0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nhiều lỗ hổng trong hệ thống pháp luật về bản quyền

20/04/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Nhiều lỗ hổng trong hệ thống pháp luật về bản quyền
Sau vụ việc 5 bài hát, trong đó có bài “Con đường xưa em đi” bị cấm lưu hành vì lý do vi phạm bản quyền, dễ nhận thấy rằng hiện có lỗ hổng trong hệ thống các quy định pháp luật về bản quyền. Bên cạnh đó, nhận thức của hầu hết người chủ sở hữu quyền cũng còn hạn chế

Thời gian qua, do nhận thức về pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chưa đầy đủ nên hầu hết các chủ sở hữu không nắm được đâu là đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Họ thường lầm tưởng bản quyền là logo, bài hát, câu chuyện... phải đi đăng ký mới được bảo hộ.

Chủ sở hữu quyền không biết mình có quyền gì?!

Xuất phát từ suy nghĩ này nên khi người khác có hành vi xâm phạm như sao chép, phân phối tác phẩm thì chủ sở hữu thường bỏ qua do nghĩ rằng tác phẩm của mình chưa được bảo hộ. Điều này là không đúng bởi Luật Sở hữu trí tuệ cho phép các tác phẩm được tự động bảo hộ khi đã thể hiện dưới một hình thái nhất định mà không cần phải được  cơ quan Nhà nước cấp phép. 

Cũng do nguyên nhân trên nên khi có hành vi xâm phạm, chủ sở hữu quyền thường không biết tự bảo vệ mình như thế nào, phản ánh đến đâu? Liên quan đến vấn đề này, luật sư Phạm Duy Khương – Giám đốc Công  ty Luật SBLAW cho rằng, vừa qua Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) - Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã kết luận một số bài hát, trong đó có bài “Con đường xưa em đi” có hiện tượng “không khớp ca từ so với bản gốc” nên vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan được đưa ra sau quá trình thẩm định, đánh giá của Hội đồng nghệ thuật thuộc Cục NTBD.

Tuy nhiên, theo Điều 200 của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định về thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT thì “trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, UBND các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT”. Như vậy, Cục NTBD không phải là đơn vị có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT. Mặt khác, Luật SHTT cũng quy định chỉ chủ sở hữu mới có quyền yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành xử lý vi phạm bản quyền. 

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù Cục trưởng Cục NTBD đã ký văn bản thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc, trong đó có bài hát “Con đường xưa em đi”, song việc dừng lưu hành các ca khúc những ngày qua đã ảnh hưởng đến thời gian lưu hành sản phẩm và có thể gây thiệt hại về kinh tế đối với chủ sở hữu của tác phẩm. 

Chấm dứt thói quen “xài chùa”

Luật sư Phạm Duy Khương còn cho biết, cũng trong lĩnh vực âm nhạc, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến đạo nhạc nhưng không có cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý, không ca sỹ nào bị xử phạt, bởi đây là những tranh chấp về dân sự, cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi có đề nghị của chủ thể quyền hoặc người được ủy quyền. Trong khi đó, hiện vẫn có không ít cơ quan có trách nhiệm thực thi quyền về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là ở địa phương, chưa nắm được luật này, dẫn đến nhiều vụ việc cơ quan chức năng xử lý vượt thẩm quyền. Đặc biệt trong một số trường hợp, đơn vị xử lý áp dụng văn bản đã hết hiệu lực. 

Đáng lo ngại ở chỗ, bên cạnh việc nhiều người không yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền do không nắm được quyền hạn của mình đến đâu thì vẫn còn một số người dù nhận thức được quyền bị xâm phạm nhưng không đấu tranh đến cùng. Trường hợp theo đuổi vụ việc đến cùng như của tác giả ca khúc “Điều em muốn nói” khi thấy ca sỹ Mờ Naive xâm phạm quyền bài hát là trường hợp hiếm gặp trong xử lý vi phạm bản quyền tại Việt Nam. Hầu hết các vụ tranh chấp về bản quyền sau một thời gian ngắn ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông đều nhanh chóng rơi vào im lặng.

Một phần vì do hai bên đã đạt được thỏa thuận, một phần do bên vi phạm đã… xin lỗi. “Theo tôi, điều quan trọng là cần phải thay đổi nhận thức đối với mọi người, rằng bản quyền là tài sản sở hữu trí tuệ, là công sức của sự lao động sáng tạo. Vì vậy, ngoài yếu tố danh sự, uy tín, các tác giả, chủ sở hữu cần lên tiếng bảo vệ quyền tài sản, vật chất của mình” - luật sư Phạm Duy Khương nhấn mạnh.

Có thể nói, hiện nay,  nạn “xài chùa” bản quyền đã trở thành một thói quen trong xã hội. Để giải quyết triệt để tình trạng này thì một chế tài đủ tính răn đe và một quyết tâm đi đến cùng vụ việc mới là giải pháp hữu hiệu

ANTD.VN