0908.326.779 - 0906.362.707
 

Đau đầu với hàng rào kỹ thuật

11/03/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Đau đầu với hàng rào kỹ thuật
Quá trình thực thi các hiệp định thương mại đã mở cửa thị trường và đẩy thuế suất thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa giảm mạnh, thậm chí về 0%. Đó là cơ hội rõ ràng để cho hàng Việt ra thế giới.

Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy, các DN của chúng ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về bảo hộ, đặc biệt là các tiêu chuẩn kỹ thuật đang được nhiều nước sử dụng như những công cụ hữu hiệu để bảo hộ cho sản xuất trong nước. Không ít sản phẩm nông sản, thực phẩm xuất khẩu của các DN Việt Nam đã bị từ chối nhập khẩu hoặc bị trả về do còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm vi sinh, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Trồng hồ tiêu cần đảm bảo an toàn, chất lượng để xuất khẩu

Câu chuyện hồ tiêu xuất khẩu vào EU là một trong những ví dụ khi EU đang kiến nghị siết chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép trong hạt tiêu nhập khẩu vào khu vực này. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết năm 2017 vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ được thị trường thế giới tập trung soi xét cẩn trọng hơn nhiều lần, đặc biệt ở các thị trường mà hạt tiêu Việt Nam đang chiếm thị phần tốt là Mỹ và châu Âu.

Theo thông tin chính thức từ Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA), trong thư gửi VPA và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cuối tháng 1/2017 vừa qua cho biết năm 2016, ESA phân tích 799 mẫu hạt tiêu đen nhập vào EU năm 2016 thì chỉ có 17% số mẫu có mức dư lượng tối đa cho phép dưới 0,05ppm.

Như vậy, nếu tình hình sản xuất hồ tiêu vẫn như 2016 thì đồng nghĩa với việc năm 2017 sẽ có thể có tới trên 80% hạt tiêu của Việt Nam khó có cơ hội vào được thị trường châu Âu, thị trường vốn tiêu thụ xấp xỉ 40.000 tấn, chiếm 23% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam hàng năm.

Theo đánh giá của một số DN xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam, việc EC muốn điều chỉnh lượng tối đa cho phép chất Metalaxyl là 0,1 ppm xuống còn 0,05 ppm là một hàng rào kỹ thuật hơn là lo ngại về vấn đề sức khỏe người tiêu dùng, vì hàm lượng Metalaxyl là 0,1% ppm được cho là đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng mà không cần phải xuống đến mức chỉ còn 0,05% ppm.

Trước sự việc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hồ tiêu Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu, Bộ NN-PTNT Việt Nam đã phải vào cuộc để xử lý.  VPA cho biết, trước phản đối của Bộ NN-PTNT Việt Nam, Ban Gia vị của Chính phủ Ấn Độ (ISB) và Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA), Uỷ ban châu Âu (EC) đã xem lại Dự thảo quy định mới liên quan tới Metalaxyl trên hạt tiêu và quyết định sẽ tạm dừng xem xét và chờ kết quả cuộc họp của các chuyên gia CODEX đánh giá lại, dự kiến trong thời gian năm 2018.

Thực tế cho thấy, việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu là do nông dân trồng tiêu đã lạm dụng sử dụng nhiều loại thuốc diệt nấm, diệt côn trùng… Sự việc này cũng là cảnh báo đối với ngành hồ tiêu Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu.

Theo đó ngành hồ tiêu Việt Nam phải quyết liệt hơn trong sản xuất, đặc biệt là người nông dân và các đầu mối thương lái, DN thu gom, tạm trữ… phải có trách nhiệm, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh theo hướng an toàn, chất lượng thì mới có thể tránh được rủi ro mất giá, không tiêu thụ được hàng hoá vì vấn đề chất lượng không đảm bảo.

Cùng với đó, đứng trước các quy định chặt chẽ của các Hiệp định thương mại tự do, nhất là TPP thì hàng rào thuế quan dần được thay thế bởi hàng rào phi thuế quan, các hàng rào kỹ thuật và thương mại cần được các DN Việt chú trọng để có thể đứng vững và cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, những rào cản kỹ thuật khắt khe như vậy rõ ràng là thách thức lớn đối với các DN Việt Nam. Bên cạnh đó, phần lớn nguyên liệu đều phải nhập khẩu, phụ thuộc vào thị trường nước ngoài dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh – xuất khẩu của Việt Nam chưa cao.

Trong xu hướng chung của tự do thương mại khi thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0, xuất khẩu của Việt Nam trong các năm tiếp theo sẽ gặp phải nhiều khó khăn do các nước dựa trên sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, sẽ sử dụng ngày càng nhiều hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu.

Theo đó các DN cũng cần phải chủ động trong việc cập nhật thông tin về các tiêu chuẩn kỹ thuật mới từ các nước nhập khẩu. Các nhà quản lý và DN phải nắm chắc các quy định này để từ đó quan tâm đến chất lượng sản phẩm và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng được thương hiệu và uy tín cho các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, đồng thời từng bước xây dựng bộ hàng rào kỹ thuật ở chính quốc gia mình để vừa xuất khẩu hàng hóa một cách an toàn, vừa nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của hàng nội.

Đồng thời, DN phải đổi mới công nghệ, xây dựng quy trình sản xuất chế biến đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm môi trường, từ đó giảm giá thành sản xuất, mặt khác nâng cao chất lượng để đáp ứng được các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Đại diện Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, nếu DN Việt Nam không sớm xử lý dứt điểm tình trạng nông, thủy sản xuất khẩu vi phạm Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật và xử lý nhanh việc kiểm dịch động thực vật với nhiều loại trái cây tươi, thịt gia súc gia cầm, thì ưu đãi từ các Hiệp định thương mại sẽ không tận dụng được

Nguyễn Minh