0908.326.779 - 0906.362.707
 

Khó quản lý sản xuất rượu thủ công

10/04/2017    4.41/5 trong 11 lượt 
Khó quản lý sản xuất rượu thủ công
Hàng loạt vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước thời gian qua gióng lên hồi chuông cảnh báo về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là với rượu tự nấu. Dù Nghị định số 94 của Chính phủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu ban hành chính thức có hiệu lực đã hơn 4 năm qua nhưng vì nhiều lẽ đến nay tình trạng sản xuất rượu thủ công, bán rượu không tem mác vẫn còn khá phổ biến, tràn lan trên địa bàn tỉnh ta…

Vô tư sản xuất rượu thủ công, không nhãn mác

Dù không có giấy phép sản xuất rượu thủ công, nhưng gia đình chị Phạm Thị Bính, tổ dân phố 11, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) vẫn đều đặn nấu khoảng 20 lít rượu gạo mỗi ngày. Làm nghề bán gạo, nấu rượu, nuôi lợn hơn chục năm nay nên lượng khách tìm đến mua rượu khá nhiều. Để phục vụ “thượng đế” chị bán với 2 mức giá, thông thường là 20.000 đồng/lít và 25.000 đồng/lít (đối với người có nhu cầu lấy rượu nặng hơn (tức là nồng độ nặng hơn – PV). Trả lời cho câu hỏi, vì sao không liên hệ với cơ quan chức năng để xin cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu? Chị Bính thẳng thắn trả lời “Sản xuất quy mô lớn đã đành, đằng này nhà tôi cả ngày mới nấu 1 – 2 nồi cất được khoảng 15 – 20 lít rượu, đáng gì mà xin cấp phép sản xuất mới chả kinh doanh. Rượu mình nấu ra lại phải bỏ thêm tiền đăng ký gắn tem, nhãn mác mới được bày bán, lưu hành… rõ là phức tạp. Ngoài số khách không nhiều bán đổ cho các cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, quán ăn khu vực thành phố thì khách mua lẻ tại gia đình chủ yếu là bà con cùng phố, phường mua lâu rồi thành quen, thấy uống “êm” thì đến mua tiếp. Chẳng cần cửa hàng, cửa hiệu, rượu nấu đến đâu vẫn hết đến đó, nhất là dịp tết nguyên đán vừa rồi, nấu còn không kịp khách đặt. Lý giải cho vấn đề nấu rượu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chị Bính cho rằng, khi xác định nấu rượu là nghề thì phải uy tín thì mới có người mua. Men rượu chúng tôi đặt tận Thái Bình lên để nấu, có xuất xứ rõ ràng, không lấy men “Tàu”, men trôi nổi. Vừa nói, chị Bính vừa chỉ tay về phía góc nhà là hàng chục gói men rượu “Đức Ngọ” còn chưa sử dụng!

 

 

Người dân xã Xá Nhè bán rượu tự nấu tại chợ phiên. Ảnh: Đức Huy

Còn với những người được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Nghị định 94 của Chính phủ thì vì nhiều lý do đến nay vẫn phớt lờ quy định, vô tư nấu rượu thủ công không phép. Chị Đặng Thị Nhất, đội 19, bản Độc Lập, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) nấu rượu đã gần chục năm. Gia đình chị nấu rượu chủ yếu là phục vụ nhu cầu của bà con xung quanh và bán đổ cho một số cửa hàng tạp hóa, quán ăn lân cận. Chị Nhất cho biết: Trung bình mỗi ngày nấu chừng 20 lít rượu gạo, mùa đông lượng rượu tiêu thụ cao hơn hoặc khi có khách đặt nhiều chị sẽ nấu tăng lên. Tuy nhiên do lượng khách không ổn định nên hàng ngày chị Nhất vẫn nấu để lấy bã cho lợn ăn. Khi được hỏi về Nghị định 94 của Chính phủ, chị Nhất cho hay, cách đây chừng 2 năm có cán bộ trên huyện (huyện Điện Biên – PV) xuống tuyên truyền, hướng dẫn về thủ tục đăng ký sản xuất rượu tự nấu; vận động tham gia lớp tập huấn về quy trình sản xuất rượu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, song vì mải công việc nên chị chưa tham gia và cũng chưa đăng ký xin cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu tự nấu.

 

 

Sản phẩm rượu chưng cất thủ công của gia đình chị Phạm Thị Bính, tổ dân phố 11, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ). Ảnh: Gia Kiên

Theo quy định tại Nghị định 94 của Chính phủ, để được cấp phép sản xuất rượu thủ công phải bảo đảm các điều kiện về môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn mác hàng hóa. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi tại các cơ sở nấu rượu thủ công thì khu vực nấu, ngâm ủ lên men rất chật chội, vật dụng đựng rượu cũ kỹ, sơ sài phần lớn chai lọ, thùng nhựa đã qua sử dụng nhiều lần; khu vực ủ rượu, vào men… bụi bẩn, ẩm thấp khó mà đảm bảo vệ sinh. Và nếu chiểu theo Nghị định 94 của Chính phủ mà xử lý thì chả mấy cơ sở nấu rượu thủ công tránh khỏi vi phạm. Đó là chưa kể các cơ sở tự nấu cũng là cơ sở tự bán rượu mà theo quy định sản phẩm khi lưu hành, tiêu thụ không có nhãn mác, không dán tem theo quy định cũng là vi phạm.

Nhiều bất cập

Dù chưa có số liệu thống kê chính thức từ phía các cơ quan chức năng về số cơ sở sản xuất rượu thủ công, kinh doanh rượu không phép (trừ các cơ sở đã được cấp phép). Nhưng ước tính thì có cả nghìn hộ nấu rượu thủ công, hầu hết ở các thôn, bản, phố, phường từ nông thôn đến thành thị và người dân mua rượu tự nấu, không nhãn mác rất phổ biến vừa vì là thói quen và cũng vì giá phù hợp với thu nhập. Theo Nghị định 94 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013), các hộ nấu rượu nhỏ lẻ, các làng nghề nấu rượu truyền thống phải đăng ký với chính quyền địa phương nơi sản xuất, phải được chính quyền cấp huyện trở lên cấp giấy phép và khi lưu hành trên thị trường phải có tem, nhãn mác. Và tại tỉnh ta, Sở Công Thương đã rà soát, trình UBND tỉnh công bố bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết liên quan đến cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu. Trong đó, phân rõ thẩm quyền, cấp huyện cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, giấy phép bán lẻ sản phẩm rượu và cấp xã được quyền cấp giấy xác nhận đăng ký sản xuất rượu thủ công để bán lại cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Quy định rõ ràng là thế, song thực tế đến nay việc triển khai thực hiện Nghị định này trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nhiều cơ sở chưa tự giác chấp hành thực hiện việc đăng ký cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công, không đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng, không dán tem mác theo quy định…

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Nguyên nhân là do trên địa bàn tỉnh hoạt động sản xuất rượu chủ yếu là do các cơ sở, hộ gia đình sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, bằng phương pháp thủ công truyền thống phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương. Trong khi theo Điều 15, Nghị định 94 của Chính phủ quy định, sản phẩm rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước phải dán tem trên bao bì sản phẩm theo quy định của Bộ Tài chính (trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu) và quy định về việc đăng ký mẫu tem, dán tem (phải đăng ký với cơ quan thuế và do cơ quan thuế phát hành). Điều này chỉ phù hợp với các cơ sở sản xuất quy mô lớn, quy định này khó thực hiện đối với sản xuất rượu thủ công quy mô nhỏ lẻ. Chính vì vậy mà từ năm 2014 đến cuối năm 2016, các địa phương trong tỉnh chỉ mới cấp được 15 giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh; 387 giấy phép bán lẻ rượu và 2 giấy phép bán buôn sản phẩm rượu (trong đó 1 giấy phép đã hết hạn và cơ sở đã dừng kinh doanh); cấp 6 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rượu thủ công (đến nay 3 giấy phép đã hết hạn và cơ sở đã dừng sản xuất kinh doanh).

Siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh rượu nhất là với sản phẩm rượu tự nấu theo phương pháp thủ công, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân nâng cao trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu và nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc lạm dụng rượu, Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề, xây dựng kế hoạch kiểm tra đột xuất đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong việc sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu sản xuất thủ công, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (không có giấy phép sản xuất, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vi phạm về nhãn mác…) đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng

Minh Thùy