Cuối tuần vừa qua, nhiều địa phương đã tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam năm 2019 - được tổ chức theo Quyết định số 248/QĐ-TTg, ngày 24-2-2014, của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam
Hoạt động này nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc
sách trong cộng đồng; tôn vinh giá trị của sách; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách…
Đó cũng là cách làm thiết thực nhằm hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới (ngày 23-4) - do UNESCO lựa chọn, đưa ra quyết định tại kỳ họp lần thứ 28 - năm 1995 của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm tôn vinh văn hóa đọc, thúc đẩy thái độ tôn trọng
bản quyền tác giả trên phạm vi toàn thế giới.
Viện dẫn những quyết định quan trọng nói trên là để nhấn mạnh về hai nội dung lớn, không thể thiếu khi tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21-4, Ngày sách và bản quyền thế giới 23-4: Vấn đề văn hóa đọc và bảo vệ tác quyền; người đọc và tác giả. Liên hệ với thực tế diễn ra tại Hà Nội trong những ngày vừa qua, trong số các hoạt động quan trọng như chương trình khai mạc Ngày sách Việt Nam năm 2019, chương trình Hội sách Việt Nam lần thứ 6 (do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Công viên Thống nhất từ ngày 18-4), chương trình Ngày hội sách năm 2019 do Thư viện Quốc gia tổ chức, khai mạc sáng 19-4)…, dễ thấy các đơn vị tổ chức sự kiện đã dành sự chú ý nhiều hơn cho việc quảng bá sách và văn hóa đọc.
Việc thiếu vắng những hoạt động thiết thực như hội thảo, tọa đàm, giao lưu tác giả/bạn đọc về bản quyền trong một loạt hoạt động liên quan tới sách và văn hóa đọc được tổ chức với quy mô lớn, diễn ra trong nhiều ngày là điều đáng tiếc, nhất là khi chúng ta đã bàn rất nhiều về thực trạng bảo vệ bản quyền còn nhiều hạn chế như hiện nay, vị thế ngày càng quan trọng của sách điện tử, chương trình và mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam trong thời gian tới…
Sách - tri thức, văn hóa đọc, chất lượng đọc và vấn đề bản quyền có mối liên hệ mật thiết với nhau. Không có sách thì không có tri thức. Những cuốn sách tồi không giúp người đọc mở mang trí tuệ và ý tưởng sáng tạo những tác phẩm lớn không dễ hình thành khi tác giả luôn bận rộn với nỗi lo liên quan đến quyền và lợi ích…
Đảng, Nhà nước thấy rõ điều này, đã có định hướng quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan, thể hiện qua việc tổ chức xây dựng và ban hành Luật
Sở hữu trí tuệ (2005), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (2009); ký tham gia các công ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan như Công ước Berne, Công ước Geneva, Công ước Brussels…
Ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó khẳng định “phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ…”. Quan điểm định hướng đó mang tính nhất quán, đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược về phát triển văn hóa nói chung, văn hóa đọc nói riêng cũng như tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền
sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, thành tựu công nghệ và sự hiện diện của internet tạo cơ hội cho tất cả mọi người được tiếp cận, hưởng thụ, lưu giữ và chia sẻ sản phẩm công nghiệp văn hóa, trong đó có các xuất bản phẩm, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn hơn, “nóng” hơn đối với công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Những hạn chế trong công tác bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan trong giai đoạn vừa qua do nhiều nguyên nhân, không chỉ liên quan đến hệ thống văn bản pháp luật, ý thức tự bảo vệ của tác giả thông qua việc đăng ký bản quyền, thói quen mua/kinh doanh sách lậu, mà còn do công tác tuyên truyền về quyền tác giả và quyền liên quan chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Đó là điều cần thay đổi.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức chung về quyền tác giả, về nghĩa vụ tham gia vào công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là phần việc đòi hỏi thời gian, khả năng tận dụng tối đa các kênh thông tin, tuyên truyền một cách hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, ngoài các hoạt động cổ vũ văn hóa đọc, giới thiệu tác giả, tác phẩm tiêu biểu, giới thiệu kỹ năng đọc và lựa chọn sách phù hợp…, Ngày sách Việt Nam, Ngày sách và bản quyền thế giới phải là nơi gặp gỡ của tác giả, người đọc, cơ quan quản lý văn hóa trong mối quan tâm chung về vấn đề bản quyền.
Đó là nơi chia sẻ vướng mắc về điều kiện xuất bản, điều kiện thực thi chính sách về bản quyền, về tính hợp pháp của mỗi xuất bản phẩm mà bạn đọc tiếp cận, trên cơ sở đó thúc đẩy sự hình thành ý thức chung tay bảo vệ quyền tác giả, chống lại hành vi phi pháp trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành