Mỹ Tâm đã sai khi hát ca khúc nhạc ngoại lời Việt mà không xin phép nhạc sĩ viết lời Việt nhưng nhiều người cũng đặt ra câu hỏi: Liệu nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng có sai khi viết lời Việt mà không xin phép tác giả nước ngoài?
Sau sự việc ca sĩ Mỹ Tâm bị nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng "tố" vi phạm bản quyền khi hát ca khúc ông viết lời Việt mà không xin phéo, mới đây, nữ ca sĩ đã đăng một đoạn video trên fanpage để xin lỗi vị nhạc sĩ đồng thời cho biết thêm, vì nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng không đồng ý cho cô tiếp tục sử dụng phiên bản ca khúc "Anh thì không" trong khi khán giả rất thích MV này nên Mỹ Tâm đã nhờ nhạc sĩ khác sáng tác lời nhạc Việt mới.
Bình luận về "sự cố" đáng tiếc của "họa mi tóc nâu", Tiến sĩ - Nhạc sĩ Phạm Việt Long chia sẻ: "Việc ca sĩ Mỹ Tâm nhận sai, xin lỗi nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng khi hát ca khúc "Anh thì không" mà không xin phép tác giả phần lời, đã thể hiện sự nghiêm túc của cô. Tuy vậy, cũng có ý kiến thắc mắc là nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đã xin phép và được sự đồng ý của các tác giả nước ngoài, trong đó có tác giả ca khúc "Anh thì không" khi đặt lời Việt cho các ca khúc ấy chưa?
Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ, đây là điều hết sức quan trọng. Mong nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng giải đáp thắc mắc này! Tôi đã nghe một số ca khúc nước ngoài được đặt lời Việt, thì thấy việc đặt lời rất tùy tiện, thậm chí có bài mà lời thì phản lại lời của ca khúc gốc, làm mất giá trì của ca khúc đó".
Mỹ Tâm trong MV "Anh thì không"
Về phía nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, ông cho rằng, theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009, đối với các ca khúc nhạc nước ngoài được phổ thành lời Việt thì ca khúc lời Việt nhạc nước ngoài đó gọi là '"tác phẩm tái sinh".
Tác giả của tác phẩm tái sinh đó có quyền sở hữu trí tuệ bao gồm cả quyền nhân thân và tài sản đối với các tác phẩm tái sinh đó. Như thế đồng nghĩa với câu chuyện ai sử dụng "tác phẩm tái sinh" cũng phải xin phép, thực hiện nghĩa vụ tác quyền theo luật với tác giả viết lời Việt.
Qua tìm hiểu, hiện nay, câu chuyện về bản quyền tác phẩm dành cho những ca khúc nhạc ngoại lời Việt vẫn chưa ngã ngũ và được phân định rõ ràng. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc dẫn chứng thêm, với nhạc nước ngoài có 3 loại dịch: Dịch lời, bám sát nội dung nguyên bản; Phỏng dịch, không dịch sát nhưng vẫn đảm bảo nội dung; Đặt lời mới, "chế" lời hoàn toàn khác với nguyên bản.
Tuy nhiên, việc nhạc sĩ viết lời mới cần xin phép tác giả của tác phẩm nguyên bản không phải lúc nào cũng thực hiện được. Chẳng hạn, có những ca khúc nổi tiếng mà tác giả đã qua đời, trên thế giới tồn tại nhiều phiên bản của các quốc gia khác thì gần như chuyện bản quyền không kiểm soát được.
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng (giữa) là người viết lời Việt cho nhiều ca khúc nhạc ngoại
Chia sẻ về câu chuyện bản quyền, nhiều luật sư nhận định, tuỳ mỗi nước sẽ có luật tác quyền riêng dựa trên sự xem xét yếu tố thời gian, thời điểm sáng tác bài nhạc đó, tác giả có đăng ký tác quyền không, luật tác quyền vào thời điểm ấy thế nào. Hiện tại có ai kiện tụng tranh chấp không.
Ví dụ, ca khúc "Besame mucho" (tạm dịch: Hôn em thật nhiều) được Consuelo Velázquez sáng tác năm 1940 cho đến nay đã phổ biến khắp thế giới bằng trăm thứ tiếng. Mỗi người dịch có thể giữ tác quyền riêng và chưa thấy tác giả nguyên bản lên tiếng đòi tác quyền hoặc tranh chấp tác quyền.
Bởi thế, nếu tác giả nguyên bản bài "Anh thì không" không đăng ký tác quyền vào thời điểm sáng tác, hoặc không tranh chấp, không ý kiến về việc nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng dịch lời Việt thì vị nhạc sĩ này đương nhiên giữ copyright về phần tiếng Việt. Ngược lại, nhạc sĩ Phạm Duy trong quá trình viết lời Việt cho một số ca khúc nhạc ngoại đã không đăng kí bản quyền thành công bởi một số điều khoản chặt chẽ trong luật bản quyền ở quốc gia ấy.
Trừ động thái lên tiếng hơi muộn, có lẽ cách xử lý lùm xùm của Mỹ Tâm khá hài hòa. Trong video chia sẻ trên fanpage, cô cho biết, ngay sau khi bị "tố" đã liên hệ ngay với nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng nhưng chưa thể có cuộc gặp gỡ vì nhạc sĩ bận công việc. Ngoài lời xin lỗi, hứa không sử dụng ca khúc "Anh thì không", Mỹ Tâm chọn cách tìm nhạc sĩ khác viết phiên bản tiếng Việt khác.