0908.326.779 - 0906.362.707
 

Bức xúc tật xấu mượn thơ viết nhạc

07/11/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Bức xúc tật xấu mượn thơ viết nhạc
"Mượn” thơ để viết thành bài hát hoàn chỉnh đứng tên tác giả - tác phẩm độc lập là thực trạng giới làm nghề, công chúng thời gian qua rất bức xúc.

Gần đây, nhạc trẻ Việt lại tiếp tục dậy sóng khi một số ca sĩ, nhạc sĩ trẻ sử dụng thơ của người khác để viết ca khúc ăn khách nhưng không xin phép tác giả.

Chuyện thường ngày

Gần đây, việc ca sĩ Quách Beem (tên thật Đoàn Đức Đông) bị tố sử dụng bài thơ Gánh mẹ của ông Trương Minh Nhật để viết ca khúc cùng tên nhận được sự quan tâm của dư luận. Bởi năm 2018, MV Gánh mẹ đã được ca sĩ trình làng, thu hút hàng chục triệu lượt xem, khán giả yêu thích bởi ca từ mộc mạc, xúc động về tình mẫu tử. Gần đây, bản nhạc này cũng được sử dụng trong phim Lật mặt 4: Nhà có khách của đạo diễn Lý Hải. Tuy nhiên, lúc ca khúc Gánh mẹ đang tạo nên cơn sốt trong cộng đồng thì ông Trương Minh Nhật lên tiếng cho biết, lời của bài hát này chính là bài thơ ông đã sáng tác từ năm 2014 để tặng người mẹ kính yêu của mình. Bài thơ này đã được ông Nhật đăng rộng rãi trên mạng xã hội và được nhiều người đọc yêu thích.

buc-xuc-tat-xau-muon-tho-viet-nhac-1

Ca sĩ Quách Beem gần đây làm nhiều người bức xúc vì bị tố “mượn” bài thơ Gánh mẹ của tác giả khác để viết ca khúc cùng tên.

 

Trước việc ca sĩ Quách Beem dùng lời thơ để viết nhạc nhưng không xin phép, tác giả Trương Minh Nhật đã nhiều lần liên lạc với nam ca sĩ để làm rõ trắng đen, tuy nhiên phía nam ca sĩ không có thiện chí. Không những thế, Quách Beem còn tố ông Nhật phát ngôn sai sự thật, nam ca sĩ đăng bức ảnh chụp lại giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả ca khúc Gánh mẹ. Điều đáng nói, ca sĩ Quách Beem nói viết ca khúc Gánh mẹ từ 2013, nhưng theo kết quả từ hệ thống tra cứu niên giám tại website Cục Bản quyền tác giả thì tác phẩm Gánh mẹ mới chỉ đăng ký 26/3/2019. Điều này cho thấy nam ca sĩ đang “giấu đầu hở đuôi” và cố tình “chôm” chất xám của người khác. Theo ông Trương Minh Nhật, gần đây, phía nam ca sĩ Quách Beem muốn hợp tác với ông trong sản phẩm âm nhạc có tên đầy đủ Gánh mẹ 2 để tránh việc bị cho là đạo thơ của ca khúc Gánh mẹ nhưng ông Nhật chưa đồng ý.

Thực tế, việc “mượn” thơ người khác để viết ca khúc cho riêng mình không còn hiếm gặp, đặc biệt là ở những ca sĩ, nhạc sĩ trẻ nước ta. Dư luận từng bức xúc khi ca sĩ Phạm Hồng Phước đạo thơ để viết ca khúc Khi chúng ta già. Khi ra mắt, ca khúc này được nhiều người yêu thích vì ca từ giản dị, gần gũi và phần nhạc cuốn hút. Nhưng sau đó, khán giả phát hiện Khi chúng ta già của Phạm Hồng Phước đạo bài thơ cùng tên của tác giả Nguyễn Thị Việt Hà. Ngay sau đó, nam ca sĩ đã gửi lời xin lỗi tác giả và người hâm mộ, đồng thời ghi rõ ca khúc được phổ từ bài thơ cùng tên của Nguyễn Thị Việt Hà và trả phí tác quyền cho nhà thơ.

Đầu 2019, làng nhạc trẻ cũng dậy sóng khi ca khúc của Tình nhân ơi của ca sĩ Châu Đăng Khoa đạo thơ của tác giả Linh Linh trong cuốn Những nỗi buồn không tên. Cụ thể, bài thơ có đoạn viết: “Ngủ đi em đừng lo chuyện ngày mai/ Ai của ai, chẳng còn quan trọng nữa/ Tình yêu, suy cho cùng, cũng là một lời hứa/ Nên lắm người quên, em nhớ để làm gì?” thì ở Tình nhân ơi là: “Hãy ngủ đi em/ Lo làm gì chuyện của sớm mai/  Ai của riêng ai chẳng quan trọng nữa/ Tình yêu đến cuối cùng cũng chỉ là một lời hứa thôi/ Ai cũng quên rồi sao em nhớ?”. Trước những bằng chứng không thể chối cãi, ca sĩ Châu Đăng Khoa xin lỗi nhà thơ Linh Linh vì “không tìm hiểu kỹ”, “chẳng biết em để mà xin phép”. Tuy nhiên sau cùng, Châu Đăng Khoa đã phải trả tiền tác quyền cho tác giả Linh Linh và sự việc lùm xùm trong làng nhạc trẻ này sau đó mới lắng xuống.

Cần có ý thức và sự chuyên nghiệp

Nhiều ý kiến cho rằng, trường hợp có hai người cùng tuyên bố quyền tác giả của mình đối với một tác phẩm (không phải trong trường hợp đồng sáng tạo) thì phải chứng minh được quá trình họ đã lao động sáng tạo nên tác phẩm đó nhưng lợi thế sẽ thuộc về người chứng minh được thời điểm mình công bố tác phẩm sớm hơn. Tuy nhiên, việc đạo thơ như các trường hợp kể trên trong thời buổi công nghệ số, mạng xã hội phát triển như hiện nay rất khó để che đậy. Thực tế ở các trường hợp trên cho thấy, các tác giả thơ là người luôn có đủ bằng chứng chứng minh tác phẩm ra đời trước bài hát, ca khúc có phần lời như “anh em sinh đôi”.

Điều khán giả quan tâm hơn cả chính là ý thức và cách ứng xử của các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ trước những sự việc mà họ phải đối mặt. Có thể thấy, ca sĩ Quách Beem, Châu Đăng Khoa, Phạm Hồng Phước khi vướng nghi án đạo thơ sang nhạc, ban đầu họ đều có thái độ, hành động phủ nhận, đưa ra lời giải thích không biết chủ nhân bài thơ, đoạn văn mà họ đã lấy để viết lên những bản nhạc là ai. Chỉ khi mọi chuyện rõ ràng, bức xúc trong dư luận lên cao trào thì các ca sĩ trẻ này mới nhận ra cái sai và có công thức chung là để khắc phục hậu quả: xin lỗi - trả tiền tác quyền.

Vì vậy, dù vì lý do là gì thì hành động đạo thơ làm nhạc và cách ứng xử của các ca sĩ thời gian gần đây cho thấy cách làm việc thiếu chuyên nghiệp. Nếu không có thực tài hoặc đánh cắp sản phẩm tinh thần của người khác, thì con đường nghệ thuật của ca sĩ nói riêng, nghệ sĩ nói chung khó lâu bền và tạo được chỗ đứng với công chúng.

Mai Kiên