0908.326.779 - 0906.362.707
 

Vẫn còn tình trạng xài nhạc “chùa”

13/02/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Vẫn còn tình trạng xài nhạc “chùa”
Tính đến nay, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - chi nhánh phía Nam, đã có 13 năm hoạt động. Tiền tác quyền thu hàng năm đều tăng đáng kể và các tác giả ngày càng tìm đến với trung tâm nhiều hơn
Để công việc giám sát, thực hiện việc thu - chi tiền tác quyền được sâu sát hơn, ngoài trụ sở chính đặt tại TPHCM, VCPMC - chi nhánh phía Nam, đã mở thêm nhiều văn phòng đại diện tại các tỉnh thành khác. Ngoài văn phòng đại diện tại Đà Nẵng, Tây Nguyên, tới đây VCPMC - chi nhánh phía Nam sẽ có thêm văn phòng tại miền Tây Nam bộ.

Kiên quyết đòi tác quyền
 
Giờ đây, sẽ khó có đơn vị, tổ chức nào “lọt lưới” tác quyền âm nhạc. Việc phối hợp chặt chẽ với Bộ TT-TT, Sở VH-TT TPHCM, Cục Bản quyền đã giúp VCPMC - chi nhánh phía Nam thực hiện tốt việc thu phí bản quyền ở những đơn vị, tổ chức như: các đài phát thanh - truyền hình, website, ứng dụng nhạc, rạp chiếu phim, quảng cáo, nhạc phim, quán cà phê, giải khát, siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM), cửa hàng, trung tâm chăm sóc sức khỏe... Trong năm 2016, tổng số hợp đồng của tất cả các lĩnh vực sử dụng âm nhạc mà VCPMC đã ký là 3.328 hợp đồng, tương ứng với số tiền thu được là hơn 52 tỷ đồng, vượt 12,8% so với chỉ tiêu. Trong đó có gần 8 tỷ đồng thu từ lĩnh vực website, ứng dụng nhạc (tăng 87% so với năm 2015); siêu thị, TTTM, cửa hàng thu hơn 3 tỷ đồng (tăng 20%); trung tâm chăm sóc sức khỏe thu gần 400 triệu đồng (tăng 96%); nhạc chuông, nhạc chờ, download thu hơn 1 tỷ đồng (tăng 62%)... Số tiền mà VCPMC chi trả cho các tác giả (cả nhạc Việt Nam và quốc tế) là gần 35 tỷ đồng.
 
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Phó Giám đốc VCPMC, Giám đốc VCPMC - chi nhánh phía Nam cho biết: “Những năm qua, VCPMC - chi nhánh phía Nam mất nhiều tỷ đồng tiền tác quyền biểu diễn sân khấu, do vướng Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL quy định chỉ cần các đơn vị tổ chức biểu diễn có “Đơn cam kết số 14” với Sở VH-TT là có thể được cấp phép, thay vì phải đóng tiền phí bản quyền. Nhưng sau khi chương trình kết thúc, các đơn vị tổ chức không chịu đóng tiền tác quyền vì báo lỗ vốn hoặc bỏ công ty cũ, thành lập công ty mới để trốn không phải đóng phí tác quyền”.
 
Hiện VCPMC - chi nhánh phía Nam đang tiến hành hồ sơ để khởi kiện một số trường hợp tổ chức, cá nhân lợi dụng mẫu “Đơn cam kết số 14” khi đăng ký tổ chức biểu diễn, phát hành băng đĩa nhạc để né tránh việc xin phép, trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả, như: Công ty Phong Việt, Công ty TNHH Cổng Ý Tưởng, Chương trình “Độc & Đẹp 52”, Công ty CP Công nghệ và Tầm nhìn Yêu âm nhạc, Công ty TNHH Giải trí Đồng Dao với liveshow Khánh Ly tổ chức vào ngày 2-12-2016 tại Nhà thi đấu Quân khu 7.
 
Thông tin mới nhất mà nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết: “Ngay sau Tết Đinh Dậu, đại diện của Phòng trà Đồng Dao đã lên trung tâm làm việc, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa giải quyết được vì phía nhà tổ chức còn kỳ kèo giá cả vì cho rằng chương trình lỗ vốn. Còn đối với các đơn vị khác, trung tâm sẽ lần lượt làm việc tới nơi tới chốn, nhưng vẫn trên tinh thần hợp tác êm đẹp. Riêng với trường hợp các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trung tâm đã được gia đình nhạc sĩ (đủ 7 thành viên) ký ủy thác từ lâu, nên các cá nhân, đơn vị nào khi sử dụng, không thể viện bất cứ lý do gì để trốn tránh việc thực thi tác quyền”.

Tín hiệu lạc quan
 
Khi các tác giả âm nhạc nhận thấy VCPMC mang lại quyền lợi, nguồn thu đáng kể về tác quyền, đã tự tìm đến để ủy quyền cho VCPMC.  Đến nay, tổng số thành viên đã ủy quyền tại VCPMC - chi nhánh phía Nam là 2.326 tác giả, trên tổng số 3.550 tác giả trong cả nước và hải ngoại. Đặc biệt năm qua, nhiều tác giả đã hủy bỏ nhiều hợp đồng đã ký trực tiếp với các tổ chức, cá nhân khác để chuyển về VCPMC. Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, năm 2017 chắc chắn sẽ hạn chế được việc thất thu tác quyền, khi Bộ TT-TT và Cục Bản quyền có văn bản yêu cầu các cơ quan quản lý, các đơn vị, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải thực thi nghiêm túc Thông tư số 10/2016/TT-BVHTTDL. Đây là thông tư sẽ thay thế cho Thông tư 01, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Theo đó, các tổ chức, cá nhân khi tổ chức biểu diễn phải đóng đủ tiền tác quyền tác giả âm nhạc mới được cấp phép biểu diễn (bỏ Đơn cam kết).
 
“Các đơn vị cá nhân sẽ chấp hành tốt hơn, chứ không còn lợi dụng Đơn cam kết, sau đó trốn luôn hoặc kỳ kèo tiền tác quyền với lý do lỗ vốn” - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết. Mặt khác, trung tâm cũng sẽ thành lập một quỹ đặc biệt, nhằm hỗ trợ những tác giả có bệnh hiểm nghèo, không nơi nương tựa. “Cuối năm 2016, trung tâm đã ủng hộ cho một số tác giả đang gặp khó khăn vì chữa trị bệnh nan y. Chúng tôi quyết định năm 2017 sẽ thành lập một quỹ đặc biệt để kịp thời chủ động ứng biến giúp đỡ các tác giả có hoàn cảnh khó khăn tương tự”.
 
Giờ đây, né tránh và trì hoãn trả tác quyền âm nhạc xem ra khó thực hiện và khó mà “lờ” đi được. Thời “xài nhạc chùa” chả mấy chốc sẽ được xóa bỏ, từ trong suy nghĩ.
NHƯ HOA