Đối với hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; hợp đồng mua, bán hàng hóa quốc tế
Đối với hàng hóa nhập khẩu, CFS (Certificate of Free Sales) là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu sản phẩm, chứng nhận rằng hàng hóa đó được sản xuất và được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu. CFS bao gồm cả các giấy chứng nhận có nội dung tương tự hoặc mang tính đặc thù hoặc mang đầy đủ nội dung của CFS. Ví dụ, trong trường hợp sản phẩm nhập khẩu là thực phẩm, loại giấy tờ tương đương với CFS là giấy chứng nhận y tế hoặc giấy chứng nhận tương đương do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất xứ cấp trong đó có nội dung thể hiện sản phẩm an toàn với sức khỏe người tiêu dùng và phù hợp với pháp luật về thực phẩm hay Chứng nhận cho phép lưu hành của tổ chức FDA-Mỹ, hoặc Chứng chỉ đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu (CE Mark Certificate) hợp lệ và thời hạn còn hiệu lực. Một sản phẩm được cấp CFS đồng nghĩa với việc sản phẩm đó đã thông qua những phương pháp đánh giá kiểm tra của cơ quan chuyên môn tại nước xuất khẩu và đã được cho phép sản xuất, buôn bán và tiêu dùng tại nước này.
Các bên trong hợp đồng nên cân nhắc về khả năng lưu hành của sản phẩm, hàng hóa trước khi đặt bút ký kết thỏa thuận với nhau, hoặc có thể đưa nội dung này vào hợp đồng để tránh những rủi ro sau đó. |
Trong quá trình tiếp nhận các vụ tranh chấp, VIAC ghi nhận một trường hợp bên mua là thương nhân Việt Nam khi thỏa thuận mua bán hàng hóa với bên bán là thương nhân nước ngoài đã ký kết hợp đồng và trao đổi mọi thông tin qua thư điện tử. Tranh chấp phát sinh khi bên nhập khẩu đã giao một phần tiền nhưng bên bán không cung cấp được CFS còn hiệu lực, không chứng minh được hàng hóa có chất lượng và được lưu hành tự do trên thị trường nước xuất khẩu, bên bán sau đó yêu cầu bên mua thanh toán toàn bộ số tiền để nhận được CFS có hiệu lực trong khi không hề có hành động chuyển hàng tương ứng với khoản tiền mà bên mua đã thanh toán.
Khả năng cao trong trường hợp này, bên bán đã có hành vi lừa đảo. Tuy nhiên, chưa xét đến tính chất của vụ việc, ở đây ta thấy được vai trò và sự cần thiết của CFS trong hoạt động xuất nhập khẩu.Theo quy định của pháp luật hiện hành, hàng hóa khi được nhập khẩu vào Việt Nam để được lưu thông tự do trên thị trường cần phải qua quá trình kiểm tra chất lượng. Trong tranh chấp nêu trên, nếu bên nhập khẩu không cung cấp được giấy chứng nhận về chất lượng sản phẩm tại nước xuất khẩu, quá trình thông quan sẽ gặp trở ngại về mặt thủ tục. Bên nhập khẩu sẽ phải tiến hành việc thử nghiệm, giám định chất lượng hàng hóa, trong trường hợp kết quả thử nghiệm, giám định chất lượng xác định hàng hóa không đáp ứng tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng của Việt Nam, hàng hóa sẽ bị buộc tái xuất, tiêu hủy hoặc tái chế.
Hơn nữa, theo Quyết định 10/2010 của Thủ tướng Chính phủ, sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải có CFS để làm cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp các giấy chứng nhận khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Ví dụ, với hoạt động nhập khẩu mỹ phẩm, việc công bố mỹ phẩm là một thủ tục bắt buộc. Theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT, để làm thủ tục công bố trên, một trong những loại giấy tờ bên nhập khẩu phải đưa vào hồ sơ là giấy chứng nhận lưu hành tự do của mỹ phẩm nhập khẩu. Hiện nay, không chỉ mỹ phẩm mà thực phẩm, sữa, thực phẩm chức năng và một số sản phẩm cũng yêu cầu người nhập khẩu xuất trình CFS hoặc các giấy tờ tương đương khi làm thủ tục công bố.
Đối với việc mua, bán hàng hóa trong nước
Không phải mọi hàng hóa được sản xuất trong nước sẽ mặc nhiên được lưu thông tự do trên thị trường. Theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì trên thị trường có hai nhóm sản phẩm, hàng hóa như sau: Nhóm 1 gồm các sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn, trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, không gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường; Nhóm 2 là nhóm các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.
Trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, bên sản xuất phải đáp ứng được các điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm. Theo quy định hiện hành, người sản xuất phải thực hiện yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm trong sản xuất bằng việc lựa chọn chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn đối với sản phẩm nhóm 1, nếu sản phẩm thuộc nhóm 2 thì phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến quá trình sản xuất, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, đồng thời phải áp dụng hệ thống quản lý phù hợp. Từ quy định này, có thể thấy rằng việc công bố chất lượng, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy là điều kiện tiên quyết để hàng hóa sản xuất ra được lưu thông trên thị trường.
Với một số sản phẩm, hàng hóa, để lưu thông tự do trên thị trường, ngoài việc công bố hợp chuẩn, hợp quy, nhà sản xuất còn phải đảm bảo được những điều kiện khác. Theo điều 5 của Nghị định 08/2010/NĐ-CP, việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc có trong danh mục cấm sản xuất và lưu hành ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Như vậy, một điều kiện đặt ra đó là các doanh nghiệp không được sản xuất ra các sản phẩm thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục được phép lưu hành hoặc thuộc danh mục cấm lưu hành, vì như vậy, hàng hóa sẽ không được lưu thông. Hiện nay, bên cạnh Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành, các bộ chuyên ngành đã đưa ra một số danh mục sản phẩm khác, như danh mục thuốc thú y được lưu hành tại Việt Nam, danh mục vaccin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam...
VIAC đã từng tiếp nhận trường hợp tranh chấp giữa công ty M và công ty O. Hai bên thỏa thuận ký kết hợp đồng mua bán một loại thức ăn thủy sản, trong đó M đồng ý là bên bao tiêu cho O, tuy nhiên lượng sản phẩm này bị tồn lại sau khi O giao cho M với lý do loại thức ăn này không nằm trong danh mục thức ăn thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 36/2012/TT-BNNPTNT. Bên M yêu cầu O thu hồi lại số sản phẩm và chi trả các chi phí cho M.
Qua những phân tích nêu trên, có thể thấy rằng việc hàng hóa được lưu hành tự do có ý nghĩa rất quan trọng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa. Các bên trong hợp đồng nên cân nhắc về khả năng lưu hành của sản phẩm, hàng hóa trước khi đặt bút ký kết thỏa thuận với nhau, hoặc có thể đưa nội dung này vào hợp đồng để tránh những rủi ro sau đó. Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, các bên trong hợp đồng cần có sự bảo đảm rằng hàng hóa này không nằm trong danh sách cấm lưu hành hoặc các loại hàng hóa này có những văn bản chứng minh sự phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đối với hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế, việc quan tâm đến CFS có thể giúp bên mua hạn chế được những rủi ro về chất lượng của hàng hóa, đảm bảo quá trình thông quan