0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nâng cao năng lực quản lý và thực thi quyền tác giả

27/02/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Nâng cao năng lực quản lý và thực thi quyền tác giả
Ngày 20-1-2017 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Quyết định này đặt ra nhiều kỳ vọng tạo chuyển biến, thúc đẩy sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học... có giá trị phục vụ công chúng và đất nước

Bản quyền: Đụng đâu vi phạm đó

Câu chuyện 17 bức tranh giả bị phát hiện từ cuộc trưng bày “Những bức tranh trở về từ châu Âu” của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, hay bức tranh được cho là của danh họa Bùi Xuân Phái bán trong buổi đấu giá từ thiện với mức 102.000USD (hơn 2 tỷ đồng), bị họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai ông kết luận là làm giả tác phẩm của cha mình vào những tháng cuối của năm 2016, đã khiến công chúng và người trong giới đi từ ngỡ ngàng đến hoang mang. Họa sĩ Thành Chương bức xúc, ông cũng là một trong những nạn nhân khi bức tranh của mình bị làm giả treo trong cuộc trưng bày của nhà sưu tập: “Thấy đồ của mình bị tráo tên, làm giả tôi phải có trách nhiệm thông báo với mọi người đó là hàng giả. Tôi nhìn thấy người ta làm hàng giả sáng tạo của mình, nhưng tôi không thể bắt được họ, vậy tôi đã chứng thực bằng cách đưa ra tác phẩm gốc mà mình sáng tạo, tôi làm đơn tố cáo tới công an và các đơn vị có liên quan… nhưng đến nay vụ việc hoàn toàn rơi vào im lặng”.

 

Hội sách luôn được đông đảo độc giả lựa chọn bởi được mua sách thật của các Nhà xuất bản trực tiếp phát hành. Ảnh: VIỆT LAM 
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, họa sĩ, NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho hay, bản thân ông làm công tác lãnh đạo, bên cạnh đó cũng luôn có những sáng tác điêu khắc để đưa ra giới thiệu tới công chúng. Tới đây ông có dự định triển lãm những tác phẩm điêu khắc của mình, nhưng ông canh cánh nỗi lo, liệu khi tác phẩm của mình đưa ra trưng bày có bị làm giả, làm nhái không? Ông nói: “Tôi đi công tác ở nhiều quốc gia, thấy họ làm mô hình tháp Eiffel, tượng Nữ thần Tự do… bày bán tràn lan trong các quầy hàng lưu niệm, trong khi được biết là những công trình này đều có đăng ký bản quyền tác giả. Vậy làm các sản phẩm đó có phải trả tiền bản quyền không? Trong trường hợp tới đây ở Việt Nam có các sản phẩm mô hình như cầu Long Biên bày bán thì có phải xin phép bản quyền? Đơn vị nào sẽ cấp? Hay các tổ chức, cá nhân muốn bán thì cứ làm, thu lợi nhuận?”.

 

Vi phạm bản quyền, tự do sử dụng những sáng tạo của các tập thể, cá nhân ở hầu hết các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng… mà như lời của nhà văn Nguyễn Văn Thọ đang trở thành “vấn nạn” ở Việt Nam hiện nay, vô hình trung đã làm thiệt hại nặng nề đến sức sáng tạo, kinh tế cũng như giảm giá trị hình ảnh của một quốc gia, nếu trong trường hợp những tác phẩm đó là kiệt tác, hay công trình mang đậm dấu ấn sáng tạo trong thời kỳ đất nước phát triển, hội nhập. Đụng đến lĩnh vực sáng tạo nào, thấy vi phạm bản quyền ở lĩnh vực đó. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News-Trí Việt không khỏi buồn lòng khi chia sẻ, đến giờ First News vẫn là kẻ cô độc trên con đường đòi quyền lợi cho các NXB, các tác giả và cả người đọc khi có những cuốn sách vừa mới in ấn, phát hành hôm trước thì lập tức hôm sau đã có hàng nghìn, hàng triệu cuốn sách in lậu, bày bán tràn lan; thậm chí không ít các cửa hàng sách, đơn vị phát hành sách công lập cũng đang tiếp tay cho những vi phạm này bởi lợi nhuận từ các đơn vị xuất bản lậu chia cho khá hậu hĩnh.

Phải tạo dựng thị trường lành mạnh

Cho đến nay, Việt Nam đã bước sang năm thứ 13 gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Phải nhìn nhận khách quan rằng, việc gia nhập công ước này đã góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi về quyền tác giả, quyền liên quan theo hướng tích cực hơn. Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, sau thời gian hơn 10 năm gặp không biết bao khó khăn, khổ cực, thậm chí bị xua đuổi, thì đến nay VCPMC đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của nhiều cơ quan quản lý nhà nước từ các cơ quan cấp bộ đến địa phương; bên cạnh đó, nhiều tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đã tin tưởng ủy thác cho Trung tâm đại diện khai thác và bảo vệ tác phẩm âm nhạc. Năm 2016 vừa qua các tác giả đã phối hợp chặt chẽ với VCPMC để tìm hiểu đầy đủ hơn các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, thực hiện đúng hơn các nội dung ủy thác quyền theo hợp đồng. Kết quả, đó là số tiền tác quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc đã trừ thuế thu được năm 2016 là gần 73 tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm 2015.

Tất cả sáng tạo dù ở lĩnh vực nào cũng cần được bảo hộ. Để nó đi vào cuộc sống, theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH, TT&DL), cần sự nỗ lực lớn, mà điều trước tiên phải là nhận thức của toàn xã hội về quyền tác giả và sở hữu trí tuệ. Thời gian qua, các tổ chức bảo vệ bản quyền tác giả, quyền liên quan đi vào hoạt động và đã có những kết quả đáng kể, quyền tác giả đã được thực thi. Tuy vậy, hệ thống tổ chức đại diện tập thể tác quyền ở Việt Nam đến nay chưa đầy đủ, mới có 5 lĩnh vực: Âm nhạc, văn học, sao chép, ghi âm và nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc. Một số tổ chức chưa đủ mạnh và chuyên nghiệp, chưa thể hiện đầy đủ tính công khai, minh bạch…

Việc 3 tổ chức đại diện tập thể tác quyền, gồm VCPMC, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam ký kết văn bản phối hợp tại Hội nghị “Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan”, do Cục Bản quyền tác giả tổ chức ngày 24-2, được Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Vương Duy Biên đánh giá là bước tiến mới trong việc thực thi sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền tác giả. Cũng trong hội nghị này, sự xuất hiện của lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam cùng thông tin lĩnh vực nghệ thuật thứ 7 này đang đẩy nhanh tiến độ cho việc ra đời trung tâm bảo vệ quyền tác giả điện ảnh được mọi người hoan nghênh. Ông Vương Duy Biên cũng nhấn mạnh: Đề án “Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với việc phân bổ rõ trách nhiệm của các tổ chức thực hiện, gồm: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và Bộ Công an. Đây sẽ là động lực thúc đẩy sức sáng tạo, sức cống hiến của các tác giả; đồng thời tạo hành lang pháp lý để các cấp quản lý, cơ quan chức năng, các đơn vị đại diện quyền tập thể thực hiện hiệu quả các mặt trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả

VƯƠNG HÀ