0908.326.779 - 0906.362.707
 

Độ ta không độ nàng và tác quyền thời nhanh tay lẹ mắt

15/07/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Độ ta không độ nàng và tác quyền thời nhanh tay lẹ mắt
Khi cơn sốt “Độ ta không độ nàng” chưa giảm nhiệt trên các diễn đàn, thì những ai quan tâm đến ca khúc này lại một phen bất ngờ, vì có một đơn vị đòi thu tác quyền những bản cover.

Một bài hát tiếng Trung vốn chẳng mấy thành công ở ngay nơi nó ra đời, thì tại sao những phiên bản lời Việt lại ồn ào và rắc rối như vậy? Câu chuyện bản quyền “Độ ta không độ nàng” đặt ra nhiều gợi ý thú vị cho giới biểu diễn nước ta.

Không chỉ xuất hiện hơn chục bản hát lại theo ca từ “Độ ta không độ nàng”, bài hát “Độ ngã bất độ tha” của Cô Độc Thi Nhân còn được nhiều người viết lời với những thái độ sáng tạo khác nhau như “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” của Thích Đồng Hoàng hoặc “Từ nay học tu nương đạo vàng” của Thích Nhật Từ.

Thậm chí, tinh thần của mối tình lãng đãng cửa thiền trong bản gốc “Độ ngã bất độ tha” còn được bắt chước để thực hiện video clip cho những ca khúc thuần Việt, ví dụ sản phẩm đĩa đơn “Mơ duyên” của ca sĩ Nguyễn Thu Hằng từng đoạt quán quân Sao Mai dòng nhạc dân gian 2015.

Sự thăng hoa đột ngột của ca khúc “Độ ta không độ nàng” tại Việt Nam, không chỉ khiến công chúng nước ta ngạc nhiên, mà giới âm nhạc Trung Quốc cũng sửng sốt. Bởi lẽ, bản gốc “Độ ngã bất độ tha” chỉ là ca khúc minh họa cho bộ phim truyền hình “Bất phụ Như Lai bất phụ khanh” dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Chương Xuân Di.

Khi bộ phim truyền hình “Bất phụ Như Lai bất phụ khanh” được hãng Đằng Tấn dàn dựng với sự tham gia của các diễn viên Dung Trách, Ngưu Tử Phiên, Dương Đình Đông, A Lệ Á, Châu Nghiên… thì phần lớn khán giả đều nhận định chất lượng thua xa trang sách.

Tất nhiên, bộ phim truyền hình “Bất phụ Như Lai bất phụ khanh” hoàn toàn xa lạ với người Việt, đồng thời tiểu thuyết “Bất phụ Như Lai bất phụ khanh” được NXB Văn Học ấn hành tại nước ta với tên gọi “Không phụ Như Lai không phụ nàng” gồm hai tập, từ tháng 3/2016 đến nay vẫn không phải tác phẩm bán chạy. Cho nên, trong cơn sốt ca khúc “Độ ta không độ nàng” bỗng dưng có tranh chấp bản quyền thì rất đáng buồn cười và rất đáng suy tư!

11-58-01_khong_phu_nhu_li_khong_phu_nng
Tiểu thuyết “Bất phụ Như Lai bất phụ khanh”

Cuối tháng 6/2019, Công ty CP Dịch vụ Bản quyền Việt Nam phát đi văn bản khẳng định họ là đối tác được quản lý bản quyền hợp pháp của tác phẩm “Độ ta không độ nàng”, bao gồm bản quyền tác giả của tác phẩm và bản quyền đối với bản ghi âm gốc của các ca sĩ Trung Quốc.

Đơn vị mới toanh của thị trường âm nhạc trực tuyến này khiến nhiều ca sĩ đang hào hứng cover ca khúc “Độ ta không độ nàng” phải chưng hửng, khi chính thức đề nghị nhanh chóng rà soát, kiểm tra tình trạng khai thác, kinh doanh bản quyền tác phẩm, đồng thời thực hiện đối soát và thanh toán đầy đủ các khoản phí bản quyền, bao gồm phí cố định là 5 triệu đồng/ lần sao chép, sử dụng tác phẩm, và doanh thu đối soát là 33% doanh thu thu được từ sản phẩm được đăng tải.

Phía Công ty CP Dịch vụ Bản quyền Việt Nam chia sẻ đầy vẻ thiện chí: “Chúng tôi hiểu rằng các đơn vị đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin của chủ sở hữu bản quyền “Độ ta không độ nàng” để xin cấp phép và nộp phí bản quyền trước khi sử dụng. Tuy nhiên, hiện tại tác phẩm này thuộc quản lý hợp pháp của các công ty chúng tôi, do vậy mọi hoạt động liên quan tới việc xin phép/cấp phép thu phí bản quyền của tác phẩm sẽ do công ty chúng tôi quản lý hoàn toàn”.

Công ty CP Dịch vụ Bản quyền Việt Nam được cấp phép hoạt động từ tháng 1/2018, người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Huyền Trang. Nghĩa là bề dày hoạt động của đơn vị này chưa có gì đáng kể, và họ đã chọn vấn đề bản quyền ca khúc “Độ ta không độ nàng” để xuất đầu lộ diện với giới làm nghề.

Công ty CP Dịch vụ Bản quyền Việt Nam cho biết họ được chuyển nhượng bản quyền ca khúc “Độ ta không độ nàng” từ cuối tháng 3/2019, nhưng bây giờ mới công bố quyền sở hữu: “Chúng tôi được ủy quyền từ phía tác giả từ hồi tháng 3, tức là khi “Độ ta không độ nàng” chưa hot tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi xử lý vấn đề bản quyền, chúng tôi phải kiểm tra và tính toán kỹ càng”.

Đành rằng, cách hành xử của Công ty CP Bản quyền Việt Nam không phải không tồn tại nghi vấn, nhưng tôn trọng bản quyền ca khúc “Độ ta không độ nàng” là điều cần thiết. Trước yêu cầu đột ngột của Công ty CP Bản quyền Việt Nam, nhiều ca sĩ đã gỡ bản cover khỏi Youtube, xem như kết thúc một cuộc chơi tinh nghịch.

Ca sĩ Anh Duy là người đầu tiên cover “Độ ta không độ nàng” bày tỏ: “Tôi quyết định gỡ bỏ, không mua tác quyền bài hát này, vì cho rằng động cơ của phía công ty là trục lợi, cố tình lợi dụng độ hot để kiếm chác. Nếu họ mua bản quyền ngay từ đầu và công bố rộng rãi, tôi sẵn sàng hợp tác và làm theo đúng luật. Tôi cover bài hát từ hơn hai tháng trước, mục đích chỉ là hát cho vui để tặng bạn bè trước khi nó trở thành hiện tượng. Trong khi bản quyền chỉ vừa được công ty này đăng ký từ mấy ngày trước, vậy nói tôi vi phạm bản quyền của họ liệu có hợp lý?”.

Còn ca sĩ Phương Thanh cho rằng mình hát lại bản gốc “Độ ngã bất độ tha” bằng bản cover “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” chỉ nhằm mục đích truyền bá Phật pháp nên không chịu bất kỳ rằng buộc mang tính thương mại nào.

11-58-01_c_si_phuong_thnh
Ca sĩ Phương Thanh.

Ca sĩ Phương Thanh cũng bức xúc với ý thức cao cả về bản quyền của đơn vị đang sở hữu: “Nếu một bài hát chưa và không ai biết, công ty các bạn mua độc quyền và làm cho nó hot lên được, tôi mới nể trí tuệ, tư duy của các bạn. Còn chờ khi nó đang quá hot nhờ vào rất nhiều nghệ sĩ và ca sĩ trẻ cùng hát thì việc các bạn mua độc quyền rồi kinh doanh chỉ là những kẻ nhanh tay biết trục lợi mà thôi”.

Người duy nhất chấp nhận bản quyền để giữ bản cover “Độ ta không độ nàng” đã đạt gần 20 triệu lượt xem là ca sĩ Khánh Phương. Trước đây, ca sĩ Khánh Phương được biết đến với ca khúc “Chiếc khăn gió ấm”, và sau đó chìm nghỉm cho đến khi ca khúc “Độ ta không độ nàng” ra đời. Vì vậy, ca sĩ Khánh Phương cũng có lý do thỏa đáng để mua bản quyền: “Việc so sánh, phân tích cái nào nên đầu tư và chưa nên đầu tư là việc không lạ với một đơn vị kinh doanh. Chúng ta không thể biết đơn vị đó để mua được bài hát khó khăn hay không và phải bỏ ra bao nhiêu tiền. Nếu đơn vị bỏ ra khoảng 5.000 USD để mua, nhưng khi thông báo bản quyền, tất cả ca sĩ bỏ chạy thì ai sẽ là người thiệt hại.

Chị Phương Thanh có chính kiến và cách nhìn nhận riêng, cá nhân tôi chỉ nêu quan điểm chứ không đả kích, phản bác ai. Tôi nghĩ bài này hot không phải vì nhiều ca sĩ cover mà chính xác nó đã hot từ trước đó. Đó là động lực để nhiều nghệ sĩ cover và càng khiến bài hát nổi tiếng. Miếng bánh béo bở không bao giờ có thể sử dụng miễn phí. Đó là điều tất yếu về bản quyền. Theo tôi, bài hát hot mà thiên hạ đổ xô vào, mỗi người hát mỗi kiểu thì đó mới là vấn đề. Còn việc một đơn vị lên tiếng về bản quyền là điều sớm muộn cũng diễn ra”.

Công ty CP Bản quyền Việt Nam tranh thủ thời điểm để mua bản quyền, cũng không phải chuyện gì đáng chê trách. Kinh doanh thời nhanh tay lẹ mắt, đôi khi yếu tố tài chính được đặt trên yếu tố văn hóa. Xưa nay mua bản quyền cần dựa vào giá trị nghệ thuật, còn đoán trước xu hướng thời thượng để mua bản quyền thì… rất khó tin. Tuy nhiên, đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các nghệ sĩ nước ta vốn thường xem nhẹ bản quyền nước ngoài.

GIA QUAN