Kết nối, định hướng thị trường và làm cầu nối với cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp trong từng ngành nghề là việc làm mà các hiệp hội nghề nghiệp thực hiện thời gian qua
Với ngành nuôi trồng,
chế biến và xuất khẩu
thủy sản, lúa gạo, giày da, may mặc…, hiệp hội đã tạo được sự tin tưởng của doanh nghiệp, thay tiếng nói của họ với cơ quan quản lý nhà nước.
Kết nối và hỗ trợ thương mại
Trong những năm qua, nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam gặp khó khăn tại thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản bởi rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật do chính các thị trường này đặt ra.
Điển hình như Hiệp hội Cá tuyết Mỹ gây áp lực bắt buộc Chính phủ Mỹ phải áp thuế chống bán phá giá lên cá tra của Việt Nam. Hay, việc thay đổi quy tắc mạ băng trên sản phẩm cá tra; áp các tiêu chuẩn
an toàn vệ sinh thực phẩm lên sản phẩm hồ tiêu; quy định kích cỡ trên trái thanh long, độ ngọt khi vào thị trường châu Âu...
Doanh nghiệp nhiều lần "khốn đốn" tìm hướng đi để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn khi tiếp cận với khách hàng thế giới. Những yếu tố này đã buộc các hiệp hội trở thành vai trò đầu tàu trong việc nắm vững thông tin, diễn biến thị trường cũng như cơ chế cung cầu để hướng dẫn, khuyến cáo doanh nghiệp.
Theo bà Trần Thị Minh Thư, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinacafe Sơn Thành (Phú Yên), khi diện tích hồ tiêu tăng, chất lượng hồ tiêu Việt Nam giảm, các nước châu Âu có quy định mới về việc nhập hồ tiêu của Việt Nam đã khiến doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này rơi vào khó khăn.
Giá hồ tiêu thấp, các chỉ tiêu chất lượng ngày càng khắt khe. Nếu từng doanh nghiệp tự tìm cách vượt qua, sẽ khiến cho tiềm lực ngày càng yếu đi bởi phải phân tán vào các việc tìm hiểu thị trường, đàm phán, đầu tư nghiên cứu để tìm kỹ thuật sản xuất tốt…
Trước khó khăn này, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã làm thay doanh nghiệp nhiều việc. Trong các cuộc họp định kỳ, Hiệp hội đã hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc tiêu đạt chất lượng cao; tổ chức tập huấn phòng chống dịch bệnh trên cây; cung cấp thông tin thị trường và tiêu chuẩn chất lượng mà doanh nghiệp phải đạt được khi muốn vào thị trường Mỹ, châu Âu.
Hiệp hội còn khảo sát về những thị trường tiềm năng, dự báo về đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu hồ tiêu để các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ trước khi quyết định ký kết hợp đồng giao hàng.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam chia sẻ, thời gian gần đây, Hiệp hội gia vị châu Âu đã công bố bộ quy tắc mới về tiêu chuẩn chất lượng, gây ảnh hưởng đến tất cả các nước xuất khẩu hồ tiêu; trong đó Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh nhất.
Trước khó khăn này, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Hồ tiêu các nước châu Âu kiến nghị việc thay đổi một số tiêu chí trong quy tắc này. Nếu chỉ xét các tiêu chí liên quan đến an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng thì Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam có thể đàm phán được, giúp các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong xuất khẩu hồ tiêu năm 2017.
Mắt xích trong liên kết chuỗi
Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: Đình Huệ/TTXVN
|
Các hiệp hội chính là một mắt xích quan trọng trong mối liên kết ngang, cũng như liên kết dọc trong phát triển kinh tế. Dựa vào đó, các doanh nghiệp có thể, liên kết hợp tác để cùng nhau xây dựng thị trường nội địa và xuất khẩu.
Trong các hiệp hội liên quan đến nông nghiệp, Hiệp hội Lương thực Việt Nam là đơn vị tiên phong trong hoạt động xây dựng liên kết chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, đảm bảo lợi nhuận chia đều cho các thành phần liên kết.
Năm 2017, xuất khẩu gạo quý I giảm so với cùng kỳ năm 2016. Với vai trò chủ chốt điều tiết mua bán, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu doanh nghiệp giữ vững thị trường nội địa. Mặt bằng chung xuất khẩu gạo thế giới giảm thì thị trường nội địa chính là nơi giúp cán cân cân bằng giữa xuất và nhập ổn định.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, để tránh thất thoát cho ngành gạo từ 2 thị trường xuất khẩu và nội địa, bên cạnh việc thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp thành viên tìm kiếm thị trường mới, Hiệp hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp giữ thị trường nội địa, chủ động liên kết với người sản xuất lẫn các kênh tiêu thụ để tránh hàng ngoại đánh bại sản phẩm trong nước, đặc biệt là gạo cấp cao vẫn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Vì vậy, doanh nghiệp phải cố gắng giữ phân khúc thị trường này để tiêu thụ các sản phẩm gạo cấp cao của nông dân trong nước. Ngoài việc liên kết với nông dân để tạo nguồn nguyên liệu ổn định, phục vụ cho xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng cần một mối liên hệ khăng khít, hiểu rõ nhau để hỗ trợ nhau trong sản xuất.
Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, nhằm giúp các doanh nghiệp trong Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh phát triển con tôm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long bền vững, tránh cảnh tượng "treo ao" khi rớt giá hoặc nông dân buông hợp đồng ký kết với doanh nghiệp khi tôm tăng giá, Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh cũng liên kết với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tạo thành chuỗi liên kết giữa các hiệp hội, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, các khâu trong quy trình sản xuất, xuất khẩu, cung cấp thiết bị sản xuất, chế biến, gia tăng hiệu quả nguồn vốn của từng doanh nghiệp.
Các hiệp hội cũng là nơi giúp các mắt xích: nông dân - doanh nghiệp, doanh nghiệp - doanh nghiệp trong chuỗi hài hòa hơn về lợi ích, hòa giải những bất hòa xảy ra khi thị trường biến động, làm lệch cán cân lợi nhuận giữa hai bên liên kết này.
"Liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp là một nhân tố quan trọng để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Nếu các doanh nghiệp không hiểu rõ về nhau thì sẽ không biết liên kết theo hướng nào để giảm thiểu chi phí sản xuất. Hơn nữa, trong tình hình tiếp cận vốn từ các ngân hàng còn khó khăn thì các doanh nghiệp thành viên có thể vay vốn dự trữ của nhau và hiệp hội chính là đơn vị cầm trịch", bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết