Các mặt hàng thực phẩm sản xuất tại TPHCM muốn lưu thông trên thị trường sẽ phải dán nhãn. Đây là giải pháp được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả trong việc truy xuất nguồn gốc, xử lý những đơn vị cố tình sản xuất thực phẩm kém chất lượng
Đã dán nhãn cho rau – củ - quả
Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM đã triển khai thí điểm giải pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua việc dán nhãn cho các mặt hàng rau – củ - quả do 168 hộ dân thuộc 2 hợp tác xã trên địa bàn huyện Củ Chi và Bình Chánh sản xuất.
Rau - củ - quả sản xuất trên địa bàn thành phố bước đầu được dán nhãn truy xuất nguồn gốc
Căn cứ theo những thông số mã vạch của tem dán trên bao bì, cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng chỉ cần quét mã code trên điện thoại thông minh sẽ xác định được nguồn gốc đến tận hộ sản xuất, nuôi trồng với các thông tin chi tiết về quy trình từ gieo hạt đến bón phân, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, dán tem…
Tổng kết sơ bộ sau 3 tháng thí điểm cho thấy, trung bình mỗi ngày 2 hợp tác xã trên cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn rau - củ - quả (chủ yếu bán tại siêu thị) các mặt hàng được kiểm soát tốt về nguồn gốc, chưa ghi nhận những sai phạm liên quan đến chất lượng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, số lượng thực phẩm được dán nhãn nếu so với khối lượng tiêu thụ thực phẩm hàng ngày của 13 triệu dân trên toàn thành phố thì mới chỉ là con số rất nhỏ. Với mục tiêu kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm ở quy mô lớn hơn, sắp tới Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ mở rộng quy mô dán nhãn truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng thiết yếu khác từ gia súc, gia cầm tại các doanh nghiệp, trang trại trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Thương mại Sở Công thương TPHCM thì mỗi ngày thành phố phải nhập từ nước ngoài và từ các tỉnh thành khác khoảng 70% đến 80% tổng khối lượng thực phẩm để phục vụ cho thị trường. Vì vậy, nếu thành phố nỗ lực kiểm soát được triệt để các mặt hàng được sản xuất trên địa bàn thì cũng mới chỉ kiểm soát được 20% đến 30% so với số lượng thực tế tiêu thụ trên thị trường.
Tiến tới dán nhãn liên kết vùng cho thực phẩm
Ngoài các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng, kinh doanh buôn bán trái phép vẫn đang chiếm lĩnh thị trường chợ tự phát, chợ nhỏ lẻ, nỗi lo thực phẩm bẩn từ các tỉnh thành khác tràn vào thành phố đang hiện hữu.
Thành phố sẽ tiến tới dãn nhãn các sản phẩm từ gia súc, gia cầm
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, mặt hàng nông sản từ các tỉnh nhập về chợ chỉ ghi thông tin nguồn gốc đến tỉnh hoặc vùng sản xuất, chưa ghi địa chỉ rõ ràng. Khi phát hiện lô hàng không đạt chất lượng ban quản lý chợ chỉ có thể cảnh báo tới địa phương cung cấp sản phẩm, đề nghị có giải pháp truyền thông đến các hộ sản xuất trên địa bàn.
Khẳng định, việc truy xuất nguồn gốc là giải pháp trọng tâm trong việc đảm bảo chất lượng thực phẩm cho người dân, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân TPHCM cho biết: Thành phố sẽ mở rộng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn và thực hiện dán nhãn đối với những mặt hàng có xuất xứ trên địa bàn. Đây sẽ là cơ sở để xử lý nghiêm đối với những đơn vị sai phạm (nếu có). Những tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm kém chất lượng sẽ bị xử lý nghiêm, công bố trên các phương tiện truyền thông.
Ngoài ra, thành phố sẽ từng bước triển khai các giải pháp để ngăn chặn thực phẩm bẩn từ các tình thành lân cận trên cơ sở thực hiện liên kết vùng, tiến tới dán nhãn truy xuất nguồn gốc. Sắp tới, những mặt hàng không dán nhãn, không có hóa đơn rõ ràng sẽ bị cấm buôn bán tại các chợ.
Để tránh nguy hại đến sức khỏe do sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, đại diện Ban an toàn thực phẩm thành phố khuyến cáo cộng đồng chỉ sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. Khi phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng hoặc nguy hại, người dân cần nhanh chóng phản ánh đến cơ quan quản lý Nhà nước để kịp thời ngăn chặn, tránh nguy hiểm cho cộng đồng