0908.326.779 - 0906.362.707
 

Doanh nghiệp còn chưa chú trọng tự công bố chất lượng

14/10/2022    4.65/5 trong 18 lượt 
Doanh nghiệp còn chưa chú trọng tự công bố chất lượng
Việc thiếu cơ chế cho phép doanh nghiệp được lựa chọn giữa tự công bố (doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm) và đăng ký bản công bố (cơ quan Nhà nước xác nhận) là một trong những bất cập lớn của Nghị định 15/2018/NĐ-CP...

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định một số điều Luật An toàn thực phẩm, trong đó điểm nổi bật là cho phép hơn 90% loại sản phẩm được tự công bố chất lượng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó. Thế nhưng thời gian qua, một số doanh nghiệp chưa có ý thức cao, dù biết sản phẩm chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường nhưng vẫn tự công bố để sản phẩm được lưu hành.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, Nghị định này là một tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam. Việc tự công bố chất lượng sản phẩm này áp dụng cho một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Nghị định đã góp phần tháo gỡ nhiều bất cập cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển và được xem là cuộc cách mạng trong ngành thực phẩm khi áp dụng quản lý rủi ro và chuyển mạnh sang hậu kiểm.

doanh nghiep con chua chu trong tu cong bo chat luong
Ảnh minh họa

Tuy thế, các chuyên gia nhận định, nhìn lại 5 năm thực thi Nghị định 15, bên cạnh những ưu điểm, việc quy định doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đơn cử, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM, một số doanh nghiệp chưa có ý thức cao, dù biết sản phẩm chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường nhưng vẫn tự công bố để bán trên thị trường. Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát chất lượng (hậu kiểm) của các cơ quan chức năng còn hạn chế nên khó xử lý hết những vi phạm.

TS. Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng thông tin, từ khi Nghị định 15 đi vào cuộc sống đến nay, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã nhận hơn 180.000 hồ sơ doanh nghiệp tự công bố và đã thực hiện hậu kiểm hơn 80% hồ sơ trên giấy tờ. Kết quả chỉ có 45% hồ sơ đáp ứng yêu cầu, số không đạt là do doanh nghiệp kê khai chưa đủ, chưa đúng quy định.

"Ban quản lý đã liên hệ doanh nghiệp để yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa. Đã có 52 doanh nghiệp bị xử phạt vì sai sót quá lớn trong quá trình tự công bố chất lượng sản phẩm với tổng số tiền xử phạt lên đến hơn 3 tỷ đồng", bà Phong Lan chia sẻ.

Theo luật sư Hậu, việc thiếu cơ chế cho phép doanh nghiệp được lựa chọn giữa tự công bố (doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm) và đăng ký bản công bố (cơ quan Nhà nước xác nhận) là một trong những bất cập lớn của Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

Quy định hiện tại không cho phép doanh nghiệp thuộc đối tượng có sản phẩm được tự công bố có thể lựa chọn hình thức đăng ký bản công bố sản phẩm thay cho việc tự công bố. Về tâm lý, khách hàng phần lớn sẽ khó tin vào sự "tự khai" của doanh nghiệp và mong muốn có sự chứng nhận đối với sản phẩm từ cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, Điều 5, Nghị định số 15 quy định tổ chức, cá nhân nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận. Điều này gây khó khăn vì bất cập về sự không thống nhất cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở các địa phương.

TP.HCM đã có Ban quản lý An toàn thực phẩm thì công khai danh sách các sản phẩm tự công bố trên trang web của Ban quản lý An toàn thực phẩm. Các địa phương khác thì mỗi địa phương một kiểu. Bình Thuận thì công khai danh sách các sản phẩm tự công bố trên trang web của Sở Công Thương. Bà Rịa - Vũng Tàu thì công khai danh sách các sản phẩm tự công bố trên trang web của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bình Dương thì công khai danh sách các sản phẩm tự công bố trên trang web của Sở Y tế.

Từ thực tế này, luật sư Hậu kiến nghị sửa đổi quy định cho phép các doanh nghiệp có sản phẩm thuộc đối tượng được phép tự công bố sản phẩm có thể linh hoạt lựa chọn giữa tự công bố sản phẩm và đăng ký bản công bố để tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mong muốn được sự công nhận của cơ quan nhà nước, từ đó thu hút khách hàng, gia tăng cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, bổ sung quy định chi tiết về các thông tin cần đăng tải và công bố như các thành phần, phụ gia phụ phẩm, các kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm… để dễ dàng hơn trong việc xác minh cũng như sớm phát hiện các sản phẩm lỗi trước khi đến tay người tiêu dùng.

“Việc tiếp tục thực hiện và phát huy những ưu điểm của Nghị định là cần thiết và phù hợp. Bên cạnh đó, cơ quan ban hành chính sách và quản lý cũng nên xem xét các bất cập còn tồn tại để điều chỉnh cho phù hợp, sao cho vừa thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh - sản xuất, vừa dễ dàng cho cơ quan nhà nước quản lý, đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”, ông Hậu nói.

Lâm Minh