0908.326.779 - 0906.362.707
 

Quản lý thế nào cho hiệu quả?

10/04/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Quản lý thế nào cho hiệu quả?
Thời gian qua, số vụ ngộ độc liên quan tới đồ uống có cồn, trong đó có loại rượu tự sản xuất theo kiểu thủ công và rượu tự pha chế, hay còn gọi là “rượu quê” tăng vọt, trong đó có không ít trường hợp tử vong, khiến dư luận quan ngại. Tình trạng này đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng, sự quản lý của Nhà nước đối với mặt hàng này...

Những khó khăn trong việc quản lý kiểm soát

Theo các cơ quan chức năng, hiện nay những cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng “rượu quê” có mặt ở khắp các địa phương trong cả nước. Đáng báo động là những hộ gia đình nấu rượu bằng phương pháp thủ công, bán “rượu quê” không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc tổng hợp, đánh giá, rà soát, kiểm tra chất lượng mặt hàng này.

Được biết, hầu hết các hộ dân sản xuất rượu bằng phương pháp thủ công đều có quy mô nhỏ lẻ, phân bố rải rác… nên các cơ quan chức năng rất khó quản lý. Đã thế, chính quyền địa phương, các ngành chức năng chưa thường xuyên hướng dẫn, vận động cơ sở nấu rượu, kinh doanh rượu thủ công thực hiện đúng các quy định pháp luật. Thêm vào đó, kinh phí dành cho công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng tại các địa phương còn rất hạn chế, nên việc kiểm tra, lấy mẫu kiểm định hoặc lấy mẫu test nhanh hàm lượng methanol có trong rượu chưa được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa và tại một số khu vực đông dân cư, người lao động, không ít người tiêu dùng do chủ quan hoặc nhận thức còn hạn chế và ham giá rẻ nên vẫn “vô tư” tiêu thụ mặt hàng này. Cùng với đó là ý thức chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu chưa cao, hầu hết vẫn chỉ vì lợi nhuận đã ngang nhiên sử dụng cồn công nghiệp, các hóa chất không được phép sử dụng để pha chế rượu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc xảy ra trong thời gian vừa qua.

Bà Chu Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Từ đầu tháng 3-2017 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra 1.127 cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng “rượu quê”. Trong quá trình kiểm tra đã tiến hành xử lý 631 vụ, phạt tiền hơn 1,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 1,4 tỷ đồng; tạm giữ, tịch thu tang vật, gồm: 44.692 lít rượu, 1.835 chai rượu các loại, 2 can, 17 bình rượu, 2 chum rượu ngâm 67kg, 4,9kg men rượu, 1.559 vỏ chai rượu, 28.500 nhãn rượu giả… Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 

Cần luật hóa các quy định điều chỉnh đến lĩnh vực này

Nhằm ngăn chặn những vụ ngộ độc rượu xảy ra, thời gian qua, UBND một số tỉnh, thành phố và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đội quản lý thị trường tăng cường phối hợp với ngành y tế, lực lượng công an, chính quyền cơ sở tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh rượu và việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất rượu tại các cơ sở trên địa bàn. Thông qua việc kiểm tra đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng “rượu quê” không sử dụng cồn công nghiệp, các nguyên liệu không nằm trong danh mục được phép sử dụng để pha chế rượu.

Về phần mình, cơ quan quản lý thị trường ở các địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất rượu tự nấu nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc hay rượu nấu bằng phương pháp thủ công tự tiêu dùng. Còn Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chỉ đạo kịp thời chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi diễn biến thị trường, lập cơ sở dữ liệu các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân phối, bán buôn, bán lẻ thực phẩm nói chung và mặt hàng rượu nói riêng. Kiểm soát chặt chẽ các kho, bến bãi, điểm tập kết phát luồng hàng, các tuyến đường giao thông trọng điểm trên địa bàn để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng hóa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung và ngăn chặn rượu giả, rượu kém chất lượng nói riêng. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại các cửa hàng ăn uống...) đặc biệt là rượu sản xuất thủ công. Chú trọng kiểm tra, phát hiện các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, sử dụng nguyên liệu bị cấm để pha chế rượu, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn, quảng cáo, vi phạm về công bố hợp quy và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu diễn ra trên địa bàn.

Luật sư Trịnh Xuân Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được chất lượng của loại hàng hóa này thông qua cơ chế kiểm soát tại nguồn sản xuất và cơ sở bán lẻ. Trong đó cần có chế tài buộc tất cả các cơ sở sản xuất rượu quy mô hộ gia đình phải tuân thủ các quy chuẩn, quy định của pháp luật và đăng ký với cơ quan nhà nước về việc sản xuất sản phẩm này. Đây là điều kiện tiên quyết để hạn chế thấp nhất việc sản xuất rượu theo hình thức thủ công, tự phát; đồng thời hướng các hộ gia đình, cá nhân liên kết lại để sản xuất ở quy mô lớn hơn, giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được chất lượng sản phẩm này. Với các cơ sở bán lẻ, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chính quyền các cấp cần phải tuyên truyền, vận động người dân đăng ký nguồn gốc, dán nhãn hàng hóa và cam kết về chất lượng sản phẩm rượu tự chế.

Quan trọng nhất là cần luật hóa các quy định về sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn để hạn chế các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng

ANH THƯ