0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nỗi lo chất lượng nước đá

03/04/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Nỗi lo chất lượng nước đá
Nhu cầu sử dụng nước đá hằng ngày của thành phố rất lớn, nhất là khi đang vào mùa nắng nóng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chất lượng nước đá hiện nay chưa được các cơ quan chức năng, địa phương quản lý một cách chặt chẽ về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng

Rẻ và… bẩn

Trong vai chủ đại lý kinh doanh bianước giải khát có nhu cầu mua nước đá số lượng lớn để bán cho khách, chúng tôi đến một cơ sở sản xuất nước đá ở đường Phan Văn Hớn, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn để hỏi giá mua sỉ. Chủ cơ sở sản xuất cho hay: Giá một bao nước đá viên lớn cũng như nhỏ trọng lượng 20 ký là 12 nghìn đồng, nếu muốn rẻ mua cả cây trọng lượng 50 ký chỉ… 20 nghìn đồng. Nếu khách có nhu cầu đặt cơ sở giao tận nơi thì mỗi bao đá viên hay cây đá cộng thêm năm nghìn đồng. Khi chúng tôi hỏi chủ cơ sở về giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) thì được trả lời: “Cơ sở của tôi cung cấp nước đá cho toàn bộ nhà hàng, các đại lý nước ngọt cũng như quán cà-phê trên địa bàn xã nên chất lượng không phải lo. Giấy chứng nhận chỉ trưng ra khi có đoàn kiểm tra, còn khách hàng cứ mua về dùng, không cần chứng nhận…”. Một nhân viên của cơ sở này chỉ vào hệ thống lọc nước giếng nằm trong khuôn viên cơ sở giải thích: Nước giếng ngầm bên dưới được bơm lên, từ đó dẫn vào hệ thống lọc rồi đổ nước vào khuôn làm lạnh là ra thành phẩm. Quan sát toàn bộ cơ sở cho thấy, nước đá sau khi đông lạnh thành viên được đổ xuống sàn nhà, công nhân xúc từng ca vào bao nhựa dạng sợi (bao PP) chất thành đống bỏ trong kho lạnh, sau đó bốc lên xe tải nhỏ đi giao cho các đại lý. Với những tảng đá cây, chủ cơ sở thuê người chở trên xe ba gác hay xe kéo chạy qua các quán cà-phê giao lẻ.

Tại một đại lý nước đá trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, ngay bên hông chợ Bà Chiểu, chỉ cần gọi một cuộc điện thoại là ngay lập tức đã có vài chục cây nước đá được một cơ sở sản xuất chở đến giao. Sau đó, chủ đại lý chặt ra thành từng khúc, phân trọng lượng rồi bỏ vào từng bao tải cũ mang vào chợ bán cho các tiệm chè, sinh tố, nước giải khát. Nhiều sạp bán hải sản gần chợ cũng ghé đến đại lý này mua đá cây ướp thực phẩm. Theo quan sát, ở đây có tủ chứa cách nhiệt nhưng nhiều bao nước đá vẫn để bên ngoài, ngay sát miệng cống thoát nước. Chủ đại lý cho biết, vì đá cây rẻ nên người kinh doanh thích mua đá cây về đập nhỏ bán nước giải khát, vừa ướp lạnh bia, nước ngọt hay làm lạnh trái cây bán sinh tố. Qua quan sát, các đại lý nước đá nằm gần chợ thường chọn sàn nhà, vỉa hè là “kho chứa”, có nơi bỏ đá vào thùng tôn rồi phủ tấm bạt sơ sài trước khi đưa đi giao lẻ. Còn tại các quán ăn, quán giải khát, kể cả các nhà hàng ngay trung tâm thành phố, hầu như nước đá được các đại lý phân phối đóng trong bao rồi chuyên chở đến nơi mà chủ nhà hàng không hề quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng của nước đá cũng như bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng.

Chưa quản được đại lý nhỏ lẻ

Ghi nhận tại các công ty sản xuất nước đá quy mô trung bình và nhỏ, quy trình sản xuất nước đá không quá phức tạp với hệ thống giếng khoan, thiết bị lọc nước và hệ thống làm lạnh. Theo quy định của Cơ quan chứng nhận ATTP, các cơ sở sản xuất nước đá cần phải tuân thủ một quy trình sản xuất nghiêm ngặt, với 109 chỉ tiêu đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Song trên thực tế, do công tác kiểm tra của chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng đối với các cơ sở kinh doanh còn bỏ ngỏ cho nên chất lượng nước đá gần như “ngoài vùng phủ sóng”. Không chỉ nguồn nước sản xuất nước đá không an toàn mà bao bì đựng sản phẩm hầu hết là bao gai PP được làm từ nhựa tái chế, cũng không bảo đảm vệ sinh để chứa thực phẩm.

Theo Chi cục ATVSTP thành phố, hiện trên địa bàn thành phố có gần 200 cơ sở sản xuất và kinh doanh nước đá dùng liền được cơ quan chức năng quản lý về chất lượng. Tuy nhiên, còn khoảng 760 cơ sở kinh doanh nước đá nhỏ lẻ nằm rải rác trên địa bàn, thuộc thẩm quyền quản lý của các quận, huyện đang bị buông lỏng quản lý. Đại diện Chi cục ATVSTP cho biết, cuối năm 2016 Chi cục đã kiểm tra 143/193 cơ sở sản xuất kinh doanh nước đá. Lấy bảy mẫu kiểm nghiệm vi sinh thì có đến 6/7 mẫu nhiễm vi sinh. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở nhỏ lẻ hầu hết đều không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh ATTP.

Theo các chuyên gia y tế, nước đá bẩn rất nguy hiểm cho người dùng vì được sử dụng trực tiếp, không qua bất kỳ khâu sơ chế, chế biến nào. Nước đá nhiễm vi sinh còn có thể gây bệnh về đường ruột, tiêu chảy cấp, một số có thể gây suy thận. Với các cơ sở sản xuất nước đá chưa qua xử lý nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất (thủy ngân, chì, a-sen, kẽm,...), nhiều loại có khả năng gây ung thư cho người dùng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường việc kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất nước đá, nhằm bảo đảm chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

QUÝ HIỀN