay khi ra mắt công chúng. Trong các lĩnh vực, cần có hiệp hội và cần xây dựng cơ chế để bảo vệ những hiệp hội bảo vệ quyền tác giả này.

Đạo diễn Việt Tú, người vừa thực hiện vụ kiện tranh chấp bản quyền chương trình thực cảnh “Thuở ấy xứ Đoài” cho rằng, trong tranh chấp bản quyền ở bất cứ lĩnh vực nào, điều cần thiết là phải hiểu đúng pháp luật.

"Việc đi kiện không phải là biện pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề, vì bản thân tôi vừa theo đuổi vụ kiện, khá tốn kém cả về thời gian và vật chất. Các bên liên quan nên ngồi lại với nhau, cùng đối thoại dựa trên cơ sở pháp luật để đưa ra sự thống nhất", đạo diễn Việt Tú bày tỏ.

Hiện nay, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã đầy đủ. Việt Nam cũng đã ký kết và tham gia nhiều công ước quốc tế đa phương và song phương về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, như: Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật; Công ước Brussel về việc phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh; Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng…

Hy vọng, sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan quản lý và ý thức trách nhiệm từ những đơn vị tổ chức biểu diễn, các nghệ sĩ... sẽ góp phần tháo gỡ được nút thắt tồn tại dai dẳng này.

HOÀNG LÂN